“Học sinh chán lịch sử trong nhà trường chứ không phải lịch sử dân tộc”?“Học sinh chán lịch sử trong nhà trường chứ không phải lịch sử dân tộc” là một luận điểm quan trọng của một thí sinh trong cuộc thi tranh biện giành cho học sinh THPT trên truyền hình. Luận điểm này lập tức được chia sẻ khá nhiều trên báo chí và mạng xã hội. Phải nói đây là một nhận xét khá sâu và cũng khá “đau” với những người học, dạy, nghiên cứu lịch sử nói chung, lịch sử trong nhà trường nói riêng.
Kỳ thi THPT quốc gia bị hoãn lại gần 2 tháng và được mang tên “Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020” với mục đích chính là xét tốt nghiệp. Các trường đại học tìm kiếm nhiều giải pháp song nhiều trường vẫn lựa chọn kết quả thi làm kết quả tuyển sinh với kỳ vọng đề thi tốt nghiệp THPT vẫn đảm bảo có sự phân hóa trình độ của thí sinh. Ngay khi kỳ thi đang đến rất gần thì dịch CoVid-19 bùng phát trở lại ở nhiều địa phương trên cả nước. Cả xã hội phấp phỏng: Thi hay không thi?
Cuối cùng, vượt qua mọi khó khăn, kỳ thi vẫn diễn ra tốt đẹp. Đề thi Lịch sử đã hoàn thành sứ mệnh của nó.
Điểm mới trong kỳ thi năm 2020 là các câu hỏi về kiến thức cơ bản của ngành (ít nhiều có liên quan đến thời gian và sự kiện) đều tạo cơ hội cho học sinh vận dụng các kiến thức liên môn và hiểu biết xã hội để làm chứ không nhất thiết phải học thuộc như các câu hỏi về Liên Xô, cách mạng Cuba, Nhật Bản,…Thứ hai, đề thi Lịch sử năm 2020 đã cố gắng khắc phục tình trạng nặng nề, khô khan vì quá thiên về lịch sử chính trị, lịch sử chiến tranh, cách mạng. Cũng phải nói thêm rằng, chương trình giáo dục phổ thông hiện hành vẫn dành nhiều dung lượng cho những nội dung nói trên. Đó cũng là những nội dung căn bản không thể bị cắt bỏ trong các quyết định giảm tải hoặc tinh giản chương trình.
Đề thi đương nhiên phải bám theo chương trình giáo dục THPT, nhưng cũng đã cố gắng đưa vào những nội dung văn hóa, kinh tế, ngoại giao… Hầu hết các câu hỏi lịch sử thế giới đều liên quan đến lịch sử kinh tế, thành tựu khoa học kỹ thuật (câu hỏi về Liên Xô, Nhật Bản, Mỹ) hoặc ngoại giao (hội nghị Ianta, trật tự hai cực Ianta và hệ thống Vécxai - Oasinhtơn, các hiệp ước, hiệp định Liên Xô và Mỹ đã ký đầu thập niên 70 của thế kỷ XX…).
Đối với lịch sử Việt Nam, ngay cả những nội dung liên quan đến kháng chiến và giữ nước cũng có những câu hỏi về xây dựng hậu phương kháng chiến, về phong trào đòi dân sinh, dân chủ, về phong trào xóa nạn mù chữ, về vai trò của Hội Văn hóa Cứu quốc trong phong trào giải phóng dân tộc, về đường lối đổi mới đất nước… Những nội dung liên quan đến chiến tranh cách mạng đều là những vấn đề hết sức cơ bản như chiến dịch Việt Bắc thu-đông năm 1947, chiến dịch Điện Biên Phủ năm 1954, chiến dịch Mậu Thân năm 1968, chiến thắng Phước Long tháng 1/1975… và không yêu cầu học sinh nhớ ngày tháng, diễn biến mà phải hiểu bản chất của vấn đề (mục tiêu, ý nghĩa, tác động…)Thứ ba, đề thi có tính phân hóa và giáo dục. Số lượng những câu hỏi tương đối khó chiếm 20% (8 câu cuối) hướng đến mục tiêu cung cấp một cơ sở tin cậy để các trường đại học và cao đẳng tuyển sinh. Đây đều là những câu hỏi đòi hỏi thí sinh phải vận dụng nhiều khối kiến thức cũng như các kĩ năng phân tích, tổng hợp, so sánh…
Có những vấn đề lịch sử tưởng chừng đã cũ như hỏi về phong trào yêu nước nửa cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, về Nguyễn Ái Quốc hay các phong trào 1930 - 1931, 1936 - 1939 và 1939 - 1945 đều được “khoác một chiếc áo mới” vì đáp án hướng đến việc học sinh phải nhận thức được bản chất của toàn bộ quá trình lịch sử hoặc ý nghĩa của quá trình đó với “bước chuyển biến về chất của phong trào giải phóng dân tộc”.
Có những câu hỏi chưa xuất hiện trong các đề thi trước đó như về Hội Văn hóa Cứu quốc hay Đại hội đại biểu lần thứ II của Đảng Cộng sản Đông Dương song không ngoài chương trình, không mang tinh đánh đố vì không hỏi chi tiết mà đòi hỏi học sinh phải vận dụng, xâu chuỗi những kiến thức liên quan đến các bài, chương trước và sau đó để trả lời đúng.Còn cả một chặng đường dàiTrên đây là một vài tín hiệu vui từ đề thi Lịch sử - một trong những môn học khó khăn trong một bối cảnh khó khăn. Tất nhiên, đó chỉ là những tia sáng mới. Để học sinh thực sự yêu môn Lịch sử và sẵn sàng đón nhận các kỳ thi với tâm thế hào hứng còn cả một chặng đường dài. Thuộc mà không hiểu, hiểu nhưng hiểu một cách máy móc, vận dụng các phương pháp dạy học hiện đại một cách máy móc là một trong những “căn bệnh” của việc học lịch sử xưa nay chắc chắn không thể chữa khỏi từ một kỳ thi.Mục đích cao nhất của ký thi năm nay là xét tốt nghiệp và làm cơ sở để các trường Đại học, Cao đẳng tuyển sinh. Lợi ích của học sinh là yêu cầu tối thượng. Đề thi Lịch sử đã hoàn thành nhiệm vụ của nó. Nhưng ngoài những mục tiêu đó, chúng tôi nhìn thấy những nỗ lực của nhiều phía trong việc xây đắp những viên gạch của sự thấu hiểu qua một kỳ thi. Hiểu để tin, rồi một ngày tin rằng tình yêu sẽ nảy sinh từ đó.