Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tư duy mới trong tái cơ cấu kinh tế

Thế Dương
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Gọi là vấn đề cũ vì câu chuyện tái cơ cấu nền kinh tế là câu chuyện được nhắc đi, nhắc lại nhiều năm nay. Tuy nhiên, những thách thức từ cuộc đại phẫu này đến nay vẫn mới.

Sau 5 năm triển khai Kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội 2011 - 2015, trong đó có đề cập đến tái cơ cấu nền kinh tế tập trung vào 3 trụ cột là tái cơ cấu ngân hàng, DN Nhà nước và đầu tư công, kết quả đến nay khác xa mục tiêu ban đầu đặt ra.
Mặc dù được coi là 1 trong 3 tuyến đột phá nhưng Đề án tái cơ cấu DNNN giai đoạn 2011 - 2015 mới hoàn thành cổ phần hóa 422/538 DN, đạt 78% kế hoạch. Trong khi hoạt động thoái vốn đầu tư ngoài ngành có bước đi chậm hơn khi mới thoái được 9.924 tỷ đồng vốn nhà nước đầu tư ngoài ngành (theo giá trị sổ sách) vào các lĩnh vực bất động sản, bảo hiểm, chứng khoán, tài chính, ngân hàng. Mục tiêu thời gian tới phải thoái tiếp 15.678.456 triệu đồng.
Cùng với tái cơ cấu DNNN, tái cơ cấu đầu tư công vẫn lấy xin - cho làm trụ. Hệ lụy là hiệu quả đầu tư thấp, một loạt dự án đầu tư trị giá hàng nghìn tỷ đồng thua lỗ, kém hiệu quả và không được cải thiện; 3 đơn vị tín dụng mới đạt được 1 đơn vị tăng trưởng. Đối với tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng, mặc dù đạt được một số kết quả nhất định nhưng nhiều kết quả chưa thực sự vững chắc, đặc biệt là nợ xấu, bởi đa phần nợ xấu hiện vẫn được gom lại mà chưa được xử lý. Không những thế, vẫn còn hiện tượng một số ngân hàng giấu thông tin về nợ xấu, dẫn đến rủi ro tiềm ẩn. Tình trạng sở hữu chéo vẫn còn phức tạp…
Khái quát bức tranh tái cơ cấu nền kinh tế thời gian qua để thấy, đề án này vẫn ngổn ngang nhiều vấn đề. Điều này đặt ra câu hỏi liệu cách tái cơ cấu vừa qua có hợp lý hay không? Điểm trục trặc nằm ở đâu?... Đây là những câu hỏi cũ đòi hỏi những câu trả lời mới. Tuy nhiên mấu chốt của vấn đề vẫn là đổi mới thể chế. Nợ xấu có thể xử lý xong nhưng nợ xấu lại sẽ tiếp tục phát sinh ra nếu không giải quyết tận gốc nguyên nhân. Bên cạnh đó là cần một tư duy mới, thay vì hướng tới huy động nguồn lực, như đã từng áp dụng lâu nay, thời gian cần quan tâm đến phân bổ nguồn lực hiệu quả hơn. Cùng với việc sẵn sàng cho phá sản những DN Nhà nước kinh doanh thua lỗ cũng cần dành nguồn lực đầu tư cho khối DN dân doanh, chiếm tới 95% số lượng DN và mức đóng góp vào ngân sách đang nhận mức tăng đáng kể. Quá trình hội nhập đã chuyển sang một giai đoạn mới về chất, với đẳng cấp cao hơn cũng đòi hỏi môi trường minh bạch, ổn định. Điều đó đòi hỏi việc tái cơ cấu nền kinh tế thời gian tới phải thay đổi căn bản theo hướng hội nhập, qua đó mới tận dụng được những cơ hội từ hội nhập. Những động thái quyết liệt thời gian qua với việc chuyển mạnh sang Chính phủ phục vụ mà DN đã thấy từ Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đến các bộ, ngành, địa phương chứng tỏ các DN đã sẵn sàng cho những thay đổi trong tái cơ cấu nền kinh tế.