70 năm giải phóng Thủ đô

Từ nay đến cuối năm 2021: Giá điện giảm, giá phân bón tăng

Ánh Ngọc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Bộ Công Thương đang khẩn trương triển khai phương án giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 với số tiền ước tính khoảng 1.300 tỷ đồng nhằm hỗ trợ hoạt động sản xuất - thương mại và đời sống nhân dân do tác động của dịch Covid-19. Đồng thời, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường.

Đây là hai nội dung quan trọng được Bộ Công Thương thông tin tại buổi họp báo thường kỳ do Bộ này tổ chức chiều 17/6.

Giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng

Theo ông Trần Tuệ Quang, Phó Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), trên cơ sở phân tích đánh giá lựa chọn các đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, xem xét khả năng cân đối tài chính của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) nhằm đảm bảo việc giảm giá điện, giảm tiền điện không tạo ra áp lực tăng giá điện trong thời gian tới, Bộ Công Thương đã phối hợp với các Bộ ngành báo cáo Chính phủ phương án giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3. Ước tính, số tiền điện hỗ trợ trong đợt 3 khoảng 1.300 tỷ đồng.

Sau khi được Chính phủ xem xét thông qua tại Nghị quyết số 55/NQ-CP ngày 2/6, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản hướng dẫn EVN, các Tổng công ty Điện lực và các Sở Công Thương các tỉnh, TP để thực hiện ngay việc hỗ trợ việc giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 trong 7 tháng (kể từ kỳ hóa đơn tiền điện tháng 6/2021 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 12/2021). Cụ thể, giảm giá điện cho các cơ sở lưu trú du lịch theo qui định tại Luật Du lịch từ mức giá bán lẻ điện áp dụng cho kinh doanh xuống bằng mức giá bán lẻ điện áp dụng cho các ngành sản xuất quy định tại Quyết định số 648/QĐ-BCT ngày 20/3/2019 của Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định về điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân.

Ngoài ra, giảm 100% tiền điện cho các cơ sở đang thực hiện làm nơi cách ly, khám bệnh tập trung bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19 không thu phí và giảm 20% tiền điện cho các cơ sở y tế đang được dùng để khám, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân nghi nhiễm, đã nhiễm Covid-19.

 Ước tính số tiền hỗ trợ giảm giá điện, giảm tiền điện đợt 3 (từ tháng 6/2021 đến hết tháng 12/2021) khoảng 1.300 tỷ đồng.

Trước đó, trong năm 2020, để tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân do tác động của dịch Covid-19, sau khi đề xuất và được Chính phủ chấp thuận, Bộ Công Thương đã hướng dẫn EVN giảm giá điện, giảm tiền điện trong 2 đợt, với số tiền gần 12.300 tỷ đồng.

Liên quan đến việc cung ứng điện, ông Trần Tuệ Quang ước tính, trong 6 tháng cuối năm, tổng sản lượng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống dự kiến đạt 135,515 tỷ kWh, tăng 6,33% so với cùng kỳ năm 2020. Lũy kế cả năm 2021, tổng điện năng sản xuất và nhập khẩu toàn hệ thống điện đạt 265,497 tỷ kWh, tăng 7,44% so với cùng kỳ năm 2020 và cao hơn 1,18% so với kế hoạch dự kiến.

“Với khả năng cung ứng nêu trên, hệ thống điện quốc gia về cơ bản được đảm bảo và không phải thực hiện tiết giảm điện nếu không có các diễn biến quá bất thường" – ông Trần Tuệ Quang khẳng định.

Giá phân bón tiếp tục đà tăng đến cuối năm

Nhận định về giá phân bón trong thời gian tới, Phó Cục trưởng Cục Hóa chất (Bộ Công Thương) Lưu Hoàng Ngọc cho biết, phân bón đang bước vào chu kỳ tăng và dự báo từ nay đến hết năm, giá phân bón sẽ tiếp tục giữ ở mức cao.

Chỉ ra nguyên nhân chủ yếu khiến giá phân bón tăng, ông Lưu Hoàng Ngọc cho rằng, hiện giá cước vận chuyển container đã tăng 5 lần so với năm trước. Trong khi đó, phân bón DAP, MAP và Ure hầu hết được vận chuyển bằng container. Thêm vào đó, nguồn cung phân bón trong khu vực Đông Nam Á sụt giảm do nhiều nhà máy bước vào giai đoạn bảo dưỡng, sửa chữa. Giá phân bón trong nước có sự liên thông với giá phân bón thế giới, các chi phí về nguyên liệu sản xuất, nên khi giá nguyên nhiêu liệu sản xuất phân bón thế giới tăng, giá phân bón trong nước cũng tăng theo.

 Bộ Công Thương dự báo giá phân bón sẽ tiếp tục leo cao từ nay đến cuối năm.

Theo Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) Lê Triệu Dũng, hiện tượng tăng giá phân bón diễn ra mạnh chủ yếu bắt đầu từ đầu năm 2021. Nguyên nhân tăng giá chủ yếu do các yếu tố như: Nguyên liệu sản xuất phân DAP và MAP là lưu huỳnh tăng 2 lần, giá amoniac tăng khoảng 30%, giá vận chuyển tăng 5 lần. Tuy nhiên, trong quá trình phối hợp với Bộ NN&PTNT để đánh giá tình hình cung - cầu, Bộ Công Thương nhận thấy, lượng phân bón thời gian qua hoàn toàn đủ năng lực cung ứng nhu cầu trong nước.

“Với phân bón DAP, MAP, từ khi có sản xuất trong nước làm đối trọng với hàng nhập khẩu thì mức tăng của DAP, MAP sản xuất trong nước thấp hơn so với mức tăng của hàng nhập khẩu (8-10 triệu đồng/tấn so với 14-15 triệu đồng/tấn). Đây là giải pháp, yếu tố kìm hãm sự tăng giá các mặt hàng phân bón nói chung” – ông Lê Triệu Dũng phân tích.

Trước đó, từ năm 2017, Bộ Công Thương đã có các biện pháp áp thuế tự vệ với phân bón DAP và MAP nhập khẩu để bảo vệ sản xuất trong nước. Thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với Bộ NN&PTNT để theo dõi diễn biến thị trường phân bón và có các giải pháp kiểm soát, bình ổn thị trường cho phù hợp.

Việc thực hiện giảm giá điện, giảm tiền điện góp phần phục hồi kinh tế và hỗ trợ trực tiếp cho các khách hàng sử dụng điện trên cả nước, đặc biệt là các hộ thu nhập thấp, các cơ sở lưu trú du lịch, các DN hoạt động logistics. Đây cũng là động thái thể hiện sự chia sẻ, đồng cảm của Chính phủ và các Bộ, ngành đối với người dân, DN khi bị khó khăn bủa vây vì đại dịch như hiện nay.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải