Tử địa của "pháo đài bay" B52

Chia sẻ Zalo

KTĐT - "Bay vào Hà Nội chỉ như cuộc dạo chơi trong đêm phương Đông, ở độ cao 10.000m, đối phương không thể với tới, các bạn chỉ cần ấn nút rồi trở về căn cứ an toàn, sạch sẽ". Phi công Mỹ đã được khích lệ như vậy khi điều khiển pháo đài bay B52 vào ném bom với ý định "đưa Hà Nội trở về thời đồ đá".

Tuy nhiên, 12 đêm trên bầu trời Hà Nội cuối tháng 12/1972 thực sự là những giờ phút kinh hoàng với các phi công Mỹ…

Mặt đất lập công
 
Cách đây gần 1 tháng, chúng tôi may mắn gặp được ông Vũ Văn Đương, Chính trị viên Tiểu đoàn 59 (Trung đoàn 261), người đã cùng với Tiểu đoàn trưởng Nguyễn Thăng trực tiếp chỉ huy kíp chiến đấu bắn rơi tại chỗ chiếc B52 đầu tiên trên bầu trời Hà Nội.
 
Dù lúc ấy sức khỏe yếu, nhưng khi nói về chiến công ngày nào, ông vẫn hào hứng lắm.Ông Đương kể: Hồi đó, Tiểu đoàn 59 đóng quân tại trận địa Tó, Cổ Loa, Đông Anh, nơi được xác định là túi bom của giặc Mỹ.
 
 
Tử địa của "pháo đài bay" B52 - Ảnh 1
 
Anh hùng Phạm Tuân trò chuyện với các nhân chứng trong trận đánh B52 lịch sử.
 
 
Theo lệnh của Trung đoàn, ngay từ 17 giờ ngày 18/12, kíp trực đã vào vị trí sẵn sàng chiến đấu. Các trắc thủ luôn căng mắt theo dõi màn hiện sóng, xác định phần tử tốp máy bay được phân công tiêu diệt, nhưng do nhiễu dày đặc trong, ngoài đội hình và nhiễu tiêu cực nên không thể bắt được mục tiêu. Đến 20 giờ 11 phút, các tiểu đoàn tên lửa đã liên tiếp đánh một số trận, nhưng vẫn chưa bắn rơi được B52. Anh em trong kíp trực đã họp bàn, rút ra kinh nghiệm và đi đến thống nhất: Khi quan sát trên màn hình ra đa, thấy sau các dải nhiễu có những đốm sáng hơn, to hơn các chấm khác, đó mới là tín hiệu của B52. Vừa hội ý xong thì Sở chỉ huy thông báo có một tốp B52 đang hướng vào Hà Nội.
 
Nhận được lệnh trên, cả kíp trực bám vào màn hiện sóng ra-đa, lệnh của tiểu đoàn trưởng các trắc thủ bám sát chấm sáng to, rõ nhất trên màn hình. Tiểu đoàn trưởng liếc nhanh về phía chính trị viên rồi ra lệnh: góc tà 3 - 4 - 0, ba quả phóng! Sĩ quan điều khiển bấm nút, quả đạn thứ nhất bay ổn định hướng về phía mục tiêu. Quả thứ hai, thứ ba vượt qua dải nhiễu tiến về phía mục tiêu. 20 giờ 13 phút, mục tiêu bị xóa trên màn hình.
 
Trắc thủ trên máy PA00 reo lên: Mục tiêu cháy rồi! Cháy to lắm! Cả kíp trực reo lên: B52 cháy rồi. Vậy là áp lực phải bắn rơi B52 đã được giải tỏa, niềm vui như được nhân lên gấp bội. Và cả đêm hôm đó, từ cán bộ đến chiến sĩ không ai có thể chợp mắt.
 
Nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn tên lửa 77 (Trung đoàn 257) Đinh Thế Văn cũng bồi hồi nhớ lại những ngày tháng hào hùng. Ông Văn kể: Lúc đó chính quyền Mỹ tuyên truyền rằng B52 sẽ bay vào đánh phá Hà Nội như… đi du lịch, không một vũ khí nào của Việt Nam có thể bắn rơi. Ông đã cùng đồng đội dày công nghiên cứu và nắm được tất cả những đặc điểm, tính năng của máy bay B52.
 
Chính sự chuẩn bị kỹ lưỡng đó của bộ đội tên lửa cùng với ý chí, quyết tâm, cách đánh linh hoạt, khéo léo, thông minh đã khiến 4 "pháo đài bay" của Mỹ rơi ngay trên bầu trời Thủ đô.
 
Trên không chiến thắng
 
Cùng với các lực lượng tinh nhuệ khác, bộ đội phòng không, không quân Thủ đô đã giáng những đòn chí tử và khuất phục B52 trên bầu trời Hà Nội. T
 
rung tướng, Anh hùng LLVT nhân dân Phạm Tuân nhớ lại: "Bộ đội không quân có tiêu diệt được B52 không? Đó là câu hỏi nung nấu trong cán bộ, chiến sĩ Quân chủng nhiều năm, nhiều tháng. Tuy nhiên, bộ đội không quân đã đề ra mục tiêu quyết tâm tiêu diệt máy bay B52 là trên cơ sở tìm ra cách đánh phù hợp, chứ không phải quyết tâm "duy ý chí". Cách đánh ấy đã được áp dụng thành công sau mấy ngày liền "trượt" B52".
 
Nhắc đến trận đánh đêm 27/12/1972, Trung tướng Phạm Tuân thấy như vừa mới xảy ra hôm qua: "Sau khi cất cánh trong đêm tối, tôi bay giữa các lớp mây, ở độ cao 500m. Khoảng cách đến mục tiêu là 10km. Đúng lúc đó tôi nhận được lệnh tấn công. Song tôi đã thực hiện mệnh lệnh đó chậm hơn, vì tôi muốn tiếp cận mục tiêu gần hơn nữa để ăn chắc. Sau khi phóng 2 quả tên lửa, tôi cho máy bay bổ nhào xuống, hạ xuống độ cao an toàn và hạ cánh. Mấy giờ sau có tin thông báo chính thức không quân Việt Nam đã bắn rơi B52 của Mỹ và tôi nhận được bức điện đặc biệt của Bộ trưởng Quốc phòng trực tiếp chúc mừng về chiến công đó".
 
Sau chiến công của Anh hùng Phạm Tuân, một pháo đài bay khác cũng phải đền tội bằng sự quả cảm, sự hy sinh quên mình của liệt sĩ, Anh hùng LLVT nhân dân Vũ Xuân Thiều, một thanh niên Thủ đô khi ấy mới 27 tuổi.Đêm 28/12/1972, được thông báo có B52, Vũ Xuân Thiều nhận lệnh xuất kích từ sân bay Cẩm Thủy (Thanh Hóa). Anh Lê Thiết Hùng dẫn đường bay, hướng dẫn Vũ Xuân Thiều tiếp cận B52 địch ở độ cao 10.000m. Sau khi phóng hai quả tên lửa chỉ làm địch bị thương, anh đã điều khiển máy bay đâm thẳng vào chiếc B52 khiến cả hai rơi tại chỗ. Lúc này là 21 giờ 45 phút ngày 28/12/1972.
 
Đại tá Nguyễn Công Huy, nguyên là Phó Sư đoàn trưởng, Tham mưu trưởng Sư đoàn Không quân 371, đồng đội ngày nào của Vũ Xuân Thiều bâng khuâng nhớ lại: Tranh thủ những lúc rảnh rỗi xen kẽ giữa các lần báo động, phi công ta vẫn ngồi ghi nhật ký, viết thư gửi về gia đình và người thân. Rất nhiều dòng nhật ký đã phải bỏ dở; nhiều bức thư phải ngắt quãng dừng lại giữa chừng vì có lệnh báo động, vì người viết phải bay xuất kích.
 
Vũ Xuân Thiều cũng có một lá thư như thế. Lá thư anh viết ngày 21/12/1972: "Bố mẹ thân yêu! Trải qua hai đêm nặng nề, cái nặng nề của mọi người vì phải đứng nhìn lửa đạn, hết đợt này đến đợt khác máy bay địch rải xuống Hà Nội. Con nghĩ bây giờ không phải là lúc lo lắng cho ngôi nhà mình…". Đang viết dở lá thư thì Thiều nhận lệnh báo động vào cấp, cất cánh và bức thư ấy mãi mãi dừng lại... Sáng hôm sau, Nguyễn Công Huy bay từ sân bay cơ động chuyển về hạ cánh ở sân bay Đa Phúc, thì nhận được tin Vũ Xuân Thiều hy sinh. Đứng ở sân bay, tay giữ phong thư của Thiều mà nước mắt anh cứ trào ra...
 
Tháng năm qua đi, những dấu tích một thời bom đạn cày xới mảnh đất thân yêu này có thể bị phai mờ theo quy luật của thời gian, nhưng tầm vóc và ý nghĩa của "Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không" cùng những con người anh hùng làm nên chiến công ấy vẫn mãi âm vang trong tâm trí của mỗi người dân Thủ đô nói riêng và  cả nước nói chung.