
Sau mỗi chuyến hải trình đến Trường Sa, chúng ta càng thêm niềm tin giá trị của hòa bình, độc lập và trách nhiệm thiêng liêng của người công dân Việt Nam đối với từng tấc đất, sải biển, hòn đảo thiêng liêng.
Các ý kiến chia sẻ cùng Báo Kinh tế & Đô thị về niềm tin yêu, trách nhiệm và nghĩa tình khi hướng về biển, đảo quê hương, hướng về Trường Sa - trái tim của biển Việt Nam.

Biển và đại dương có vị trí, vai trò và tầm quan trọng đặc biệt đối với sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Các quốc gia ven biển, các quốc đảo đều coi biển là nhân tố quan trọng gắn với chủ quyền, an ninh quốc gia và trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội.
Nước ta có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển kinh tế biển, đặc biệt là đường bờ biển dài khoảng 3.260km; khoảng hơn 3.000 đảo và quần đảo lớn nhỏ. Trong đó, hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa có vị trí chiến lược rất quan trọng; các vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng hơn 1 triệu km2.
Hiện nay, các quốc gia trên thế giới ngày càng nhận thức tốt vai trò của biển, đại dương, hướng tới việc khai thác và bảo tồn biển một cách bền vững. Tuy nhiên, do bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, tranh chấp trên Biển Đông, giữa các bên liên quan, giữa các nước nên đây luôn là vấn đề mà chúng ta cần phải quan tâm để có các chiến lược, chính sách phù hợp.
Với chủ trương tổ chức lại không gian phát triển, sáp nhập các địa phương với 21/34 tỉnh, TP có biển, đặc biệt là việc thành lập các đặc khu là điều kiện cực kỳ thuận lợi để chúng ta “vươn ra biển, làm chủ biển, bảo vệ và khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, môi trường, không gian biển và hải đảo”, thúc đẩy phát triển bền vững từng địa phương, vùng và đất nước. Đây là tư duy, tầm nhìn rất lớn của Đảng, phù hợp với yêu cầu phát triển trong giai đoạn mới, phù hợp với xu thế chung của thời đại, của quốc tế.

Với phương án sắp xếp lại các tỉnh có biển hiện nay, kinh tế biển - tỷ trọng đóng góp vào GDP của kinh tế biển với tổ chức không gian mới sẽ lớn hơn rất nhiều so với trước đây, kể cả về quy mô, về chất lượng, tốc độ sẽ lớn hơn rất nhiều. Các ngành kinh tế biển cũng sẽ trở thành động lực chiến lược quan trọng để phát triển trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, từ đó thúc đẩy tiếp những ngành khác. Cùng với đó, tạo ra sinh kế, việc làm, cải thiện đời sống, chất lượng cuộc sống của người dân.
Nhìn về lịch sử truyền thống của dân tộc, Việt Nam là quốc gia biển, có lịch sử gắn bó lâu dài qua các thế hệ trao truyền, tư duy hướng biển rất sớm. Trong thời đại mới, qua sắp xếp các tỉnh, thành phố, chúng ta phải củng cố, tạo ra sức lan tỏa, xây dựng tư duy và hành động hướng biển, tạo ra ý thức, nhận thức tốt hơn cho người dân. Đối với Việt Nam - đất nước có điều kiện tự nhiên, có nhiều lợi thế, tiềm năng lớn về biển, chúng ta phải phát huy, phát triển, xây dựng để bảo vệ chủ quyền biển, đảo ngày càng tốt hơn.
Đầu tháng 6 vừa qua đã diễn ra Tuần lễ Biển và Hải đảo Việt Nam năm 2025, với chủ đề “Công nghệ xanh để đại dương bền vững”, nhấn mạnh vai trò tiên phong của khoa học, đổi mới sáng tạo và các công nghệ xanh trong bảo vệ đại dương, phát triển kinh tế biển. Đây cũng là dịp để toàn dân thể hiện ý chí, quyết tâm thực hiện Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, sớm đưa đất nước trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu lên từ biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền Tổ quốc trên các vùng biển, đảo.

Trong những năm qua, cùng với Nhân dân cả nước, Đảng bộ, chính quyền, các cấp, các ngành, các cơ quan, doanh nghiệp, cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô với tinh thần “Vì Trường Sa thân yêu” đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, hiệu quả, ý nghĩa góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần phục vụ sinh hoạt, huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu của cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân Trường Sa, Nhà giàn DK1, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Các thành viên đoàn công tác rất bồi hồi, xúc động khi đến với Trường Sa. Được trực tiếp gặp gỡ cán bộ, chiến sĩ, những người lính đảo, được gặp gỡ bà con tại Trường Sa, được chứng kiến vẻ đẹp hùng vĩ, kiêu hãnh của biển, đảo quê hương, mỗi thành viên trong đoàn công tác đều vô cùng tự hào, xúc động; thầm cảm ơn các thế hệ cán bộ, chiến sĩ và người dân kiên cường bám đảo, không ngại hy sinh để bảo vệ từng tấc đất, sải biển của Tổ quốc. Qua đó, từng thành viên trong đoàn công tác càng thấy rõ hơn trách nhiệm của bản thân với biển, đảo của Tổ quốc thân yêu.

Những thành tích, kết quả nổi bật mà cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên quần đảo Trường Sa đạt được, đã mang đến cho đoàn công tác những cảm nhận sâu sắc, niềm tự hào về biển, đảo quê hương đang ngày một đổi thay, xanh hơn, đẹp hơn, hiện đại hơn, giúp chúng tôi hiểu sâu sắc hơn truyền thống vẻ vang của lớp lớp cán bộ, chiến sĩ, Nhân dân Trường Sa, luôn vững vàng tay súng, vững vàng nơi đầu sóng, ngọn gió, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo quê hương, bảo vệ Tổ quốc.
Đặc biệt, dịp này, Đoàn công tác TP Hà Nội vinh dự được tham gia lễ khánh thành Nhà văn hóa đa năng trên đảo Đá Đông C. Đây là công trình do Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô trao tặng, giúp cán bộ, chiến sĩ, các lực lượng trên quần đảo Trường Sa nói chung, đảo Đá Đông C nói riêng kiên cường bảo vệ biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tiếp tục trong chuyến đi này, đoàn công tác thay mặt Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô đóng góp thêm cho Trường Sa một công trình mới là Nhà văn hóa tại đảo Đá Lát, trị giá 50 tỷ đồng.

Tình yêu Trường Sa sẽ luôn song hành cùng trách nhiệm vì Trường Sa. Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang và Nhân dân Thủ đô luôn có một Trường Sa trong lòng Hà Nội. Nhiều năm qua, Hà Nội đã và đang tổ chức nhiều hoạt động thiết thực, đóng góp, đầu tư nhiều công trình, trang thiết bị cho Trường Sa.
Qua chuyến công tác đã giúp cho các thành viên tham gia đoàn nhận thức sâu sắc hơn, hiểu rõ hơn về biển, đảo. Cảm nhận rõ thực tiễn sống động, khó khăn, gian khổ, vinh dự cũng như trách nhiệm lớn lao, sự cống hiến hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Hải quân đang ngày đêm làm nhiệm vụ canh, giữ biển, đảo của Tổ quốc. Chuyến đi một lần nữa khẳng định vai trò, trách nhiệm và tình cảm đặc biệt của quân, dân Thủ đô Hà Nội với Trường Sa, với chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Tôi tin rằng, những năm tiếp theo, Hà Nội tiếp tục đóng góp nhiều hơn, giúp Trường Sa và biển, đảo của chúng ta vững vàng, góp phần xây dựng Việt Nam ngày càng phát triển, giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Dù nghiên cứu Biển Đông 20 năm nay, dù được đọc rất nhiều tài liệu, được nghe rất nhiều các buổi nói chuyện, dự nhiều hội thảo, nhưng khi được đến Trường Sa, được đặt chân lên Nhà giàn DK1, tôi mới có được những cảm xúc chân thực và rõ ràng nhất về vùng lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc.
Tận mắt chứng kiến vùng biển trời rộng lớn của đất nước, cuộc sống, công việc của các cán bộ, chiến sĩ và Nhân dân trên các đảo, nhà giàn, mới thấy các cán bộ, chiến sĩ ở đây đang gánh vác trọng trách vô cùng to lớn. Vùng Biển Đông, đặc biệt quần đảo Trường Sa và Nhà giàn DK1 là những địa bàn trọng yếu của đất nước. Khu vực thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế phía Đông của Tổ quốc, không gian sinh tồn, cửa ngõ kết nối nơi có nhiều công trình trọng yếu và có nhiều nguồn tài nguyên quan trọng cho sự phát triển tương lai của đất nước.
Sức mạnh của Việt Nam nằm ở tinh thần đoàn kết, lòng yêu nước của quân và dân, thể hiện rõ rệt nhất trong ý chí, nghị lực, quyết tâm của cán bộ, chiến sĩ và người dân nơi biên cương xa xôi. Giữa bộn bề khó khăn, khắc nghiệt của biển, của thời tiết, đã có các anh bám trụ, và chính sự hiện diện, hiên ngang ấy đã làm nên khí phách của đất nước Việt Nam.

Đất nước chúng ta đang triển khai rất nhiều quyết sách lớn, quan trọng để bước vào thời kỳ mới, kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Song, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước không thể hoàn thành nếu chủ quyền quốc gia, toàn vẹn lãnh thổ và an ninh Tổ quốc không được bảo đảm. Đó là nhiệm vụ, vai trò trọng yếu của các lực lượng vũ trang, trong đó có Quân đội Nhân dân Việt Nam, Hải quân Nhân dân Việt Nam - những chiến sĩ đang ngày đêm bám biển, bám đảo, một tấc không đi, một li không rời.
Tôi nhận thấy, Đoàn đại biểu TP Hà Nội đến Trường Sa với sự chuẩn bị công phu, kỹ lưỡng và tận tâm. Từng món quà, từng vật phẩm, như “mang cả tấm lòng mình” ra đảo, cố gắng chắt chiu cơ hội nhỏ mỗi năm một lần để chia sẻ ngọt bùi, mang được thật nhiều hương vị quê hương dành cho các chiến sĩ, cán bộ và người dân nơi đầu sóng, ngọn gió. Hà Nội cũng là địa phương đi đầu, đóng góp thiết thực, ý nghĩa với một nguồn lực không nhỏ góp phần xây dựng các nhà văn hóa đa năng, các công trình quan trọng trên các điểm đảo, nâng cao điều kiện sống và sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ.
Truyền thống quý báu đó, ngọn lửa ấm áp đó sẽ được giữ gìn, lan tỏa bởi thế hệ trẻ Thủ đô. Những hải trình đến với Trường Sa là con đường ngắn nhất để thanh niên, sinh viên hiểu được, cảm nhận được về những hy sinh xương máu của thế hệ cha ông, những gian khổ, gian truân cũng như ý chí quật cường của người lính hải quân đang ngày đêm bám biển, bám đảo, giữ vững biên cương. Tuy nhiên, không phải ai cũng có được may mắn một lần đến với đảo xa, được chạm đến các cột mốc chủ quyền thiêng liêng giữa vùng biển trời thăm thẳm.
Theo đó, TP Hà Nội nên hướng đến xây dựng một ngôi nhà Trường Sa - Hoàng Sa ở giữa Thủ đô, nơi lưu giữ những kỷ vật, những thước phim, những hình ảnh về Trường Sa, những ký ức, ghi chép về những chuyến đi đầy ý nghĩa… Qua đó, để mỗi người dân, đặc biệt là học sinh, sinh viên đều có dịp đến thăm, ý thức và cảm nhận được một phần máu thịt của Tổ quốc.

Mỗi tấc đất của tổ quốc, mỗi vùng biên cương hải đảo đều có bóng dáng của những người chiến sĩ - người gác cửa giữ yên bờ cõi quê hương.
Đoàn công tác TP Hà Nội đến với các đảo Song Tử Tây, Đá Thị, Sinh Tồn, Len Đao, Cô Lin, Đá Đông C, Trường Sa và Nhà Giàn DK1, những hình ảnh hiện diện trước mắt khác xa với những gì tôi đã hình dung. Khẩu hiệu “Đảo là nhà, biển cả là quê hương” đã lột tả hết cuộc sống nơi đây. Những người chiến sĩ sống với nhau như anh em ruột thịt, lấy việc trồng rau, nuôi gia súc làm niềm vui, lấy biển trời là bầu bạn. Trên những đảo chìm, không có đất để trồng rau, phải chuyển đất từ đất liền và rau được trồng vào những chậu nhựa, hộp xốp. Không có cây cảnh, họ dùng chính những cây rau để trang trí nơi mình sống.
Nhìn những người lính nghiêm trang đứng gác, nhìn những nụ cười rạng rỡ khi được xem các nghệ sĩ Thủ đô biểu diễn, tôi và các thành viên trong Đoàn lòng thầm cảm ơn, bày tỏ lòng kính trọng đến những người chiến sĩ và người dân nơi đây đang ngày đêm bám biển, bảo vệ vững chắc từng dải hải lý biển, đảo Tổ quốc.

Trong chuyến đi này, chúng tôi được tham dự lễ khánh thành Nhà văn hoá đa năng trên đảo Đá Đông C, do Đảng bộ, chính quyền, Nhân dân và lực lượng vũ trang TP Hà Nội trao tặng. Tận mắt chứng kiến sự khó khăn của điều kiện địa lý nơi đây, mới thấy mỗi mét vuông xây dựng, mỗi công trình được dựng lên, sự đóng góp từ đất liền đáng quý đến mức nào.
Mỗi lần chia tay rời đảo là chúng tôi lại bịn rịn, vẫn muốn ở lâu hơn nữa, có nhiều thời gian hơn nữa bên cạnh những người chiến sĩ. Và lần chia tay xúc động nhất là tại đảo Trường Sa. Những người chiến sĩ, người dân tiễn chúng tôi lên tàu, họ hát rồi hô vang “Chúng tôi yêu Hà Nội”. Để đáp lại, chúng tôi đã hát khúc ca về Trường Sa, và hô vang “Chúng tôi yêu Trường Sa”, “Tạm biệt Trường Sa”… Cứ như vậy, người trên tàu - người dưới đảo trao nhau những lời tạm biệt đến lạc cả giọng, nghẹn ngào, xúc động, mắt đỏ hoe. Tàu hú lên 3 tiếng còi dài chào đảo, bóng người xa dần, đảo xa dần chìm vào màn đêm sâu thẳm.
Kết thúc hành trình, chúng tôi cảm thấy thêm yêu Trường Sa hơn, tự nhủ cần có những đóng góp nhiều hơn, những hành động thiết thực hơn để chung tay góp phần nhỏ bé của mình bảo vệ biển, đảo quê hương.

Khi còn là cô sinh viên mới chập chững bước vào Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội, tôi đã được chọn là thành viên của đội văn nghệ xung kích tham gia đoàn công tác đi thăm Trường Sa. Đến nay, hơn 10 năm trôi qua với 8 lần đến Trường Sa, nhưng cảm xúc đó trong tôi vẫn vẹn nguyên không hề thay đổi.
Cảm giác khi được cất tiếng hát giữa biển trời bao la, không thấy bờ bến, xung quanh là những chiến sĩ trẻ đang ngày đêm bảo vệ bình yên của Tổ quốc, tôi cảm thấy vô cùng xúc động. Những lời ca, tiếng hát ấy thay cho tình cảm lớn lao của hàng triệu trái tim đất liền dành tặng những người lính, và tôi cảm thấy vô cùng biết ơn khi được cất tiếng hát dưới bầu trời hòa bình này.
Tham gia Đoàn công tác TP Hà Nội năm 2025 đi thăm quân, dân trên quần đảo Trường Sa, tôi đã gặp vài chiến sĩ người Hà Nội. Có bạn chia sẻ trước ở gia đình được cưng chiều, nhưng khi ra đảo công tác đã thấu hiểu, trưởng thành hơn rất nhiều.

Khi đang giao lưu văn nghệ tại đảo Len Đao, một chiến sĩ trẻ đã tươi cười, nhờ tôi chụp một số hình ảnh, để khi về đến đất liền có thể gửi giúp đến gia đình. Mẹ em đã vô cùng xúc động, nhắn tin cảm ơn khi nhận được những tấm hình của người chiến sĩ ấy: “Được nhìn thấy hình ảnh của con trai thế này, thấy con trưởng thành hơn, cả nhà mừng lắm rồi”. Dù chỉ là một việc nhỏ, nhưng tôi thật sự thấy rất hạnh phúc.
Là một người trẻ, vinh dự nhiều lần được đến Trường Sa đã giúp tôi trưởng thành hơn, thêm yêu Tổ quốc hơn. Để có được tự do, hoà bình ngày hôm nay, là biết bao nhiêu sự hy sinh thầm lặng không chỉ của những thế hệ đi trước, mà ngày hôm nay đây vẫn có những con người đang ngày đêm vững chắc tay súng để chúng ta được sống trong yên bình.
Tôi thêm quý trọng, biết ơn cuộc sống này từ những điều nhỏ nhất, biết ơn những người anh hùng, và ngày càng mong muốn mình có thể tiếp nối những truyền thống tốt đẹp, lan toả tình yêu nước nồng nàn trong thế hệ trẻ, nguyện sống thật có ích, tử tế, đem nhiều giá trị tới cho cộng đồng và xã hội.

