Từ “bom nợ” Evergrande, “báo động đỏ” cho trái phiếu doanh nghiệp bất động sản Việt Nam

An An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- “Bom nợ” của Tập đoàn bất động sản Evergrande tại Trung Quốc đang gióng lên hồi chuông báo động cho thị trường tài chính các nước, trong đó, có thị trường trái phiếu DN (TPDN) của khối bất động sản tại Việt Nam.

Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, sản xuất kinh doanh cầm chừng, tiếp cận tín dụng ngân hàng khó khăn, hàng loạt DN ồ ạt tìm cách huy động vốn trên sàn chứng khoán và tăng phát hành TPDN. Theo các chuyên gia, hiện, đang là thời điểm mà các TPDN bất động sản kỳ hạn 3 năm đến hạn thanh toán, trong đó nhiều TPDN không có tài sản thế chấp hoặc thế chấp bằng chính cổ phần DN, nếu bức tranh tài chính DN ảm đạm, thì lo ngại nguy cơ về khủng hoảng thanh khoản TPDN rất có thể xảy ra.
 Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt vừa thông qua phương án phát hành lô trái phiếu mới với lãi suất cao ngất ngưởng 13%/năm
Nỗi lo “bong bóng” trái phiếu doanh nghiệp bất động sản
Một trong những nỗi lo trong đống nợ khổng lồ của Tập đoàn bất động sản hàng đầu Trung Quốc Evergrande là nợ các khoản TPDN đến hạn. Hôm nay, theo Bloomberg, Evergrande đã có tuyên bố về khoản thanh toán lãi trái phiếu đến hạn vào ngày 23/9 bằng đồng Nhân dân tệ. Số tiền đến hạn trái phiếu này có lãi suất 5,8%, đáo hạn gốc vào năm 2025 là 232 triệu Nhân dân tệ, hiện đang được giao dịch ở Thâm Quyến.
Từ câu chuyện “bom nợ” Evergrande, nỗi lo về “bong bóng” nợ TPDN bất động sản Việt Nam được các chuyên gia và cơ quan chức năng cảnh báo.
Thực tế, thời gian qua, việc phát hành TPDN của các doanh nghiệp BĐS rất nhiều và đầy rẫy nguy cơ khi nhiều TPDN không có tài sản đảm bảo, tài sản đảm bảo chất lượng thấp, không có tính thanh khoản hoặc đảm bảo bằng cổ phiếu của chính DN. “Với các trái phiếu này, nếu DN không có năng lực tài chính hoặc DN khó khăn, mất khả năng thanh khoản thì rủi ro sẽ đổ hết cho nhà đầu tư, khiến họ mất trắng”- ông Phan Linh- CEO Công ty Take Profit cho hay.
Cũng theo CEO Take Profit, hiện tại đang là “điểm rơi” của thị trường TPDN khi một số lô TPDN phát hành lãi suất cao từ năm 2019 đã đến hạn thanh toán. Trong khi, Covid-19 đang khiến nhiều DN bất động sản chìm trong vũng bùn khó khăn, tồn kho chất đống, lỗ nặng hoặc sụt giảm lợi nhuận tính bằng lần thì việc xoay dòng tiền để trang trải nợ vay trái phiếu đến hạn là điều không dễ dàng.
Ngã ngửa với lãi suất 13%/năm
Điểm qua trên thị trường có thể thấy, khối lượng phát hành trái phiếu của DN bất động sản rất lớn. Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho biết, trong tháng 8/2021 đã có tổng cộng 52 đợt phát hành TPDN (TPDN) trong nước, với tổng giá trị đạt 26.077 tỷ đồng. Trong đó, nhóm BĐS giữ vị trí thứ hai với tổng giá trị phát hành trái phiếu riêng lẻ đạt 8.950 tỷ đồng, khoảng 15% trái phiếu phát hành bảo đảm bằng cổ phiếu hoặc không có tài sản bảo đảm.
Một số doanh nghiệp có khối lượng phát hành như: Công ty CP Bông Sen (4.800 tỷ đồng), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (1.000 tỷ đồng)… Kỳ hạn phát hành từ 1-4 năm, lãi suất dao động từ 8,2-13%/năm.
Một số trái phiếu phát hành trước đây nhưng hoàn thành đợt phát hành tháng 8 đáng chú ý như: Công ty CP Đầu tư và Dịch vụ Helios (3.000 tỷ đồng, phát hành ngày 23/6/2021), Công ty TNHH Đầu tư kinh doanh BĐS Phước Long (1.050 tỷ đồng, phát hành ngày 30/6/2021), Công ty TNHH Đầu tư Big Gain (1.000 tỷ đồng, phát hành ngày 30/7/2021), Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Điện Mặt trời KN Vạn Ninh (595,2 tỷ đồng, phát hành ngày 29/7/2021).
Mới nhất, Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR) đã thông qua phương án phát hành TPDN lần 6 năm 2021. Cụ thể, Công ty sẽ phát hành 2.700 trái phiếu với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền, có bảo đảm bằng tài sản, không phải là nợ thứ cấp của tổ chức phát hành và được tự do chuyển nhượng. Lãi suất 13%/năm. Thời điểm phát hành dự kiến trong tháng 9/2021. Tổng giá trị trái phiếu phát hành là 270 tỷ đồng.
Tuy nhiên, xét báo cáo tài chính quý 2 của một số DN bất động sản cho thấy, nhiều DN đã phát hành trái phiếu thành công nhưng cũng đang ôm những khoản nợ không hề nhỏ. Chẳng hạn, tính đến cuối tháng 6, Công ty CP Bất động sản Thế Kỷ (CEN Group) có nợ vay lên đến gần 2.140 tỷ đồng, Công ty CP Tập đoàn Hà Đô có nợ phải trả gần 6.600 tỷ đồng…
“Bom” trái phiếu, “bẫy” lòng tham
Mới đây, Bộ Tài chính cũng lên tiếng cảnh báo, một số DN nhất là DN bất động sản phát hành trái phiếu với lãi suất cao, chất lượng tài sản đảm bảo của trái phiếu hạn chế; chủ yếu là các dự án đầu tư, tài sản hình thành trong tương lai hoặc cổ phiếu của DN bất động sản, có sự tham gia của nhà đầu tư cá nhân nhỏ, lẻ.
Theo phân tích của các chuyên gia Công ty Chứng khoán SSI, từ đầu năm đến nay, lãi suất tiền gửi có thể vẫn giữ ở mức thấp và chỉ tăng nhẹ vào cuối năm 2021, nên lợi tức từ TPDN vẫn hấp dẫn so với kênh đầu tư tiền gửi. Môi trường lãi suất thấp giúp dòng tiền đầu tư cũng tìm đến kênh bất động sản nhiều hơn và các DN bất động sản tăng mạnh huy động vốn trái phiếu để triển khai các dự án, là nhóm phát hành nhiều nhất từ 2019 đến nay. Tuy nhiên, dịch bệnh dai dẳng đang khiến cho môi trường kinh doanh của nhóm này bớt thuận lợi.
Cụ thể: thanh khoản của thị trường bất động sản có xu hướng giảm cho thấy sức hấp thụ đang suy yếu dần; các hoạt động triển khai dự án, sự kiện mở bán bị gián đoạn do dịch bệnh; hoạt động đầu tư công các dự án cơ sở hạ tầng đang chậm hơn dự kiến. Các yếu tố này làm tăng chi phí vốn do ứ đọng, ảnh hưởng đến kế hoạch dòng tiền trả nợ gốc lãi trái phiếu của doanh nghiệp.
Theo các chuyên gia, nhà đầu tư cần nhận diện các rủi ro về tín dụng khi tổ chức phát hành trái phiếu không có khả năng trả lãi suất định kỳ hoặc thanh toán khoản gốc không đúng hạn. Rủi ro về thanh khoản và định giá lãi suất cũng là rủi ro cần để ý. Cùng với đó là những rủi ro mua lại, tái đầu tư, lạm phát, bất ổn kinh tế, các thương vụ mua bán sáp nhập, thảm họa hay đại dịch…

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần