Địa phương đứng ra giải thích về giá vé
Ngày 24/2 vừa qua, trước những ý kiến phản ánh về giá vé tại BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tổ chức họp báo để... giải thích về vấn đề này. Đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, mức vé hiện tại được áp dụng tại cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn được địa phương quyết định sau khi nghiên cứu kỹ lưỡng đề xuất của DN cùng với tham khảo giá vé tại một số dự án BOT khác. Theo địa phương, mức vé từ 2.100 - 8.100 đồng/km trên cao tốc và từ 52.000 - 200.000 đồng/lượt trên QL1 là phù hợp với thực tiễn, đảm bảo quy định mức trần năm cơ sở tại Thông tư số 35/2016/TT-BGTVT. Thậm chí mức điều chỉnh thấp hơn đề xuất của nhà đầu tư.
Khi đặt ra mức thu phải nhìn phản ứng của người sử dụng dịch vụ. Nếu người ta không đồng thuận nên điều chỉnh giảm mức phí xuống mức nào đó để mọi người có thể chấp nhận. Nếu không sẽ không có ai sử dụng dịch vụ của anh nữa.TS Phan Lê Bình – chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) |
Về tương quan so sánh giá vé tại BOT cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn so với các dự án BOT giao thông khác, đại diện UBND tỉnh Lạng Sơn cho rằng nếu so với cao tốc Vân Đồn – Hạ Long (60km) hay Trung Lương – Mỹ Thuận (51km), mức vé cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn là tương đương. Còn đối với hợp phần trên QL1, giá vé trạm thu phí tại QL1 thuộc tỉnh Lạng Sơn thậm chí còn rẻ hơn so với nhiều tuyến QL khác trên địa bàn cả nước.
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, nhà đầu tư dự án đang gặp nhiều khó khăn bởi quá trình triển khai dự án, nhà đầu tư đã cắt giảm 1 trạm thu phí tại Km24+800 trên QL1, miễn giảm phí cho gần 6.000 phương tiện người dân địa phương xung quanh trạm thu phí QL1, bổ sung chi phí tổ chức thu phí tự động không dừng. Điều này đã ảnh hưởng đến doanh thu của DN. Đó còn chưa kể, theo phân tích của Kiểm toán Nhà nước ngày 16/1/2020, lưu lượng xe thực tế giảm gần 48% cho cả 2 tuyến QL1 và cao tốc so với dự báo tại phương án tài chính ban đầu dẫn đến ảnh hưởng lớn đến phương án tài chính của dự án.
Cần xem xét nguyện vọng của doanh nghiệp vận tải
Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, nhiều chuyên gia cho rằng, giá vé áp dụng tại các dự án BOT giao thông nào trên cả nước cũng đều được đưa ra dựa trên những nghiên cứu kỹ lưỡng và theo quy định hiện hành. Tuy nhiên, giá vé BOT cần phải ở mức hợp lý để đảm bảo cho sản xuất, kinh doanh. “Khi phí giao thông quá cao sẽ ảnh hưởng đến lợi nhuận của DN, tác động đến giá thành sản phẩm, khi đó sẽ ảnh hưởng đến đời sống của người dân” – vị này nói và nhấn mạnh, giá vé ở các dự án BOT giao thông cần đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các bên, từ nhà đầu tư dự án, Nhà nước và người sử dụng dịch vụ đường bộ.
Trước những khó khăn do ảnh hưởng của Covid - 19, một số chuyên gia cho rằng, các cơ quan có thẩm quyền nên phối hợp xem xét đề nghị giảm giá vé tại BOT cao tốc Bắc Giang – Lạng Sơn của các DN vận tải làm sao để vừa đảm bảo quyền lợi của nhà đầu tư, vừa đảm bảo lợi ích của người dân và DN vận tải.
Trong khi đó, TS Phan Lê Bình – chuyên gia tư vấn cao cấp của Cơ quan hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA) lại nhìn nhận vấn đề trên một phương diện khác, đó là mối quan hệ giữa DN cung cấp dịch vụ (nhà đầu tư BOT giao thông) và khách hàng sử dụng dịch vụ (DN vận tải và người dân). Theo chuyên gia tư vấn cao cấp của JICA, lâu nay, chúng ta vẫn coi BOT là một loại hình kinh doanh đặc biệt mà quên rằng đây cũng là một hình thức kinh doanh dịch vụ. Mà với kinh doanh dịch vụ, tiêu chí “khách hàng là thượng đế” luôn phải đặt lên hàng đầu. Chỉ có điều, các nhà đầu tư BOT từ lâu đã không còn để ý đến điều này. Nếu các nhà đầu tư biết quan tâm, tôn trọng hơn các “thượng đế” của mình, thì đã không xảy ra những mâu thuẫn, xung đột gay gắt giữa người dân, tài xế với các nhà đầu tư tại hàng loạt dự án BOT giao thông trong thời gian qua.
“Tôn trọng khách hàng chính là một cách để đảm bảo mối quan hệ bền vững giữa người kinh doanh dịch vụ với các “thượng đế” của mình. Người dân cần có sự lựa chọn và DN vận tải cần được chia sẻ trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 đang ảnh hưởng rất sâu rộng đến mọi hoạt động kinh tế của cả nước như hiện nay” – TS Phan Lê Bình nhận định và đánh giá cao động thái mới đây của Bộ Công Thương khi đưa ra đề nghị Bộ GTVT phối hợp với Bộ Tài chính rà soát các loại thuế, phí, có các giải pháp hỗ trợ giảm giá BOT, phí cầu đường, bến bãi... để giảm chi phí lưu thông hàng hóa, góp phần hỗ trợ DN sản xuất và DN logistics. “Về mặt quản lý Nhà nước, quản lý vĩ mô thì chúng ta cũng chưa có được biện pháp cụ thể để giúp người dân và DN vận tải gắng gượng, vượt qua giai đoạn khó khăn này. Cho nên, đề xuất xem xét giảm phí BOT mà Bộ Công Thương vừa đưa ra là một ý kiến rất kịp thời và cần thiết” – TS Phan Lê Bình nói.