Từ đỉnh, sầu riêng rớt giá mạnh

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Nếu như cách đây khoảng một tháng, giá sầu riêng tại các tỉnh miền Tây đạt đỉnh 210.000 đồng/kg, thì nay mức giá này đã giảm tới 50%.

Theo phản ánh các nhà vườn tại miền Tây, nếu như cách đây khoảng một tháng, giá sầu riêng tại các tỉnh miền Tây đạt đỉnh 210.000 đồng/kg, nay thương lái đang thu mua với giá dao động 75.000 - 110.000 đồng/kg, giảm khoảng 50% so với hơn một tháng trước.

Giá sầu riêng giảm tới 50%, đang dao động từ 75.000 - 110.000 đồng/kg,  Ảnh minh họa 
Giá sầu riêng giảm tới 50%, đang dao động từ 75.000 - 110.000 đồng/kg,  Ảnh minh họa 

Tại Tiền Giang, hiện giá sầu riêng Ri6 đang được vựa thu mua 80.000 đồng/kg. Theo thương lái khu vực này, do sầu riêng đang vào chính vụ, nhiều vườn có sầu riêng đến tuổi cắt cùng lúc nên nguồn cung rất dồi dào, giá giảm.

Tương tự, tại Bến Tre, giá sầu riêng đang được thương lái thu mua phổ biến ở mức 75.000 đồng/kg. Dù giá giảm nhưng những nhà vườn vẫn thu lợi nhuận bởi giá thành giá sầu riêng hiện vào khoảng 50.000 đồng/kg

Cùng với việc đã vào chính vụ, theo nhiều nhà vườn, giá cả lên xuống là tùy thuộc vào giá thu mua từ phía Trung Quốc.

Tháng 7/2022, Việt Nam được phép xuất khẩu chính ngạch sầu riêng vào thị trường Trung Quốc. Theo thông tin từ các DN xuất khẩu, sầu riêng đang là trái cây có nhiều đơn hàng với số lượng lớn xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Tuy nhiên, tại thị trường này, sầu riêng Việt Nam đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt với sầu riêng Thái Lan, Malaysia và tới đây là Philippines, khi nước này đã được cấp phép xuất khẩu sầu riêng vào thị trường tỉ dân từ ngày 4/1/2023.

Đáng chú ý, mới đây Chính phủ Lào đã đồng ý giao cho các DN Trung Quốc 30 nghìn hecta đất nông nghiệp với mục đích duy nhất là trồng sầu riêng để xuất khẩu sang thị trường 1,4 tỷ dân. Diện tích này bằng 38% diện tích trồng sầu riêng của Việt Nam.

Mặt khác, tuyến đường sắt cao tốc Vientiane – Côn Minh (điểm tập kết sầu riêng từ Đông Nam Á lớn nhất tại Trung Quốc) tạo điều kiện thuận lợi để sầu riêng đến tay người tiêu dùng khi được phép xuất khẩu chính ngạch sang nước này.

Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, từ khi trái sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, diện tích trồng sầu riêng đã liên tục được mở rộng, lên tới khoảng 80.000ha. Trong khi quy hoạch vùng trồng sầu riêng đến năm 2030 chỉ vào khoảng 65.000 - 75.000 ha.

Bộ NN&PTNT khuyến cáo, mặc dù Việt Nam có lợi thế vị trí địa lý gần, vận chuyển nhanh, chi phí thấp, nhưng để cạnh tranh được với hàng Thái Lan và Malaysia là không hề đơn giane. Theo đó các nhà vườn trồng sầu riêng Việt Nam phải tiếp tục cải thiện trong quy trình sản xuất để nâng cao chất lượng, mẫu mã, giữ được sản lượng ổn định nhằm đảm bảo xuất khẩu quanh năm.