Từ năm 2023 thí sinh chỉ được thi đánh giá năng lực tối đa 2 lượt/năm?

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để tiết kiệm chi phí và đảm bảo tất cả thí sinh có nhu cầu đều được tham gia dự thi đánh giá năng lực, Trung tâm khảo thí- ĐH Quốc gia Hà Nội (ĐHQGHN) đề xuất mỗi thí sinh chỉ được thi tối đa 2 lượt/năm.

Quy chế gồm 9 chương và 46 điều quy định về thi đánh giá năng lực (ĐGNL) học sinh THPT bao gồm: Quy định chung; kỳ thi và đăng ký dự thi; chuẩn bị thi; đề thi; coi thi; truyền thông về kỳ thi, chế độ báo cáo, lưu trữ hồ sơ kỳ thi; tài chính của kỳ thi; thanh tra, khen thưởng, xử lý vi phạm quy chế thi; khai thác kết quả kỳ thi; tổ chức thực hiện và điều khoản thi hành. Quy chế áp dụng đối với các đơn vị thuộc ĐHQGHN và các tổ chức, cá nhân liên quan đến thi ĐGNL ở ĐHQGHN.

Sinh viên DDHQGHN (Ảnh: FB VNU)
Sinh viên ĐHQGHN trong một giờ học (Ảnh: FB VNU)

Theo Quy chế, Kỳ thi ĐGNL học sinh THPT được tổ chức với các mục đích đánh giá năng lực học sinh THPT theo chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; Định hướng nghề nghiệp cho người học trên nền tảng năng lực cá nhân; Cung cấp thông tin, dữ liệu cho các cơ sở giáo dục đại học, giáo dục nghề nghiệp tham khảo, sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh đại học, đào tạo nghề.

Dạng thức bài thi ĐGNL học sinh THPT do Giám đốc ĐHQGHN phê duyệt; trên cơ sở đó, Giám đốc Trung tâm khảo thí (TTKT) ban hành nội dung thi trong chương trình THPT và các thông tin chi tiết của bài thi. Đề cương đề thi (bao gồm cấu trúc và dạng thức đề thi, phạm vi và tiêu chí đánh giá) phải được công bố cho thí sinh ít nhất 30 ngày trước khi thi.

Thí sinh thực hiện bài thi trực tiếp trên máy tính. Bài thi chính thức có thể xuất hiện câu hỏi thử nghiệm không tính điểm thi với số lượng không vượt quá 4% tổng số câu hỏi của bài thi chính thức. TTKT không tổ chức phúc khảo bài thi.

Đối tượng dự thi ĐGNL của ĐHQGHN là học sinh đang học lớp 12 bậc THPT hoặc tương đương; Người đã tốt nghiệp THPT (hoặc tương đương trở lên) trong thời gian 3 năm tính đến năm dự thi. Với trường hợp khác có nguyện vọng dự thi có thể liên hệ Hội đồng thi xem xét quyết định.

Kế hoạch thi được TTKT công bố trước tháng 3 hàng năm. Thí sinh đăng ký dự thi trực tuyến. Tài khoản đăng ký dự thi của thí sinh được duy trì 24 tháng kể từ thời điểm thí sinh hoàn thành thủ tục đăng ký dự thi. 

Về xử lý thí sinh vi phạm, Quy chế quy định: Mọi vi phạm quy chế thi đều bị lập biên bản, xử lý kỷ luật và thông báo cho thí sinh và đưa ra các mức xử lý là: Khiển trách, cảnh cáo, đình chỉ thi. Thí sinh bị khiển trách trong khi thi sẽ bị trừ 25% tổng số điểm; Thí sinh bị cảnh cáo sẽ bị trừ 50% tổng số điểm; Thí sinh bị đình chỉ sẽ bị điểm 0.

TTKT sẽ hủy bỏ kết quả thi đối với những thí sinh sau kỳ thi nếu bị phát hiện đã gian lận trong đăng ký dự thi hoặc làm bài thi; hủy bỏ toàn bộ đăng ký dự thi, kết quả điểm bài thi ĐGNL trong năm của thí bị đình chỉ thi; dừng phục vụ tất cả các đợt thi ĐGNL còn lại trong năm (nếu có) đối với thí sinh bị đình chỉ thi.

Theo GS.TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí- ĐHQGHN thì từ năm tới, trung tâm sẽ đề xuất kiểm soát thí sinh thi tối đa 2 lượt/năm. Việc hạn chế số lượt thi của thí sinh giúp giảm chi phí cho gia đình và đảm bảo nhiều thí sinh có nguyện vọng được tham gia dự thi hơn.

"Thống kê năm trước có 1/4 thí sinh đăng ký thi từ 2 lượt trở lên (trong đó có khoảng 7.000 thí sinh thi 3 lượt) và có tới 92% thí sinh có điểm thi giữa các lượt không thay đổi"- GS.TS Nguyễn Tiến Thảo cho biết.

Ban đọc xem Quy chế thi đánh giá năng lực học sinh THPT ở ĐH Quốc gia Hà Nội TẠI ĐÂY