Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Từ làng ra phố] Chạy mưa vụ mùa...

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Với người phố, nếu bị những cơn mưa Thu bất chợt, người ta chỉ cần tạt vào mái hiên, bất đắc dĩ thì quàng tạm cái áo mưa giấy lên người là có thể an tâm di chuyển. Và với người TP, nhiều lúc cơn mưa lại nên duyên đôi lứa, nên thơ, nên nhạc. Và nổi tiếng nhất trong ca khúc về mưa Thu đó là “Giọt mưa Thu” của nhạc sĩ Đặng Thế Phong…

Nhưng với người nông thôn, mưa Thu thực sự là nỗi ám ảnh, bởi vì nó đem lại cho người ta cực nhọc trăm bề. Trời đang nắng mà thình lìnhđổ cơn mưa thì chưa biết chừng, mười phần thành quả lao động, phút chốc đã “bốc hơi” dăm ba. Lúa ngoài đồng chín chưa kịp gặt, mà trời đổ mưa liên tục trong vài ngày thì chỉ còn đám “mống”. Vì vậy vào vụ mùa, dù chưa chín kỹ, người nông dân vẫn phải thu hoạch bởi kinh nghiệm ngàn đời cho thấy: “Xanh nhà còn hơn già đồng”. Và dẫu có về đến nhà, nhưng chưa phơi khô, quạt sạch đóng bao, đổ bồ thì người ta vẫn chưa yên tâm…

Mà vào cuối năm, “sáng nắng - chiều mưa” là chuyện thường ngày; một khi đã đem thóc ra phơi, người ta chẳng dám đi đâu xa bởi đang nắng đấy, nhưng ào một cái cơn mưa trút xuống thì tất cả đều trở thành công cốc. Ở thời hiện tại, dự báo thời tiết có độ chính xác rất cao, nhưng dự báo cũng chỉ là… dự báo; nắng mưa vẫn là chuyện của trời…

Thôn quê ngoại thành Hà Nội tự ngàn xưa vẫn đất chật người đông, chẳng mấy nhà được rộng rãi; vậy nên mỗi năm 2 vụ, nhà nào cũng tranh thủ khoảng sân, đoạn ngõ, đường làng, cửa đình để phơi hong. Mùa tháng 5 thì muốn một cơn mưa hạ nhiệt là điều không dễ; nhưng ông trời lại “phú” cho tiết Thu “chì choạch” những cơn mưa bất thình lình… Vậy nên một khi đã đem thóc ra phơi, người nông dân phải “trông trời, trông đất trông mây”, mong sao được vài ngày nắng ráo!

Mấy hôm nay, ngoại ô mưa liên tục mà tiến độ gặt lúa mùa nhiều nơi xem ra vẫn chậm. Nhiều gia đình dẫu đã thu hoạch xong nhưng do trời cứ sụt sùi mưa nên hạt thóc, cọng rơm vẫn chưa được phơi phóng cho khô, cho nỏ. Vậy là điệp khúc chạy mưa diễn ra như cơm bữa. Mới trưa hôm qua thôi, vừa ngồi xuống mâm cơm, nhìn trời đất xầm xì, cô vợ tôi bỗng buông bát, nhoáng ngoàng chạy vào phụ với “bà mu sic” (mẹ vợ tôi) để… giải cứu mấy tạ thóc đang phơi phóng nơi cửa đình!

Tuy nhiên, sự vật cái gì cũng có… mặt phải của nó, việc chạy mưa, cứu thóc đôi khi tuy cực nhọc đôi chút, nhưng nhiều lúc nó lại là “chất keo”, hàn gắn, kết nối lại những rạn nứt nho nhỏ giữa vợ chồng, anh em, cha con, làng xóm… Ở quê, dẫu có tức nhau đến mấy, nhưng gặp lúc trời mưa, người ta cũng không nỡ nhìn thóc lúa - thứ ngọc thực trôi xuống cống. Chồng tức vợ, anh giận em, để làm lành đôi khi phải có thời gian, sự kiện. Nhưng nhìn sân thóc đang phơi, mà trời kéo mây đen tới, thôi thì cục tức dẫu chưa trôi, cũng phải “nén” xuống mà cùng nhau… giải cứu. Xong việc, uống với nhau chén trà, đàm đạo dăm ba câu chuyện về mùa màng, thời tiết, cái giận bỗng tự tiêu tan! Đến nay các địa phương ngoại thành đã thực hiện dồn điền, đổi thửa, nhưng do diện tích có hạn, nên mỗi hộ cũng chỉ đôi ba sào ruộng. Có lẽ đã đến lúc nông thôn ngoại thành “cởi cái áo” chật hẹp, cơ giới hóa toàn diện vào sản xuất lúa, máy gặt, máy sấy phải thay người; để không còn cảnh phải chạy mưa giải cứu hạt thóc mỗi mùa mưa...