Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Từ kênh Nhiêu Lộc nghĩ về sông Tô Lịch

Vân Nhi - Tiểu Thúy
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Xử lý triệt để ô nhiễm các dòng sông trên địa bàn, trong đó có sông Tô Lịch là một trong những mục tiêu lớn của TP Hà Nội nhằm xây dựng cảnh quan đô thị văn minh, sạch đẹp. Tuy nhiên, câu chuyện đặt ra cho đến nay vẫn là giải pháp nào mới thực sự hiệu quả?

Nhìn từ câu chuyện kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè
Tuyến đường Hoàng Sa và Trường Sa chạy dọc hai bên bờ kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè (TP Hồ Chí Minh) giờ đây trở thành một trong những tuyến đường đẹp của TP mang tên Bác. Nước kênh giờ đây đã sạch và trong hơn, cá đã bơi lội trở lại. Thêm vào đó, các dịch vụ du lịch trên kênh như thưởng ngoạn bằng du thuyền hay dịch vụ xe bus đường thủy dọc theo dòng kênh cũng đang được TP Hồ Chí Minh khai thác, thu hút được đông đảo khách du lịch và Nhân dân tham gia.
Để có được diện mạo con kênh như ngày hôm nay là cả một quá trình lâu dài, bền bỉ thực hiện nhiều giải pháp của TP Hồ Chí Minh. Bởi kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè từng là dòng kênh hôi thối, nhếch nhác với những khu nhà ổ chuột và rác thải ngập tràn.
 Sông Tô Lịch. Ảnh: Phạm Hùng
Kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè chảy qua 7 quận nội thành của TP Hồ Chí Minh gồm: Quận 1, 3, 10, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp và Bình Thạnh. Trước thực trạng ô nhiễm của dòng kênh, đầu những năm 1990, lãnh đạo TP Hồ Chí Minh đã quyết tâm cải tạo nơi này thành một trong những điểm nhấn của TP. Từ 1993 - 1998, TP Hồ Chí Minh đã cho chỉnh trang dòng kênh bằng dự án giải tỏa hàng ngàn căn nhà lụp xụp ven kênh và làm hai tuyến đường song song dọc kênh.
Đến năm 2003, dự án Vệ sinh môi trường lưu vực Nhiêu Lộc - Thị Nghè bằng vốn vay 317 triệu USD của Ngân hàng Thế giới được triển khai với các hạng mục chính: Nạo vét bùn dưới dòng kênh; lắp đặt tuyến cống bao chạy dọc ven kênh đến trạm bơm xử lý nước thải; lắp đặt khoảng 70km cống thoát nước trên nhiều tuyến đường.

Dự án nhà máy xử lý nước thải Yên Xá (xã Thịnh Liệt, huyện Thanh Trì, Hà Nội) được UBND TP Hà Nội khởi công xây dựng vào ngày 7/10, với tổng vốn đầu tư 16.200 tỷ đồng. Dự án hoàn thành sẽ thu gom và xử lý nước thải sinh hoạt trên diện tích hơn 4.800ha, từ 7 quận, huyện và 2 sông là Tô Lịch, sông Lừ của TP.

Nói về kinh nghiệm xử lý ô nhiễm dòng kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè, một nguyên lãnh đạo Sở Xây dựng TP Hồ Chí Minh cho biết, chính sự dám nghĩ, dám làm của lãnh đạo TP cộng với sự tin tưởng của người dân đã giúp đẩy lùi các khó khăn, thúc chương trình thực hiện trôi chảy. Theo đó, ở giai đoạn 1 của dự án, trạm bơm Nhiêu Lộc – Thị Nghè được xây dựng với quy mô 9km tuyến cống bao có đường kính 2,5 - 3m, 36 giếng chính và 59 thiết bị tách dòng để thu nước dọc kênh. Cùng với đó, một trạm bơm có lược rác với công suất 64.000m3/h và các thiết bị phụ trợ cũng được lắp đặt. Đồng thời nạo vét 1.100.000m3 đất, xây dựng 58km cống hộp và cống tròn.
Vượt qua nhiều khó khăn, dự án hoàn thành đã góp phần mang lại diện mạo mới cho TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, để xử lý dứt điểm nguồn nước ô nhiễm trên kênh, TP Hồ Chí Minh đã triển khai xây dựng nhà máy xử lý nước thải bao gồm hệ thống xử lý bùn và mùi. Theo thiết kế, dự án triển khai lắp đặt 60km cống ngầm trên các con đường ở lưu vực này, trong đó tuyến cống bao đặt ngầm âm dưới lòng đất từ 10 - 30m, từ thượng nguồn trên Tân Bình đến hạ nguồn nơi cửa sông Sài Gòn, chỗ Ba Son…
Hướng nào cho xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch?
Với kết quả cải thiện môi trường kênh Nhiêu Lộc - Thị Nghè của TP Hồ Chí Minh, một bộ phận dư luận đã có những phép so sánh và đưa ra đề xuất, Hà Nội nên học kinh nghiệm cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè để giải quyết vấn đề ô nhiễm sông Tô Lịch hiện nay. Tuy nhiên, theo PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viên Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường (Hội Cấp thoát nước Việt Nam), dù bản chất việc giải quyết ô nhiễm sông – kênh là như nhau nhưng do điều kiện địa lý giữa Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có những khác biệt nên không thể áp dụng một cách máy móc.
Theo lý giải của PGS.TS Trần Đức Hạ, ở TP Hồ Chí Minh, do ảnh hưởng của triều cường, lại nhiều kênh, rạch… nên nước kênh luôn được luân chuyển lên tục. Vì vậy, sau khi ngăn không cho đường nước thải chảy vào hệ thống kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè, mọi nguồn nước sinh hoạt của người dân đều được chảy vào trong hệ thống cống ngầm, chạy dọc hai bên bờ kênh, được xử lý trước khi đổ ra sông Sài Gòn nên môi trường nước kênh đã cải thiện rõ rệt. Trong khi đó, sông Tô Lịch của Hà Nội lại ít có luân chuyển nguồn nước; nước thải sinh hoạt của người dân lại xả trực tiếp ra sông nên giải bài toán ô nhiễm cho sông Tô Lịch không đơn giản” - ông Hạ phân tích.
Về vấn đề này, trao đổi với Kinh tế & Đô thị, nguyên Giám đốc Ban QLDA thoát nước Hà Nội (nay là Ban QLDA đầu tư Công trình Cấp, thoát nước và môi trường TP) Phạm Văn Cường cho rằng, Hà Nội đã thực hiện xử lý ô nhiễm sông Tô Lịch từ lâu và hiện đang tiếp tục làm. Và về cơ bản cách xử lý ô nhiễm giống nhau, chỉ khác các bước thực hiện. Theo ông Cường, sông Tô Lịch của Hà Nội đã hoàn thành kè hai bên sông, làm đường ven, vẫn thường niên triển khai hút bùn đáy sông. Vấn đề cốt yếu của ô nhiễm là nước thải xả trực tiếp ra sông.
Hiện, TP Hà Nội đang triển khai xây dựng dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Xá với công suất 270.000m3/ngày. Dự án này hoàn thành sẽ gom toàn bộ nước thải sinh hoạt, dọc hai bên sông Tô Lịch vào hệ thống để xử lý. Khi đó, nước sông Tô Lịch sẽ chỉ là nước mưa, nước được bổ cập, không có chuyện sẽ dồn chất thải bẩn xuống hạ nguồn địa phương khác. "Vì thế, nếu cần kinh nghiệm thì Hà Nội chỉ cần thực địa giai đoạn 1 dự án xử lý ô nhiễm kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghèo để biết được ưu và nhược hậu dự án, tự rút kinh nghiệm”- ông Cường nhận định.
Cũng theo ông Cường, với đặc điểm của sông Tô Lịch là mùa mưa thì dòng chảy mới được lưu thông, mùa khô thì nước sông sẽ trở nên “tù”, thậm chí có khi cạn trơ đáy nên vẫn phải được bổ cập nước thường xuyên. Do đó, dự án "đầu tư xây dựng trạm bơm bổ cập nước Hồ Tây và cải thiện chất lượng nước sông Tô Lịch" mà Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đang trình lên UBND TP Hà Nội là cần thiết trong tất cả các khả năng đặt ra, chứ không phải giải pháp trước mắt đối với vấn đề của sông Tô Lịch.
Cũng liên quan đến việc xử lý chất lượng nước tại sông Tô Lịch, ngày 16/5 vừa qua, Công ty CP Cải thiện môi trường Nhật Việt (JVE) đã thí điểm xử lý, làm sạch 300m sông Tô Lịch bằng công nghệ Nano – Bioreactor tại khu vực tiếp giáp với đường Hoàng Quốc Việt. Trước đó, cũng trong nỗ lực làm sạch Hồ Tây, giải cứu sông Tô Lịch, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đã đề xuất giải pháp bơm nước sông Hồng vào hồ Tây tạo lưu thông, đến khi hồ Tây sạch thì dẫn nước từ hồ vào hai cửa xả đến sông Tô Lịch để thau rửa, làm sạch nguồn nước ô nhiễm tại đây... Xung quanh vấn đề này, các chuyên gia cho rằng, những đề xuất, biện pháp đã và đang thực hiện là hết sức đáng ghi nhận. Tuy nhiên, những biện pháp nếu để tách rời nhau sẽ không đem lại được những hiệu quả như kỳ vọng, thậm chí gây tốn kém, lãng phí ngân sách.
Trao đổi với báo chí, TS Nguyễn Văn Khải - người từng có nhiều công trình nghiên cứu về công nghệ làm sạch nước, để cải thiện nguồn nước sông Tô Lịch, chúng ta có thể làm từ những việc nhỏ như kiểm soát nước thải từ đầu nguồn mỗi gia đình. Bên cạnh đó, người dân cần nâng cao ý thức hơn trong việc xả thải ra môi trường.