Góp ý vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh, theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (đoàn Bình Định), Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đã được đại biểu Quốc hội đề nghị bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 từ kỳ họp thứ bảy. Vì Luật Giao thông đường bộ năm 2008 tuy đạt được những kết quả nhất định, tạo hành lang pháp lý cho hoạt động giao thông vận tải đường bộ, góp phần hình thành ý thức tuân thủ pháp luật của người tham gia giao thông, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông trên toàn quốc, thúc đẩy phát triển giao thông vận tải và kinh tế đất nước.
Nhưng trong quá trình triển khai thi hành đã xuất hiện một số tồn tại và các vấn đề phát sinh như là các đô thị chưa bảo đảm quy định về tỷ lệ phần trăm diện tích dành cho đường bộ, phương tiện giao thông cá nhân phát triển nhanh cũng như phát sinh nhiều phương tiện mới cần được quản lý; kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ từ giao thông đến nông thôn, đô thị, hệ thống quốc lộ và đường cao tốc chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải; tính kết nối và sự đồng bộ chưa cao; vận tải công cộng chưa đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân; tai nạn giao thông đường bộ giảm liên tục qua các năm nhưng kết quả của việc hạn chế và giảm tai nạn giao thông chưa bền vững, số người bị chết, bị thương do tai nạn giao thông vẫn ở mức cao.
Theo đại biểu Nguyễn Văn Cảnh, đến nay, cơ quan soạn thảo đã có dự thảo luật cụ thể hóa được nhiều điểm mới phù hợp với thực tiễn và cho lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Giao thông vận tải từ ngày 21/4/2020, với hơn 150 điều trong dự thảo luật đã cho thấy nỗ lực của cơ quan soạn thảo và sự thay đổi lớn so với Luật Giao thông đường bộ năm 2008.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh bày tỏ nhất trí với ý kiến của Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị bổ sung dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vào chương trình, cho ý kiến tại kỳ họp thứ 10 thông qua tại kỳ họp thứ 11.
“Giao thông đường bộ là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến hoạt động hằng ngày của người dân, tác động to lớn đến đời sống xã hội nên đề nghị cơ quan soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, tổng kết kỹ lưỡng công tác thi hành pháp luật, tham khảo kinh nghiệm quốc tế, khảo sát thực tiễn, lấy ý kiến nhiều đối tượng chịu tác động để xây dựng các quy định của luật, bảo đảm đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của người dân, doanh nghiệp và phát triển xã hội.” – Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nhấn mạnh.
Đồng thời đại biểu cũng góp ý thêm, trong quá trình hoàn thiện dự thảo luật, cơ quan soạn thảo cần lấy thêm ý kiến đóng góp của nhiều nhóm, như nhóm lái taxi, lái vận tải, nhóm quản lý hạ tầng giao thông, nhóm kiểm soát giao thông, nhóm đầu tư giao thông, nhóm người đi bộ, nhóm người đi xe máy, nhóm sinh viên, học sinh, nhóm xe tư nhân, nhóm xe khách, nhóm đi trên đường cao tốc, nhóm kinh doanh ở lòng đường, hè phố. Có như vậy chúng ta mới bao quát đầy đủ các đối tượng chịu tác động và cũng biết được yêu cầu của từng nhóm đối tượng để hoàn thiện dự thảo luật được tốt hơn.
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh cũng đề nghị các nội dung mới cơ quan soạn thảo đưa ra lấy ý kiến cũng cần giải thích cụ thể để người dân hiểu các nội dung này chỉ là dự thảo để lấy ý kiến đóng góp, không phải là nội dung chắc chắn sẽ ban hành để tránh người dân hiểu nhầm, vì nếu họ biết là lấy ý kiến thì họ sẽ đề xuất, bổ sung, điều chỉnh.
“Nếu họ nghĩ sẽ quy định mà không hợp lý thì họ sẽ phản đối. Ví dụ, trong dự thảo hiện nay có các quy định phải dừng ở đèn xanh khi giao thông bị ùn tắc, xe máy phải bật đèn nhận diện cả ngày hay không được dừng phương tiện đột ngột, gây khó hiểu cho người dân.” – Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh nói.
“Về quy định dừng đèn xanh khi giao thông bị ùn tắc, tôi đã giải thích rõ khi nêu giải pháp giảm ùn tắc giao thông tại phiên thảo luận kinh tế - xã hội kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa XIII. Đó là tại các nút giao thông thường xuyên có hiện tượng ùn tắc, chúng ta triển khai vạch kẻ đường số 52 trong quy chuẩn Việt Nam của Bộ Giao thông vận tải là vạch mà các phương tiện thông thường không được chiếm chỗ. Như vậy, trong dự thảo luật lần này chỉ quy định nơi nào có vạch kẻ, bản hướng dẫn tránh ùn tắc giao thông thì chúng ta mới quy định dừng xe ở đèn xanh khi phía trước ùn tắc giao thông. Nhiều nội dung khác tôi sẽ nghiên cứu để đóng góp ở các lần tiếp theo.” – Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh chia sẻ thêm.
Tham gia buổi thảo luận, đại biểu Nguyễn Minh Đức (TP Hồ Chí Minh) việc xin ý kiến tại kỳ họp thứ 9 này các nội dung sửa đổi của Luật Xử lý vi phạm hành chính. “Đây là một trong những bộ luật rất đồ sộ, điều chỉnh một loạt các quan hệ xã hội trong đời sống xã hội. Theo chúng tôi, để làm nền tảng như vậy thì các luật chuyên ngành đang có những bất cập, vướng mắc, điều chỉnh nhóm quan hệ xã hội đó cần phải được sửa đổi đồng thời.”
Đại biểu đưa dẫn chứng, ở đây chương trình xây dựng luật của chúng ta có 2 dự luật điều chỉnh 2 nhóm quan hệ xã hội rất phổ biến mà hiện nay thực tế có vi phạm pháp luật rất nhiều, chúng ta lại đưa dự Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), Luật Phòng, chống ma túy vào kỳ họp sau.
Theo quan điểm đại biểu Nguyễn Minh Đức, “về tính hợp lý thì đưa đồng thời cả 2 dự luật này vào để điều chỉnh, sau đó chúng ta điều chỉnh các nội dung của Luật Xử lý vi phạm hành chính thì sẽ đảm bảo tổng thể hơn, tránh trường hợp khi chúng ta sửa đổi Luật Xử lý vi phạm hành chính, trao các thẩm quyền cho các chủ thể xử lý vi phạm chính rồi 2 luật này bắt đầu mới sửa đổi, khi phát sinh, chúng ta lại phải chờ đợi, cho nên tính hợp lý và tính hiệu quả của nó có lẽ phải tính toán như vậy.”
Vấn đề tiếp theo, theo đại biểu Nguyễn Minh Đức, vừa rồi Bộ Công an báo cáo Chính phủ lần thứ tư và đã được Chính phủ đồng ý, đó là Luật Bảo đảm về trật tự, an toàn giao thông và luật này Bộ Công an đã đề nghị Chính phủ báo cáo Thường vụ Quốc hội và Quốc hội đưa vào chương trình xây dựng luật để đồng thời cho ý kiến và sửa đổi Luật Giao thông đường bộ, nhưng trong chương trình này chúng ta chưa đưa vào.
“Khi chúng tôi nhận và đọc hai dự thảo luật này thì thấy có rất nhiều phạm vi điều chỉnh trùng nhau nên khi xây dựng hai luật này không được Quốc hội đồng thời cho ý kiến thì e rằng sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề hoặc kéo dài thời gian. Vì vậy chúng tôi trân trọng đề nghị Quốc xem xét đưa dự luật này vào cùng với Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) thì sẽ hợp lý hơn.” – Đại biểu Nguyễn Minh Đức góp ý.
Hình ảnh đoàn đại biểu Quốc hội TP Hà Nội trong buổi thảo luận trực tuyến về dự kiến chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2021, điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 ngày 22/5. |
Đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (Nghệ An) cho biết: “Qua theo dõi hoạt động chỉ đạo của Chính phủ, tôi thấy Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 70. Trong nghị quyết này có một nội dung là Chính phủ thống nhất giao cho Bộ Công an phải trình bày cho được dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ và đây là một trong những dự án luật song hành với Luật An toàn giao thông đường bộ. Cho nên, tôi thấy rằng 2 luật này không thể tách rời nhau, trong chương trình dự kiến của Quốc hội thì tháng 10 chúng ta sẽ đưa Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) vào.”
Đại biểu đề nghị nên đưa Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ vào để làm cho đồng bộ trong hệ thống pháp luật và đề nghị đưa vào kỳ họp thứ 10 cuối năm 2020 và thông qua vào kỳ họp thứ 11 năm 2021.
Tham gia diễn đàn trực tuyến của Quốc hội, đại biểu Trần Thị Quốc Khánh (TP Hà Nội) cho rằng “việc đề nghị xây dựng Luật Bảo đảm an toàn giao thông với Luật Trị an cơ sở của Bộ Công an, tôi nói thật, chúng ta đề nghị thì chúng ta phải xem lại xem luật này nhằm thể chế hóa nghị quyết gì của Đảng.”
Thứ hai, theo đại biểu Trần Thị Quốc Khánh, lộn xộn trật tự giao thông cũng như trị an cơ sở hiện nay phải chăng do một mình ngành công an hay do chính quyền địa phương, nhiều mặt khác nữa, như thế làm cho Bộ Công an phải làm hay để cho tương đương với Bộ Quốc phòng là có Luật Dân quân tự vệ.
“Tôi cho tư duy để cho 2 bộ tương đương với nhau là mang tính chất như "quyền anh, quyền tôi" ở đây. Tôi thấy chuyện như thế này cần phải xem lại, trách nhiệm của mỗi bộ theo chức năng, nhiệm vụ của mình phải làm cho tốt theo luật.” – Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh đưa ra ý kiến.
Đại biểu Trần Thị Quốc Khánh cũng khẳng định: “Để đảm bảo an toàn giao thông đường bộ thì chúng ta đã có Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia có tác dụng rất tốt, vừa qua giảm tai nạn giao thông rất nhiều. Đường sá mở rộng, bây giờ chúng ta phải ứng dụng công nghệ thông tin để kiểm tra, kiểm soát bằng phương tiện máy móc, phạt nguội nhưng chúng ta không làm, mà vấn đề gì cũng phải làm luật để cho tương đương là tôi không đồng ý.”
Tham gia phát biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long - Bộ trưởng Bộ Tư pháp cho biết: Về Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) và Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và trình Quốc hội hôm nay chúng ta đã thống nhất được Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), còn Luật Bảo đảm trật tự an toàn giao thông thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến, Chính phủ đã xem xét.
“Thông qua đề nghị này, tôi đề nghị Bộ Công an hoàn thiện hồ sơ để Thủ tướng Chính phủ có ý kiến tôi sẽ ký bổ sung vào chương trình, tốt nhất là kịp được kỳ này để Quốc hội xem xét thông qua.” – Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long nhận định.