Sở đã chủ động phối hợp với các cơ quan thông tin báo chí T.Ư và Hà Nội đưa tin, bài về các hoạt động của ngành gắn với thực hiện Cuộc vận động bằng nhiều hình thức phù hợp, đồng thời, tích cực tạo lập môi trường thuận lợi giúp DN Việt đẩy mạnh phát triển sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.
Đáng chú ý, lần đầu tiên, chương trình “Tuổi trẻ Việt đồng hành cùng hàng Việt” được UBND TP Hà Nội chỉ đạo và Sở Công Thương tổ chức nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10 vừa qua đã tạo nên một điểm nhấn quan trọng trong việc thực hiện Cuộc vận động năm nay.
Sự kiện chương trình “Tuổi trẻ Việt đồng hành cùng hàng Việt” diễn ra trong 3 ngày 7 - 9/10 tại Công viên Thống Nhất (quận Hai Bà Trưng). Với nòng cốt là sinh viên của tất cả các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn TP, chương trình “Tuổi trẻ Việt đồng hành cùng hàng Việt” với slogan “Kết nối tri thức, nâng tầm thương hiệu Việt” đã thu hút hơn 10.000 lượt người tiêu dùng và khoảng 30.000 lượt sinh viên. Đáng chú ý, trong 4 hoạt động chính của chương trình “Tuổi trẻ Việt đồng hành cùng hàng Việt” chính là cuộc thi “Từ nhận thức đến hành vi tiêu dùng hàng Việt” diễn ra vào sáng 8/10. Mục đích của cuộc thi này là để thế hệ người tiêu dùng trẻ hiểu hơn về hàng “Made in Vietnam ”, trong đó, Ban tổ chức đã tạo ra một sân chơi thực sự bổ ích dành cho sinh viên và kết nối các bạn sinh viên với các DN Việt.
Cụ thể, đã có 14 đội tham gia đến từ các trường đại học kết nối cùng DN, trong đó các đội đã thi tài với nhau qua các phần biểu diễn tiểu phẩm, nhạc kịch, hùng biện xuyên suốt 3 vòng thi với các chủ đề gồm: “Tại sao người Việt nên ưu tiên dùng hàng Việt”, “Những nguyên nhân khiến người Việt còn tâm lý sính ngoại” và “Người tiêu dùng Việt trong thời kỳ hội nhập”.
Đội trường Đại học Ngoại thương - Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã vinh dự được trao Giải Khuyến khích. Trải qua các phần biểu diễn tiểu phẩm, nhạc kịch, hùng biện xuyên suốt 3 vòng thi, các sinh viên đến từ trường Đại học Ngoại thương thực sự càng tự hào về các sản phẩm “Made in Vietnam” hơn khi được biết: Qua trên 55 năm xây dựng và phát triển, Dệt kim Đông Xuân đã trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm của lịch sử và chứng kiến những biến động của kinh tế đất nước, sản phẩm của Công ty ban đầu chủ yếu để phục vụ kháng chiến, nhưng khi được sản xuất với số lượng ngày càng nhiều, chất lượng tốt hơn thì “Cánh én Đông Xuân” đã được khẳng định. Năm 1989, sau nhiều lô hàng xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản đáp ứng được yêu cầu, Công ty Dệt kim Đông Xuân đã ký kết được thỏa thuận hợp tác 10 năm với 2 bạn hàng là Công ty CP Thương mại Sanshin và Công ty CP Công nghiệp Katakura; đến tháng 7/2006, các bên đã thống nhất gia hạn thỏa thuận hợp tác đến năm 2019. Chính sự hợp tác với khách hàng Nhật Bản đã giúp Công ty Dệt kim Đông Xuân có được những cơ hội đổi mới công nghệ sản xuất, cải tiến sản phẩm, nên năm 2013, đã nghiên cứu thành công 810 mẫu sản phẩm mới, tỷ lệ nhuộm đúng lần đầu đạt 85%. Nhờ có thế mạnh của sản phẩm 100% cotton, DN đã áp dụng công nghệ sản xuất mới từ khâu dệt đến khâu xử lý hoàn tất để tạo ra các loại vải từ sợi tổng hợp PE, CVC, TC…, các loại sợi tổng hợp biến tính, có tính ưu việt hơn cả vải 100% cotton: Giữ ẩm cho da, sát khuẩn, mát về mùa Hè, ấm về mùa Đông, khử mùi đặc biệt, chống tia tử ngoại và vải cotton/lycra đàn hồi đa chiều…, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng”.
Qua 55 năm ra đời và phát triển, Công ty TNHH MTV Dệt kim Đông Xuân đã vinh dự được đón nhận nhiều phần thưởng cao quý: Huân chương Độc lập hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Ba, Cờ Thi đua của Chính phủ, DN tiêu biểu toàn diện ngành dệt may, Bằng khen của UBND TP Hà Nội về các thành tích xuất sắc trong sản xuất kinh doanh, Giải thưởng “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, Giấy chứng nhận “Sản phẩm công nghiệp chủ lực Thủ đô”, Giải thưởng “Sao vàng đất Việt”…
Đánh giá cao thành quả đạt được của Dệt kim Đông Xuân, Tập đoàn Dệt may Việt Nam đã chủ trương xây dựng trên diện tích đất của Công ty tại huyện Khoái Châu, tỉnh Hưng Yên một liên hợp sản xuất sản phẩm dệt kim phía Bắc với các hạng mục: Nhà máy Kéo sợi chất lượng cao 30.000 cọc sợi, Nhà máy Dệt kim công suất 3.000 tấn/năm, Nhà máy Xử lý vải công suất 3.000 tấn/năm; đồng thời, xây dựng thêm Nhà máy may công suất 10 triệu sản phẩm/năm và Trung tâm kiểm tra sản phẩm dệt kim công suất 10 - 20 triệu sản phẩm/năm. Tại Hà Nội, Đông Xuân sẽ tiếp tục đầu tư nâng cao công suất nhà máy xử lý vải từ 1.200 tấn/năm lên 1.800 tấn/năm. Khi hoàn thành các mục tiêu trên, DN sẽ trở thành hạt nhân phát triển ngành dệt kim, là một trong những cơ sở đủ điều kiện đón đầu thực hiện Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), góp phần vào sự phát triển chung của ngành dệt may Việt Nam.
Đây cũng chính là động lực thúc đẩy tinh thần cán bộ, công nhân viên Dệt kim Đông Xuân tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, trí tuệ, năng động, sáng tạo để hoàn thành sứ mệnh “đưa cánh én Đông Xuân sải cánh khắp địa cầu”.