Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới
Logo
Đăng ký ấn phẩm|Đăng nhập

[Từ làng ra phố] Đất Hà thành, đến cỏ cây cũng nên nhạc - nên thơ!

Kinhtedothi - Với những loài như hoa đào, hoa sữa, bàng, sấu… ở xứ Bắc, gần như không thành phố nào thiếu. Ấy thế nhưng ở Hà Nội, hình như “vị trí” của chúng trong muôn loài cây lá đã được nâng tầm!
Đông về, nhìn những cây bàng trơ trụi, nép mình bên góc phố, hay mùi hương dịu nhẹ của hoa sữa vào cuối Thu, chắc chắn sẽ gợi lên rất nhiều những kỷ niệm, suy tư cho những người con xa Hà Nội. Điều khó lý giải là, nếu hương sữa thoang thoảng trời Thu Hà Nội, gợi lại cho người ta tình yêu và những gì quá vãng - thì cũng thứ ấy (nếu ở vùng đất khác), lại đem đến cho dân sinh sự khó chịu, khiến nhiều người muốn chối bỏ?!!! Thật là kỳ lạ, cây cỏ đất Hà thành, hình như cũng mang hồn cốt con người nơi đây? Nói như vậy không có ý... thiên vị, do chúng tôi (những cư dân tỉnh lẻ), "ăn lộc" đất Hà thành. Đất Hải Phòng, hoa phượng đỏ từ lâu đã là biểu tượng. Với Sài Gòn - TP Hồ Chí Minh, "Thành phố 10 mùa hoa", cũng là ca khúc từng "hót" một thời. Tuy vậy cái "10 mùa hoa" lại ẩn dụ một ý khác, chứ tuyệt nhiên trong ca khúc trên, chẳng hề nhắc đến loài hoa, loài cây nào. Đà Lạt, vùng đất ngàn hoa, thì cũng chỉ vài loài được nhắc đến trong thơ trong nhạc như "Ai lên xứ hoa đào", "Mimoza từ đâu em tới"... Và đất Thăng Long, từ ngàn đời nay đã là trái tim của cả nước, thì đâu phải chỉ những người con xa quê, những người một thời gắn bó với Thủ đô mới khắc khoải nhớ mong mỗi khi xa Hà Nội. Sinh thời, nhạc sĩ Trần Quang Lộc - tác giả ca khúc "Có phải em mùa Thu Hà Nội" (lời thơ Tô Như Châu) cũng thừa nhận, khi sáng tác bài hát này (năm 1972), ông chưa từng ghé thăm Thủ đô, bởi khi ấy đất nước còn chia cắt. Ấy vậy mà khi những ca từ như: "Tháng Tám mùa Thu lá khởi vàng chưa nhỉ. Ngày sang Thu anh lót lá em nằm...", đã lại thể hiện cảm xúc da diết, nhớ thương như người xa quê lâu ngày.
Mùa Thu, lá vàng - đấy là quy luật tự nhiên, thế nhưng những thảm lá sấu vàng trên đường Phan Đình Phùng chắc chắn tạo nên sự khác biệt. Chả thế mà cứ mỗi độ Hè qua, Thu tới, khi sắc vàng nhuộm sẫm con phố Phan Đình Phùng, có những người phải bỏ cả công việc ở Sài Gòn (và xa hơn nữa), chỉ để quay về con phố thân yêu chụp vài kiểu ảnh... Chỉ điều này thôi, chắc cũng khiến cho sấu và những thứ cây trút lá vào mùa Thu trên mọi miền đất nước phải chạnh lòng! "Tháng Giêng hoa đào bừng nở - Đón xuân khoe sắc hồng tươi", thông qua ca khúc "Hà Nội 12 mùa hoa", Nhạc sĩ Giáng Son đã vẽ lên bức tranh tiêu biểu về cỏ cây đất Bắc và biểu thị một tình cảm dạt dào cho Hà Nội. Mà đâu chỉ Giáng Son, bằng ý thơ, câu hát nhiều nghệ sỹ khác cũng đã gửi gắm tình cảm của mình dành cho Thủ đô qua hình tượng hoa cỏ. "Ta còn em cây bàng mồ côi mùa Đông/ Ta còn em nóc phố mồ côi mùa Đông" (Em ơi Hà Nội phố - Phú Quang), "Hoa sữa vẫn ngọt ngào đầu phố đêm đêm" (Hoa Sữa - Hồng Đăng)... khi những câu ấy hát ngân lên, có lẽ những bàng, cùng sữa ở các vùng quê khác, cũng phải "ghen tị" với đồng loại đất Hà thành. "Từ thuở mang gươm đi mở cõi/Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long", câu thơ của Huỳnh Văn Nghệ là tiếng lòng của mọi người con đất Việt dành cho Thủ đô yêu dấu. Người đã vậy, cỏ cây đất Hà thành "có nên thơ, nên nhạc" cũng đúng thôi!
Đọc nhiều
HỎI ĐÁP THÔNG MINH

CẢM NHẬN CỦA BẠN VỀ BÀI VIẾT NÀY

  • Rất hay
  • Thích
  • Giải trí
  • Cần cải thiện

BÌNH LUẬN (0)

Đừng bỏ lỡ
Báo chí góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Báo chí góp phần xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

24 Mar, 06:55 PM

Kinhtedothi - Chiều 24/3, Ban Tuyên giáo và Dân vận Thành ủy Hà Nội, Hội Nhà báo TP Hà Nội và Báo Tuổi trẻ Thủ đô phối hợp tổ chức Hội nghị tọa đàm "Báo chí, truyền thông tham gia xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh".

Đôi chuyện Tết xưa

Đôi chuyện Tết xưa

31 Jan, 05:43 AM

Kinhtedothi - Ít năm nay, khi so sánh Tết xưa, Tết nay, người ta hay nói đến những thay đổi trong cái ăn, cái mặc. Thường là nhớ lại những khó khăn, thiếu thốn, những cái Tết thời bao cấp để mà thêm trân trọng những gì có được hôm nay.

Độc đáo cách thu phục lòng dân ở xã vùng cao

Độc đáo cách thu phục lòng dân ở xã vùng cao

30 Jan, 12:26 AM

Kinhtedothi - Chuyện ăn Tết tuy không còn rình rang như những năm cũ, nhưng vẫn vui vì sự giản tiện, bình yên trên quê nhà. Người dân Phú Mãn, Hà Nội, chấp hành đúng các quy định của pháp luật, ăn Tết không tiếng pháo, không uống rượu bia khi tham gia giao thông

Phát huy sức mạnh âm nhạc trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

Phát huy sức mạnh âm nhạc trong xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh

29 Dec, 03:26 PM

Kinhtedothi - Âm nhạc luôn gắn liền với đời sống và tâm hồn người dân Thủ đô, góp phần tạo nên văn hóa đặc sắc của Hà Nội. Để xây dựng chuẩn mực người Hà Nội thanh lịch, văn minh, cần bảo tồn, phát huy giá trị âm nhạc truyền thống, đồng thời khuyến khích những sáng tạo mới.

Tin mới
VIDEO
Tin Tài Trợ