KTĐT - Một số em chơi trò vợ chồng, ríu rít nói những câu yêu thương kiểu như: “Anh yêu ơi, lại đây ngồi với em!” Rồi hôn má, rồi nắm tay, rồi rủ rỉ tâm tình. Đúng là một xã hội thu nhỏ trong một lớp học của các bé lên 5” – cô Hà kể.
“Tôi vừa giận, vừa thương khi thấy con gái thổ lộ tình yêu đơn phương với bạn lớp trưởng. Sao mới 5 tuổi mà con tôi lại gặp phải nỗi buồn này sớm thế?”.
Có không ít phụ huynh có con tầm 3 đến 5 tuổi “choáng” khi thấy con đang có những “biểu hiện lạ” so với tuổi thơ của mình.
Mẹ ơi, con muốn lấy vợ!
Nhiều năm làm giáo viên mầm non, cô giáo Chử Thị Thanh Hà, chủ nhiệm lớp D4 Trường Mầm non thực hành Linh Đàm đã chứng kiến nhiều “băng ghi âm” của bố mẹ. Nhưng những năm gần đây, các “bản sao” đó càng ngày càng rõ rệt và thậm chí là phát triển hơn.
Cô Hà cho biết: “Có phụ huynh đến tận lớp hỏi tôi về bạn này bạn kia. Vì con trai của chị ấy nhất quyết đòi chị ấy xây thêm phòng để cưới bạn ý về ở cùng. Hay cũng có những bạn thích nhau từ năm lên 3, đến khi ra trường vẫn còn quyến luyến lắm chứ không như nhiều bạn, sau 1 tuần, 2 tuần đã có thể quên hoặc thích sang bạn khác”.
Trong lớp học, nhiều cuộc trò chuyện, nhiều cú điện thoại bắt chước bố mẹ của các em khiến cô giáo cũng phải phì cười. Có em cầm điện thoại gọi: “Alô, anh à. Anh đang ở đâu, làm gì đấy? Em không thích thế đâu nhé. Anh về ngay đi!”. Có em thì: “Hôm nay em mệt quá. Anh về sớm nấu ăn cho em đi nhé. Tiện thể mua cho em cái cặp tóc!”.
“Các bạn gái còn sắm nắm đưa đến lớp sơn móng chân, son lipice rồi rủ các bạn nữ tụ tập lại tô son, đánh móng. Bạn gái nào không có thì lấy đồ chơi giả làm son, và cũng trang điểm cho nhau. Một số em chơi trò vợ chồng, ríu rít nói những câu yêu thương kiểu như: “Anh yêu ơi, lại đây ngồi với em!” Rồi hôn má, rồi nắm tay, rồi rủ rỉ tâm tình. Đúng là một xã hội thu nhỏ trong một lớp học của các bé lên 5” – cô Hà kể.
Chưa kể có những em học theo người lớn, nói những “động từ mạnh”, những cử chỉ mạnh như “ghìm đầu”, nhổ nước bọt…
Đến tình yêu tuổi lên 5
Cũng không ít các bà mẹ có con độ tuổi lên 5 “choáng” vì con cái thể hiện tình yêu với bạn khác giới một cách hồn nhiên và bài bản.
Chị Thu Huệ (Linh Đàm, Hà Nội) có con gái đầu lòng khá xinh xắn. Chỉ mới vào năm học được vài tuần, chị đã nghe con gái thủ thỉ: “Mẹ đến lớp chọn người yêu cho con đi… Nhưng con thích bạn Quốc Anh… Buồn cười quá mẹ ạ, hôm qua, lúc con chuẩn bị về, bạn Quốc Anh liền chạy theo con và bảo: “Tớ yêu cậu lắm!” .Bạn Quốc Anh là tổ trưởng của con đấy!"
Chị Tú Linh (Lò Đúc) thì lại sớm phải “tiêu tốn” tiền vào những món quà như cặp tóc, dây nơ, kẹo xanh đỏ tím vàng để cậu con trai vốn chỉ thích siêu nhân, xe tăng, xe pháo tặng cho bạn gái mà mình thích, mặc dù cậu bé còn đang học mẫu giáo lớn. Khi chị đến lớp tìm hiểu thì được cô giáo cho biết, cô bé Thu Minh mà con chị thích cũng được rất nhiều bạn trai khác trong lớp quý, vì cô bé hát hay, học giỏi, múa dẻo và xinh xắn.
Chị Linh cho biết: “Chỉ một lần đi dã ngoại, cô bé để cho con mình nắm tay mà về nhà, cu Lép cứ gọi là tươi roi rói cả tuần liền. Nhưng hình như Thu Minh không thích con mình thì phải. Cậu bé vốn hay tè dầm trong lớp. Thế nhưng, lần nào đi siêu thị với mẹ, cậu cũng chỉ chăm chăm tìm quà cho cô bé kia. Thể nào sau này cũng lấy vợ sớm mất thôi”.
Cũng sớm “vất vả” vì cậu con trai “đa tình”, chị Thu Hạnh (Hà Nội) suốt ngày phải đáp ứng các yêu cầu khác nhau của con trai mình. “Đầu năm, cậu ta thích cô lớp trưởng có mái tóc dài nên suốt ngày đòi mẹ mua dây buộc tóc. Giữa năm đã thấy thích cô bé cùng tổ nên suốt ngày đòi mình mua kẹo. Cuối năm lại chuyển sang thích một cô bé lớp bên cạnh, đòi mình mua sách tặng. Cứ đà này, chắc túi tiền của mình vơi đi vì cu cậu mất” - Chị Hạnh than thở.
Không những thế, chị Hạnh còn “choáng” khi thấy con kể, bạn gái “doạ” chia tay nếu con trai không đáp ứng yêu cầu của nàng: “Bạn ý bảo con, cậu không nghe lời tớ, tớ sẽ yêu bạn Tít đấy”.
Và vì thế không ít bà mẹ đã phải giật mình, thậm chí là quát tháo khi con cái bắt đầu nói về “tình yêu”, trong khi ở nhà, các quý tử này cơm còn chưa biết tự xúc ăn, áo còn chưa tự mặc, dây giày còn chưa biết buộc…
Bố mẹ không nên trầm trọng hoá vấn đề
Xã hội thông tin phát triển, không gian sống và giao tiếp mở rộng giúp trẻ tiếp xúc nhiều và có sự so sánh; nhiều thức ăn bổ dưỡng và có chất tăng trưởng khiến trẻ lớn hơn so với tuổi, xã hội tiềm ẩn nhiều nguy cơ khiến bố mẹ chỉ dám cho con trẻ chơi quẩn quanh trong nhà với các trò điện tử; trẻ phải học sớm và nhiều ngay từ bé… là những nguyên nhân góp phần giúp trẻ phát triển sớm và nhanh cả về thể xác lẫn tâm lý, đó là ý kiến của ThS. Vũ Thu Hương, khoa Tiểu học Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.
ThS. Hương so sánh, trẻ bây giờ dám làm nhiều việc phù hợp với sự lớn lên về thể xác hơn là độ tuổi.
Ví dụ như trẻ có thể đi xe máy khi tuổi còn rất ít, nhưng trẻ dám đi vì lúc đó cháu đã có thể cao 1m6, 1m7.
Điều này cũng có thể dẫn tới trẻ có thể tò mò và quan tâm tới những việc khác ngoài xã hội mà cháu có thể chứng kiến như đi vào công viên thì gặp nam nữ yêu nhau, xem tivi thì có cảnh yêu nhau mùi mẫn, lên mạng cũng có nhiều tình huống mát mẻ…
Nhận định về “tình yêu tuổi lên 5”, PGS.TS. Văn Thị Kim Cúc, Giám đốc Trung tâm tâm lý và giáo dục Ngàn Phố khẳng định, việc nảy sinh tình cảm khác giới ở độ tuổi 3 đến 5 là hoàn toàn bình thường, trong sáng và các bậc phụ huynh không nên trầm trọng hoá vấn đề.
Bà Cúc cho biết: “Trong độ tuổi từ 3 đến 5, trẻ rất tò mò về giới tính, tìm hiểu vì sao con gái tóc dài con trai tóc ngắn, con trai con gái đi tè bằng gì…, đó là điều rất bình thường. Cũng là bình thường nếu con gái trong độ tuổi từ 3 đến 5 nói: “Lớn lên con lấy bố làm chồng, hoặc con trai thì bảo lớn lên con lấy mẹ làm vợ. Nhưng trẻ nói xong là quên”.
Theo bà Cúc, người lớn đang vô tình làm trầm trọng hoá vấn đề. Có những phụ huynh doạ con, bảo con làm thế là nguy hiểm, là người khác sẽ cười con, thậm chí là xót con nếu tình cảm của con mình là đơn phương. Tuy nhiên, nếu nhìn nhận dưới góc độ con trẻ, rằng đó chỉ là hành vi bình thường, không quá quan tâm thì tình cảm đó sẽ nhanh chóng được trẻ bỏ qua, vì còn nhiều trò chơi, hoạt động khác thú vị hơn.
"Phanh trẻ từ từ"
Các bậc cha mẹ cũng không nên hoảng hốt và phản đối theo cách của người lớn.
Trước sự quan tâm thái quá của trẻ, mình phải phanh trẻ từ từ bằng cách tạo cho trẻ nhiều hoạt động hứng thú như thể dục, thể thao, nghệ thuật,...
Những hoạt động có hứng thú sẽ thu hút trẻ, giúp trẻ đầu tư các năng lượng vốn rất dồi dào ở lứa tuổi này vào những việc bổ ích, lý thú.
Điều này không những làm cân bằng cuộc sống tinh thần mà còn là các yếu tố rất cơ bản giúp trẻ phát triển trí tuệ.
Trong trường hợp đầu óc trẻ luôn chú ý tới những chuyện liên quan đến giới tính như đã nói ở trên, bố mẹ nên coi lại xem liệu mình đã thật sự gần gũi, chia sẻ với trẻ? Đã tạo cho trẻ những hoạt động, trò chơi phù hợp với lứa tuổi hay chưa?
Và vấn đề quan trọng đặt ra là bố mẹ, các thầy cô giáo biết khơi dậy các tiềm năng tích cực - vốn rất phong phú của con trẻ.
Làm được như vậy, bố mẹ sẽ đạt cùng lúc hai mục đích cơ bản: trẻ say mê tìm tòi, thích học hỏi, ưa khám phá những điều hay ho, thú vị trong thế giới quanh mình và tránh được những sự đầu tư mang tính bản năng, nguyên thuỷ" - PGS.TS Văn Thị Kim Cúc