70 năm giải phóng Thủ đô

Tư duy cần thay đổi

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Có một thời, người ta tự hỏi, tại sao các đội bóng hàng đầu thế giới không chọn Việt Nam là điểm đến?

Đau đầu tìm lời giải, người ta phát hiện ra rằng, Việt Nam là thị trường lớn nhưng chưa chất lượng. Có quá nhiều rào cản khiến các đội bóng không coi trọng thị trường Việt Nam.

“Chết” vì đồ giả

Có một sự nhầm lẫn của dư luận tại Việt Nam là các liên đoàn bóng đá có vai trò không thực sự lớn trong các chuyến du đấu của những “đại gia” châu Âu. Họ không bỏ tiền mời đội bóng đến thi đấu. Họ đóng vai trò là một đối tác trong sự kiện chứ không phải là diễn viên chính. Hay nói đúng hơn, liên đoàn bóng đá chỉ có vai trò tổ chức đội bóng, đứng ra ký hợp đồng, còn mọi chuyện kinh doanh sẽ do các công ty tiếp thị và các nhà tài trợ đảm trách.
Tư duy cần thay đổi - Ảnh 1
Đã là công ty tổ chức sự kiện thì luôn đặt yếu tố lợi nhuận lên hàng đầu. Họ cũng có trách nhiệm chứng minh cho các đội bóng thấy mối lợi khi chọn đất nước mình là địa điểm du đấu. Thế nhưng, với điều kiện ở Việt Nam, hiện chưa có nhiều công ty đủ tầm cỡ để nói chuyện thiệt hơn với những đội bóng hàng đầu thế giới. Và ngay cả khi có những đối tác như vậy thì thị trường cũng đang tồn tại quá nhiều hạn chế khiến các “ông lớn” nản lòng.

Thông thường, một đội bóng lớn chọn địa điểm du đấu thường nghĩ đến yếu tố lợi nhuận đầu tiên. Lợi nhuận ở đây được tính bởi chi phí ra sân, tiền bán đồ lưu niệm, áo đấu. Về khoản này, Việt Nam chỉ đáp ứng được tiêu chí phí ra sân nhưng ở mức độ vừa phải, còn đồ lưu niệm, áo thi đấu thì hầu như các đội bóng không có nguồn thu. Thị trường Việt Nam đang bị méo mó bởi vấn nạn đồ nhái. Hàng giả được bày bán tràn lan và ít có cổ động viên (CĐV) nào chịu bỏ tiền triệu ra mua một chiếc áo, hay món đồ lưu niệm của Man City khiến nguồn thu giảm đi đáng kể. Đây cũng là lý do khiến các hãng thời trang nổi tiếng như Adidas, Nike lần lượt đến, lần lượt rời bỏ Đội tuyển Việt Nam vì doanh số quá thấp.

Hàng hiệu, nhưng giá phải rẻ

Sau khi Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) công bố giá vé xem trận đấu giữa Đội tuyển Việt Nam và Man City (ngày 27/7), một làn sóng phản ứng đã xuất hiện. Đáng nói, những người phản ứng gay gắt nhất chính là những CĐV vốn thường xuyên đến sân xem Đội tuyển thi đấu. Họ cho rằng, giá vé từ 600.000 - 1.800.000 đồng là quá đắt. Thậm chí, một số người còn ra điều kiện rằng, VFF phải cung cấp vé cho những CĐV trung thành.

Sự phản ứng của một bộ phận dư luận là bởi, lâu nay, họ không quen với một mức giá vé cao ngất ngưởng. Hay nói đúng hơn, lâu nay, chưa có một đội bóng nào đẳng cấp như Man City đến Việt Nam nên giá vé đương nhiên không thể sốc như con số mà VFF mới đưa ra.

VFF đang đứng trước làn sóng chỉ trích bởi họ đưa ra mức giá vé khác với thường lệ. Nhưng, nếu đặt cơ quan này trên tư cách của một đơn vị tổ chức sự kiện, lấy sự lỗ lãi làm tiêu chí số một cho sự kiện thì người ta sẽ thông cảm hơn với mức giá vé cao lịch sử. Bởi, nói cho cùng, không một đơn vị tổ chức sự kiện nào lại chấp nhận bù lỗ nhằm tìm kiếm sự hài lòng của người xem. Mà, nếu coi Man City là hàng hiệu thì người mua, các CĐV phải chấp nhận trả tiền cao. Trong trường hợp không thể thay đổi tư duy mua hàng chất lượng giá rẻ vốn đã trở nên phổ biến ở người hâm mộ thì rất khó để Việt Nam có thể đón những thương hiệu hàng đầu.