Tự do báo chí không phải vô giới hạn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hôm nay, ngày 14/11, Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) sẽ được các ĐB Quốc hội thảo luận tại tổ.

Trước đó, ngày 13/11, trao đổi với phóng viên tại hành lang Quốc hội, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng (VH, GD, TN, TN&NĐ) của Quốc hội Lê Như Tiến đã làm rõ thêm những điểm đáng lưu ý của Dự Luật.
Tự do báo chí không phải vô giới hạn - Ảnh 1

Với tư cách là Phó Chủ nhiệm Ủy ban thẩm tra của Dự án Luật Báo chí (sửa đổi), ông nhận định như thế nào về những điểm nổi bật của Dự Luật lần này?

- Điểm nổi bật nhất của dự thảo Luật Báo chí lần này là quy định về quyền tự do báo chí và quyền tự do ngôn luận trên báo chí, trên tinh thần của Hiến pháp năm 2013. Nhưng vấn đề là phân biệt được quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận trên báo chí là như thế nào cần làm rõ hơn. Nhà báo có quyền tự do đối với hoạt động báo chí, nhưng quyền của công dân hoạt động tự do trên báo chí là như thế nào? Còn tự do ngôn luận thì đã đành, tức công dân được phát biểu, viết bài thể hiện chính kiến của mình trên báo chí. Nhưng rõ ràng chúng ta không thể nào mỗi công dân có thể tự mình thành lập một cơ quan báo chí được, thế thì tạo ra sự hỗn loạn trong xã hội. Quyền tự do báo chí, tự do ngôn luận trên báo chí, nhưng phải theo khuôn khổ của pháp luật chứ không có nghĩa tự do báo chí vô giới hạn, muốn nói thế nào thì nói, muốn ra báo lúc nào thì ra, thậm chí quyền tự do của người này không ảnh hưởng đến quyền tự do của người khác và của xã hội.

Dự Luật cũng đưa ra những quy định cấm, vậy ông nhận định như thế nào về hành vi bị cấm này?

- Điều 10 trong Dự Luật có quy định 12 loại thông tin và 10 hành vi bị cấm. Tôi cho như vậy là cũng phù hợp với các quy định chung của Hiến pháp và các luật khác. Tuy nhiên, theo tôi cần đưa vào hành vi bị cấm mà trong thời gian qua chúng ta hay mắc phải, đó là cá nhân, tổ chức nghiêm cấm xúc phạm danh dự, thân thể, sức khỏe thậm chí là tính mạng của nhà báo. Nghiêm cấm việc thu hồi phương tiện hành nghề trong lúc nhà báo đang tác nghiệp đúng pháp luật. Không thể nào lấy lý do bảo vệ cơ quan mà xúc phạm danh dự, thậm chí là tính mạng nhà báo. Điều này phải đưa vào nghiêm cấm. Trong xã hội dân chủ của ta không thể nào đối xử với báo chí như thế.
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Hội thảo Đô thị Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển.     Ảnh: Công Hùng
Phóng viên báo chí tác nghiệp tại Hội thảo Đô thị Hà Nội 60 năm xây dựng và phát triển. Ảnh: Công Hùng
Để xử lý và hạn chế sai phạm về nội dung thông tin trên báo chí như trong thời gian vừa qua, Dự Luật cũng quy định cụ thể quyền và nghĩa vụ của nhà báo; nhiệm vụ, quyền hạn của từng chủ thể: tổng biên tập, phó tổng biên tập, người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan báo chí, cơ quan chủ quản báo chí. Cùng với đó, quy định cụ thể về cải chính, phản hồi thông tin, khắc phục hậu quả do hành vi thông tin sai; quy định nội dung và hành vi bị cấm trong hoạt động báo chí; quy định về xử lý vi phạm trong hoạt động báo chí đối với lỗi của cơ quan báo chí và nhà báo, quy định cụ thể từng trường hợp bị thu hồi thẻ nhà báo.
Dự Luật cũng quy định về trách nhiệm của lãnh đạo cơ quan chủ quản của cơ quan báo chí khi thông tin bị sai, ý kiến của ông thế nào về quy định này?

- Trong Dự Luật này ghi rõ trách nhiệm nhà báo là người trực tiếp viết bài; trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan báo chí cũng phải liên đới trách nhiệm, và khi báo chí có vấn đề thì cơ quan chủ quản báo chí cũng phải chịu trách nhiệm.

Ví dụ như báo chí của một bộ, ngành chủ quản nào đó, khi báo chí có vấn đề thì cơ quan chủ quản gần như đứng ngoài cuộc, chỉ có người viết và người đứng đầu cơ quan báo chí chịu trách nhiệm. Do đó bây giờ phải làm rõ trách nhiệm của từng cấp ở mức độ nào, thì cơ quan chủ quản báo chí chịu trách nhiệm? ở mức độ nào thì người đứng đầu cơ quan báo chí gồm tổng biên tập và phó tổng biên tập chịu trách nhiệm? và ở mức độ nào thì nhà báo phải chịu? Những bài viết ra mà không đúng sự thật thì tùy theo tính chất mức độ nguy hiểm cho xã hội, hay tác động đến xã hội như thế nào để quy trách nhiệm. Nếu chỉ là sơ suất nhỏ do lỗi kỹ thuật do người làm báo, viết báo thì người làm báo, viết báo chịu trách nhiệm. Nếu ảnh hưởng lan tỏa tới toàn xã hội thì người đứng đầu cơ quan đứng đầu báo chí và cơ quan chủ quản phải chịu trách nhiệm.

Dự thảo Luật Báo chí xây dựng trong bối cảnh quy hoạch báo chí đang được thực hiện theo hướng tinh giảm số lượng cơ quan báo chí, nhưng Dự Luật có mở rộng thêm đối tượng thành lập cơ quan báo chí. Theo ông quy định như thế có mâu thuẫn không?

- Thật ra không có gì mâu thuẫn. Trong Hiến pháp ghi rõ quyền được tiếp cận thông tin của mọi công dân. Nhưng có quá nhiều đầu mối báo chí, nếu không quy hoạch, sắp xếp lại dễ dẫn đến lãng phí nguồn lực, trùng lắp thông tin và cạnh tranh thiếu lành mạnh. Hiện nay chỉ có 284/845 cơ quan báo chí tự chủ hoàn toàn được về tài chính và thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.
Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí phục vụ Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội. 	 Ảnh:  Thanh Hải
Phóng viên tác nghiệp tại Trung tâm báo chí phục vụ Đại hội XVI Đảng bộ TP Hà Nội. Ảnh: Thanh Hải
Còn lại 2/3 các cơ quan báo chí dựa vào ngân sách phải theo hướng sau này phải tự chủ tài chính, không phụ thuộc vào nguồn ngân sách của Nhà nước để nguồn lực ấy tập trung vào lĩnh vực cần thiết hơn, khó khăn hơn. Vì thế hướng của Dự Luật lần này cũng là để sắp xếp, tổ chức lại các cơ quan báo chí, đặc biệt là các cơ quan báo chí hưởng ngân sách để giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước.

Cùng với đó, xu hướng chung của Dự Luật lần này là không thừa nhận báo chí tư nhân, có nghĩa là cá nhân đứng lên để làm báo. Vì thế, Dự Luật ghi rõ đối tượng được thành lập cơ quan báo chí là giữ nguyên các đối tượng được thành lập cơ quan báo chí theo luật hiện hành, nhưng bổ sung thêm các đối tượng được thành lập các tạp chí khoa học như: cơ sở giáo dục đại học trong và ngoài công lập; tổ chức nghiên cứu khoa học; tổ chức nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ được tổ chức dưới Viện Hàn lâm, Viện theo quy định của Luật Khoa học công nghệ; bệnh viện từ cấp tỉnh, TP trực thuộc T.Ư hoặc tương đương trở lên; các cơ sở khoa học công nghệ tư thục có đầu tư của nước ngoài. Tôi lưu ý là chỉ được phép thành lập tạp chí chuyên ngành chứ không phải báo chí nói chung, mà báo chí nói chung phải do các tổ chức chính trị xã hội thành lập.

Tôi nghiên cứu một số Luật Báo chí của các nước thì thấy ta đã tiếp cận được trào lưu chung của sự phát triển chung của báo chí thế giới. Cho nên bên cạnh việc tạo điều kiện cho báo chí phát triển thì các cơ quan quản lý Nhà nước và Luật cũng phải có yêu cầu phù hợp để quản lý được báo chí tốt hơn.

Xin cảm ơn ông!

 
So với Luật Báo chí hiện hành (thông qua năm 1989), Dự án Luật Báo chí (sửa đổi) có 30 điều xây dựng mới; 29 điều sửa đổi, bổ sung. Cụ thể, về quyền tự do báo chí, Dự Luật bổ sung một số quy định mới như: Công dân có quyền tham gia hoạt động báo chí theo quy định của pháp luật và được nhà nước bảo hộ; nhà báo, công dân có quyền tiếp cận các thông tin mà nhà nước không cấm theo quy định của pháp luật về tiếp cận thông tin phục vụ cho việc thông tin trên báo chí; công dân có quyền được biểu đạt thông tin; tham gia giám sát, phản biện xã hội trên báo chí; báo chí không bị kiểm duyệt trước khi in, phát sóng và truyền dẫn trên môi trường mạng. Dự Luật cũng sửa đổi, bổ sung quy định về quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân; trách nhiệm của cơ quan báo chí, trách nhiệm của cơ quan, tổ chức đối với quyền tự do báo chí, quyền tự do ngôn luận trên báo chí của công dân. Điểm mới đáng chú ý là Dự Luật lần này đã quy định về “quyền tác giả” trong lĩnh vực báo chí.

Với vấn đề liên kết trong hoạt động báo chí, Dự Luật cho phép cơ quan báo chí thực hiện việc liên kết với các đối tác trong và ngoài nước ở các mức độ và hình thức khác nhau để thực hiện việc thiết kế, trình bày, khai thác quảng cáo, in ấn, phát hành báo chí, sản xuất chương trình phát thanh, truyền hình... Một điểm mới là trước đây giấy phép liên kết phải được Bộ cấp nhưng theo Dự Luật này, cơ quan báo chí phải tự chịu trách nhiệm về hoạt động liên kết, không cần xin cấp giấy phép. Cơ quan báo chí cũng sẽ thay đổi tên gọi lãnh đạo để phù hợp với mô hình tòa soạn đa phương tiện, mô hình một cơ quan báo chí có nhiều ấn phẩm báo chí, kênh, hệ chương trình. Người đứng đầu cơ quan báo chí (lãnh đạo cơ quan báo chí) được gọi là giám đốc hoặc tổng giám đốc còn tổng biên tập là người chịu trách nhiệm về nội dung,  phụ trách một hoặc nhiều ấn phẩm. Theo đó, lãnh đạo cơ quan báo chí là người phụ trách chung. Một giám đốc, tổng giám đốc có thể đồng thời là tổng biên tập của một hay nhiều ấn phẩm, các kênh, hệ chương trình...

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần