Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

[Từ làng ra phố] Vất vả cỗ quê

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là dòng họ lớn nhất nhì làng, cứ tầm ngoài mồng 10 tháng 7 âm lịch là bà Nhưng đã phải tính toán cỗ bàn cho ngày rằm, đồng thời cũng là ngày giỗ họ. Đây là dịp anh em con cháu về thắp hương cho gia tiên, gặp gỡ nhau, năm ít cũng phải dăm mâm, năm nhiều thời phải… bắc rạp.

Bởi anh em ruột, đồng tông, thúc bá, con cháu họ Nguyễn Đăng nhà chồng bà Nhưng gần như đông nhất làng, nhưng đa phần trong số họ đều sinh sống ở nội đô, rằm tháng 7 năm nào cũng là dịp hội tụ, bởi nhiều gia đình có quê mà không có nhà đất.

Cái ăn ngày nay không còn phải nghĩ, gà vịt ngan ngỗng, rau quả - vườn nhà không thiếu. Tiền cỗ bàn đã có quỹ họ, gia đình bà Nhưng không phải chi, kể cả đồng mắm muối, vì thành viên trong họ Nguyễn Đăng đều khá giả. Nhưng khổ nhất là việc nấu nướng, cỗ bàn… Theo lệ, cứ 5 giờ sáng ngày rằm tháng 7, bà Nhưng đã phải dậy mổ gà, đồ xôi, nhặt rau… 6 giờ sáng, đã phải thúc ông chồng và mấy đứa con dậy dọn dẹp nhà, mở cửa từ đường. Trà lá, ấm chén, bàn ghế phông bạt đã phải lo dựng từ chiều hôm trước.

Khi mặt trời quá nửa con sào, thành viên trong họ Nguyễn Đăng đã lục tục người trước kẻ sau từ nội đô kéo về… Hoa quả, hương vàng, hàng mã các loại họ mang “ngập” bàn thờ. Sau khi dâng lễ cúng bái, tàn hương là đến màn đánh chén. Mâm trên, chiếu dưới, rượu thịt tràn lan, tuy nhiên xào, rán (nóng mới ngon), nên phải làm sau cùng; lúc này hai tay bà Nhưng “đảo như rang lạc”. Chỗ nào thiếu quả ớt, miếng chanh, bát nước mắm, người ta đều réo đến bà…

Xong bữa, là màn chia lộc, hoa quả, oản xôi từ bàn thờ đem xuống phải chia đều mỗi nhà một túi, cấm được “nhất bên trọng - nhất bên khinh”. Anh em con cháu xa gần, sau khi “no xôi chán chè”, lần lượt rút hết. Thứ để lại cho bà Nhưng là ngổn ngang bát đĩa, ấm chén, xoong nồi… Thế là dù đã phải lọ mọ dậy từ tinh mơ, nhưng thân “gái già” (nói theo lối của bà Nhưng), vẫn không được nghỉ ngơi mà phải ‘thu dọn chiến trường” sạch sẽ…

Năm nay vướng dịch Covid, anh em họ Nguyễn Đăng không về quê cúng tổ tiên ngày rằm tháng 7. Vốn là dâu trưởng của dòng họ và được tiếng là người hiếu đễ, bà Nhưng vẫn làm mâm cơm cúng như thường lệ, với đủ hương đăng, hoa quả, vàng mã… Thắp hương chưa xong, ông bà lại phải bật điện thoại ở chế độ “truyền hình trực tiếp” để họ hàng, anh em lễ gia tiên… trực tuyến.

Sau bữa cơm, bà Nhưng nói: “Năm nay… may có con Covid nên tao nhàn. Sang năm cũng suýt soát 70, việc giỗ họ mẹ giao cho chị Lan dâu trưởng”. Nghe mẹ chồng phán vậy, nét “thảng thốt” bỗng vụt thoáng trên khuôn mặt đang rất vui của Lan. Và cô biết rằng đây là nhiệm vụ cao cả, mẹ chồng đã giao thì không có quyền từ chối…

Ở nông thôn, dòng họ nào mà anh em chỉ loanh quanh trong làng, ngoài xóm, mỗi khi đến này giỗ tổ, mỗi người một tay còn đỡ. Nhà nào họ mạc làm ăn xa (dẫu vẫn là con em trong họ) nhưng phần nhiều ai cũng coi mình là “khách”. Vậy nên chẳng mấy kẻ “mặn mà” với việc nấu ăn, rửa bát, quét nhà. Nên chăng, khi về quê ăn cỗ, ngoài nghĩa vụ đóng góp tiền bạc, những ai là người phố cũng nên chia sẻ với những người ở quê việc bếp núc? Tránh tâm lý cứ bỏ tiền ra là xong, bởi việc giỗ chạp cho tổ tiên không giống như chuyện chúng ta vác xác ra nhà hàng!