Sức lan tỏa lớn Theo PGS.TS Hà Minh Hồng (Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh), hành trang của TP Hồ Chí Minh sau chiến tranh là những trang hào hùng và sôi động của một đô thị trọng điểm. Đảng bộ TP trải qua 10 nhiệm kỳ đại hội, phát huy truyền thống kiên cường, linh hoạt, năng động, sáng tạo của một TP anh hùng. Chính quyền và Nhân dân TP chủ động tháo gỡ khó khăn, từng bước vượt qua những lực cản của cơ chế cũ, tìm hướng đi mới.TP Hồ Chí Minh tập trung phát triển cả công nghiệp, thủ công nghiệp, nông nghiệp, phân phối lưu thông, tài chính ngân hàng… Đặc biệt là từ khi đổi mới, TP Hồ Chí Minh chuyển theo kinh tế thị trường với cơ chế và chính sách quản lý kinh tế - xã hội mới đã khơi dậy và giải phóng sức sản xuất. Hiện nay, TP Hồ Chí Minh đã và đang giữ vững vai trò, vị trí của một đầu tàu động lực, có sức thu hút, lan tỏa lớn của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, là trung tâm công nghiệp, dịch vụ, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ của quốc gia và khu vực Ðông - Nam Á.
Trong khi đó, tỉnh Bình Dương sau ngày thống nhất đất nước là một tỉnh còn nghèo, lạc hậu. Nắm bắt thời cơ hội nhập đổi mới của đất nước, Bình Dương vươn lên trải thảm mời gọi đầu tư trong và ngoài nước, mời gọi nhân tài. Đến nay, GRDP bình quân của Bình Dương đạt trên 150 triệu đồng/người/năm (tương đương 6.500 USD). Hiện 100% xã, phường ở tỉnh Bình Dương có đường ô tô đến trụ sở. Đô thị phát triển đồng bộ đúng quy hoạch "thành phố trong thành phố", không còn khái niệm vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn. Đầu năm 2021 chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Bình Dương nhảy vọt so các năm, đánh dấu bước tiến mới trong hội nhập và phát triển.Phát triển vùng lõi sản xuất công nghiệpVùng “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ” là nơi tập trung các khu công nghiệp và cụm công nghiệp, trung tâm sản xuất công nghiệp của Việt Nam. Theo thống kê năm 2018, khu vực “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ” tiếp tục là điểm đến của nhiều nhà đầu tư nước ngoài (FDI). Nếu Việt Nam thu hút vốn đầu tư FDI được 345 tỷ USD thì có hơn 173 tỷ USD “đổ” vào khu vực tứ giác kinh tế này. Trong 4 tỉnh, thành đang dẫn đầu Việt Nam về thu hút đầu tư FDI thì có đến 3 tỉnh, thành nằm thuộc về “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ” là TP Hồ Chí Minh, Đồng Nai và Bình Dương. Trong nhiều năm qua, DN FDI và cả DN trong nước tập trung đầu tư tại Vùng kinh tế kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung và vùng “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ” nói riêng. Đây cũng là đầu tàu trong xuất khẩu, xuất siêu của Việt Nam. Đồng Nai, Bình Dương, Vũng Tàu và TP Hồ Chí Minh là những địa phương có kim ngạch xuất khẩu lớn của cả nước. Việc ưu tiên thu hút công nghiệp hỗ trợ của những tỉnh, thành trong vùng tứ giác kinh tế này đã giúp cho Việt Nam giảm được nhập khẩu nguyên phụ liệu cho sản xuất. Những mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn đều nằm trong vùng kinh tế tứ giác này, như giày dép, dệt may, xơ sợi dệt, sản phẩm gỗ, điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị... Tỉnh Đồng Nai được xem là “cái nôi” phát triển khu công nghiệp. Chính các khu công nghiệp đã trở thành địa điểm thu hút đầu tư, tạo động lực phát triển, giúp Đồng Nai trở thành vùng kinh tế phát triển năng động hàng đầu của cả nước. Từ chỗ chỉ có một khu công nghiệp duy nhất trước ngày giải phóng, đến nay tỉnh Đồng Nai đã quy hoạch hơn 35 khu công nghiệp, trong đó 31 khu được đầu tư hạ tầng hoàn thiện đi vào hoạt động. Các khu công nghiệp của Đồng Nai đã thu hút được trên 1.800 dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) với tổng vốn đầu tư gần 31 tỷ USD đến từ 45 quốc gia, vùng lãnh thổ và lấp đầy trên 85% diện tích đất cho thuê.Bộ mặt mới từ phát triển giao thông, đô thị Để thu hút được đầu tư nước ngoài cũng như trong nước, hai yếu tố quan trọng đầu tiên cần phải có là chính sách dành cho nhà đầu tư và cơ sở hạ tầng bảo đảm. Theo quy hoạch giao thông phía Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có 3 tuyến đường cao tốc gồm: TP Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây (đã đi vào hoạt động), Dầu Giây - Phan Thiết và Biên Hòa - Vũng Tàu (đang triển khai đầu tư). Các tuyến đường cao tốc này được xem là cửa ngõ cho Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Sân bay quốc tế Long Thành) đã khởi công xây dựng đầu năm 2021. Những dự án giao thông lớn này kết nối với các tỉnh, thành trong vùng, tạo ra những bước tăng trưởng nhanh về kinh tế - xã hội cho vùng.Bình Dương là tỉnh khởi nghiệp thu hút đầu tư, phát triển kinh tế chỉ với “hai bàn tay trắng”. Nguyên Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương Hồ Minh Phương nhớ lại: “Sau khi tách tỉnh, cơ sở hạ tầng của Bình Dương gần như không có gì. Nhưng muốn thu hút được nhà đầu tư thì cơ sở hạ tầng phải bảo đảm. Các công trình hạ tầng giúp tỉnh Bình Dương “khởi nghiệp” như Quốc lộ 13, công trình cấp điện, nước... luôn đi trước mở đường và đến giờ vẫn hoạt động tốt”. Hiện tại, hệ thống giao thông Bình Dương đã được đầu tư liên hoàn, đồng bộ, vừa giải quyết được yêu cầu giao thông đối nội vừa làm tốt vai trò kết nối giao thông vùng và quy hoạch giao thông quốc gia. Bí thư Tỉnh ủy Đồng Nai Phạm Phú Cường cho biết: “Trong 5 năm tới, tỉnh tập trung huy động các nguồn lực đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trọng tâm là phát triển hạ tầng giao thông đô thị, nông thôn và giao thông kết nối với vùng Đông Nam Bộ. Phát triển nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng sản xuất hàng hóa, nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”. Trong khi đó, cùng với sự phát triển giao thông đô thị, TP Hồ Chí Minh cũng xuất hiện nhiều hơn những tòa nhà cao tầng khắp các quận nội thành, đánh dấu sự phát triển đô thị theo hướng hiện đại. Hệ thống giao thông đô thị mở rộng cùng với sự xuất hiện của tuyến đường sắt đô thị, những dòng kênh được chỉnh trang, tòa nhà chọc trời mang lại sức sống, diện mạo mới cho TP Hồ Chí Minh nói riêng và “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ” nói chung.Còn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, với chủ trương phát triển mạnh về công nghiệp, cảng biển, du lịch và nông nghiệp công nghệ cao, tỉnh tập trung nguồn lực xây dựng các tuyến hạ tầng giao thông nhằm hoàn thiện hành lang công nghiệp, cảng biển, hậu cần cảng, dầu khí dọc Quốc lộ 51 và đô thị mới Phú Mỹ. Cùng với đó tập trung đầu tư, hoàn thành đường liên cảng Cái Mép - Thị Vải, đường Phước Hòa - Cái Mép, đường 991B, đường Long Sơn - Cái Mép, đường sau cảng Mỹ Xuân - Thị Vải…
Một số chuyên gia kinh tế thế giới nhận xét, vùng “Tứ giác kinh tế Đông Nam Bộ” không chỉ dẫn đầu ở Việt Nam mà còn là điểm đến hấp dẫn nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong khu vực Đông Nam Á. |