Từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai: 43 người nhiễm COVID-19, riêng Hà Nội 36 người

Công Thọ - Thủy Tiên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tính đến 12h00 ngày 3/4/2020, từ ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai có 43 trường hợp nhiễm COVID-19, trong số đó có 36 trường hợp của Hà Nội.

Ngày 3/4, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến dưới sự chủ trì của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, Trưởng Ban chỉ đạo. Cùng dự có Phó Chủ tịch UBND thành phố  Nguyễn Doãn Toản – Phó Trưởng Ban chỉ đạo.
43 bệnh nhân COVID-19 liên quan ổ dịch Bệnh viện Bạch Mai
Tại phiên họp, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội Nguyễn Khắc Hiền báo cáo cho hay, theo thông báo của Bộ Y tế, tính đến 12h00 ngày 03/4/2020, tại Việt Nam có 233 người bị nhiễm COVID-19 tại 26 tỉnh/thành phố (có 43 trường hợp có liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai, trong đó có 36 trường hợp của Hà Nội), một số tỉnh thành có số mắc cao: Hà Nội (95); TP. Hồ Chí Minh (51); Vĩnh Phúc (15); Bình Thuận (09).
  Ban Chỉ đạo phòng chống dịch bệnh COVID-19 của TP Hà Nội giao ban trực tuyến 
Đến nay đã có 85 trường hợp đã được điều trị khỏi bệnh và xuất viện, 148 trường hợp đang được cách ly theo dõi chặt chẽ tại bệnh viện.
Tại Hà Nội, đến 12h00 ngày 03/4/2020 ghi nhận tổng cộng 95 trường hợp có xét nghiệm dương tính, trong đó, 36 trường hợp phát hiện do xét nghiệm sàng lọc người đi về từ vùng dịch tại sân bay hoặc các điểm cách ly tập trung chưa về địa phương; 59 trường hợp phát hiện tại cộng đồng, trong đó có 36 trường hợp liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai (19 người là nhân viên công ty Trường Sinh, 03 người là nhân viên công ty Hoàn Mỹ, làm vệ sinh công nghiệp).
Giám đốc Sở Y tế Hà Nội thông tin, qua điều tra xác minh những trường hơp liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai cho thấy, tính đến thời điểm 15h00 ngay 02/4/2020 các đơn vị đã rà soát được 22.591 người tại cộng đồng, đã lấy xét nghiệm được 4.711 người, kết quả 1.871 trường hợp âm tính, 04 trường hợp dương tính, còn lại đang chờ kết quả.
Thành phố đã tổ chức vận chuyển và cách ly tại cơ sở cách ly tập trung của Thành phố đối với 631 trường hợp là người nhà của bệnh nhân tại Bệnh viện Bạch Mai, đã lấy mẫu xét nghiệm được 631 trường hợp, trong đó có 1 trường hợp dương tính, các trường hợp còn lại âm tính.
Thành phố tổ chức xét nghiệm sàng lọc bằng kỹ thuật test nhanh (sử dụng bộ kit của Hàn Quốc do Bộ Y tế cung cấp), từ ngày 31/03/2020 với những người có đi đến/đi về từ BV Bạch Mai trong khoảng thời gian từ ngày 10/3 trở lại đây mà chưa được lấy mẫu xét nghiệm.
Tính đến 12h ngày 03/4/2020, tổng số mẫu test nhanh thực hiện là: 5.222 mẫu; trong đó có 33 trường hợp có kết quả dương tính (còn lại đều âm tính). 33 trường hợp dương tính được lấy mẫu bệnh phẩm ngoáy họng để xét nghiệm khẳng định bằng kỹ thuật RT-PCR (trong đó có 26 trường hợp đã có kết quả loại trừ, còn lại 07 trường hợp đang đợi kết quả).
Tiếp tục tổ chức việc xét nghiệm nhanh tại cộng đồng
Hiện nay dịch bệnh COVID-19 đang có diễn biến phức tạp hơn với việc xuất hiện ổ dịch có quy mô phức tạp như tại bệnh viện Bạch Mai; các trường hợp mắc bệnh đã có quá trình đi lại, làm việc tại nhiều nơi vì vậy trong những ngày tới dịch bệnh có thể sẽ diễn biến phức tạp hơn và tiếp tục có chiều hướng gia tăng.
Một trong những giải pháp quan trọng trong công tác phòng chống dịch bệnh COVID-19 là tăng cường công tác xét nghiệm phát hiện sớm người nhiễm bệnh để tổ chức bao vây khoanh vùng xử lý triệt để tại cộng đồng cũng như cách ly cấp cứu điều trị người bệnh kịp thời. Tuy nhiên, hiện nay nguôn cung sinh phẩm làm RCR và test nhanh chưa đáp ứng kịp thời nên khó khăn cho việc triên khai thực hiện trên diện rộng.
Thời gian tới, Thành phố tiếp tục kiểm soát tốt tại cửa khẩu sân bay Nội Bài, kiểm soát thân nhiệt của người đến Hà Nội để kịp thời xử trí theo quy định.
Tiếp tục xử lý triệt để các vấn đề liên quan đến ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, trong đó tập trung rà soát cách ly và lấy mẫu xét nghiệm toàn bộ những người có liên quan đến ổ dịch này để xử lý theo quy định.
Tiếp tục tổ chức việc xét nghiệm nhanh tại cộng đồng để kịp thời phát hiện các trường hợp mắc bệnh. Tăng công suất xét nghiệm, mở rộng chỉ định xét nghiệm với phương châm xét nghiệm rộng rãi, xét nghiệm sớm để cách ly, tập trung xét nghiệm sàng lọc tại các khu cách ly tập trung để giảm mật độ người bị cách ly; xét nghiệm sàng lọc trong các cơ sở điều trị để phân loại, phân luồng bệnh nhân.
Tiếp tục tổ chức tốt công tác cách ly tại các cơ sở cách ly tập trung của Thành phố, các đơn vị được phân công phải triển khai thực hiện nghiêm túc theo đúng hướng dẫn của Bộ Y tế và chỉ đạo của UBND Thành phố.
Các bệnh viện sẵn sàng đáp ứng điều trị bệnh nhân mắc COVTD-19; thực hiện quy trình cách ly, điều trị bệnh nhân, quy trình kiểm soát nhiễm khuẩn tránh lây nhiễm giữa bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, người phục vụ trong bệnh viện và cán bộ y tế. Tăng cường công tác chăm sóc người bệnh toàn diện, hạn chế tối đa người nhà vào chăm sóc bệnh nhân, chỉ bố trí 1 người vào chăm sóc đối với bệnh nhân nặng không thể tự chăm sóc nhưng phải khai báo y tế; dừng việc thăm bệnh nhân tại các cơ sở y tế...

BV Bạch Mai tiếp tục nhận bệnh nhân nặng

Tại phiên họp, Phó Tư lệnh Bộ Tư lệnh Thủ đô cho biết, đang tổ chức cách ly tại 9 điểm với hơn 6.600 công dân, tổ chức cách ly tại 5 điểm dân sự là hơn 4.200 công dân, riêng tại khách sạn Mường Thanh đang cách ly 68 y, bác sĩ của BV Bạch Mai. Số còn thời hạn cách ly theo quy định là hơn 3.700 công dân. Dự kiến ngày 4/4, Bộ Tư lệnh sẽ đưa tổng số 639 công dân đã hết thời hạn cách ly về địa phương.

Đại diện Công an TP cho biết: Công an TP đã phối hợp với các Sở GTVT, Sở Y tế, thành lập 30 chốt tại các cửa ngõ vào Thủ đô để đảm bảo an toàn trật tự, hướng dẫn phân luồng giao thông, không để mất trật tự; kiểm soát giám sát việc chấp hành của người dân. Đồng thời, phối hợp với Sở Y tế tổ chức xét nghiệm nhanh COVID-19 tại các quận, huyện. Công an tại 30 quận, huyện thị xã đã thành lập các tổ cơ động hoạt động 24/24; Xử lý nghiêm các vi phạm về phòng chống dịch COVID-19. Công an TP đề xuất phối hợp với Sở Y tế để thành lập các trạm xét nghiệm nhanh tại các chốt ở cửa ngõ Thủ đô.

 GS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai 

Tham dự phiên họp, GS Ngô Quý Châu, Chủ tịch Hội đồng Quản lý Bệnh viện Bạch Mai thay mặt BV Bạch Mai, cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của TP Hà Nội trong công tác phòng chống dịch.

Hiện nay, CDC đã lấy 2.004 mẫu xét nghiệm của các y bác sĩ tại BV. Qua xét nghiệm nhanh tại quận huyện, có 2 bác sĩ của BV Bạch Mai có kết quả dương tính và đang cách ly tập trung. Tuy nhiên sau đó khi xét nghiệm RT-PCR lại cho ra kết quả âm tính. Vì thế, BV Bạch Mai đề xuất TP cho 2 bác sĩ này được cách ly tại nhà và nhanh chóng được quay trở lại làm việc,

Tại 2 khu cách ly của BV Bạch Mai có cán bộ của BV Nhiệt đới, Viện tim mạch, đến nay đã cách ly được 14 ngày. BV Bạch Mai đề nghị cho phép những người này được về nhà để phục hồi sức khỏe. Ngoài ra, Bộ Y tế đã có Công văn cho phép BV Bạch Mai được nhận một số trường hợp bệnh nhân đặc biệt mà các việc khác không thực hiện được.

Trao đổi ngay với GS Ngô Quý Châu, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho biết, TP không có ý kiến về việc này và tôn trọng vấn đề chuyên môn và những quyết định chuyên môn của Bệnh viện.

Xác minh quá trình đi lại của ca bệnh COVID-19 Công ty Trường Sinh

Sau khi nghe ý kiến từ các thành viên Ban chỉ đạo thảo luận, kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND TP nhắc lại tình hình dịch bệnh COVID-19 trên thế giới đang gây ra hậu quả nghiêm trọng với tất cả các nước với số mắc tăng từ 50-70.000 người; trên 50.000 người tử vong. Cảnh báo mới của WHO có nêu rõ, hiện nay có thể trên thế giới đang có hàng triệu người bị nhiễm COVID-19 chẳng qua chúng ta chưa thể xét nghiệm hết và con số đó hoàn toàn có thể trở thành có thật trong thời gian tới.

Chủ tịch UBND TP đặc biệt lưu ý chỉ trong vòng một tuần vừa qua số ca nhiễm Covid -19 ở Hà Nội đã tăng lên gần gấp đôi trong vòng 3 tuần trước; liên tục phát hiện các ca nhiễm ở ngoài cộng đồng.

Về ổ dịch tại Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP cho biết đã trực tiếp hỏi 13 người ở quận Đống Đa, 3 người ở quận Hai Bà Trưng thì với trường hợp người ở Hà Nội khi khám, điều trị nội trú ở đây có đặc điểm là chủ yếu người nhà sẽ mang cơm, nước vào ăn, hầu như không xuống căng tin. Các trường hợp ngoại tỉnh như trường hợp ở Lai Châu, Ninh Bình hay các huyện ngoại thành Hà Nội mới xuống khu vực này, trong khi căng tin Bệnh viện Bạch Mai là nguồn lây nhiễm lớn. "Đây là đặc điểm cần lưu ý, các huyện xa trung tâm không thể chủ quan được", Chủ tịch UBND TP nói.

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết, đã hỏi kỹ nhân viên của công ty Trường Sinh và được biết khi đi đưa nước các trường hợp bệnh nhân nhẹ sẽ trực tiếp lấy nước; bệnh nhân nặng thì người nhà ra lấy và đến nay qua xét nghiệm và một hai ngày nữa sẽ có kết quả đầy đủ để nắm bắt cụ thể.
 Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp

"Từ những yếu tố như thế để tất cả những cán bộ trong quá trình thực thi nhiệm vụ làm công tác phòng, chống phải tích hợp các thông tin này để chúng ta lưu ý là những người vào ăn tại khu vực hay tiếp xúc với nhân viên Công ty Trường Sinh, Công ty Việt Á sẽ có nguy cơ lây nhiễm cao hơn".

Chủ tịch giao CDC Hà Nội khẩn trương xác minh, rà soát quá trình đi lại của những trường hợp tại Công ty Trường Sinh từ ngày 10/3 đến nay. Qua rà soát sơ bộ, có 18/22 trường hợp ở Công ty Trường Sinh đều ở trong Bệnh viện, ăn, ở tại bệnh viện, không đi ra ngoài nhiều. Chủ tịch cho rằng, đây là điều may mắn, bởi nhân viện Công ty Trường Sinh ăn ở tại Bệnh viện nên hạn chế tiếp xúc bên ngoài, giúp giảm lây lan dịch bệnh.

Trên cơ sở liên quan đến tình hình như vậy, Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả các đơn vị quận, huyện và các phường xã cập nhật ngay các chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy Hà Nội, tổ chức triển khai; tăng cường công tác tuyên truyền về ý thức liên quan phòng ngừa của tất cả người dân, thường xuyên rửa ta bằng xà phòng, nước khử khuẩn; bắt buộc đeo khẩu trang; khi đi ra ngoài đường phải chú ý khoảng cách 2m... Tất cả các trường hợp có quyết định cách ly ở nhà phải thực hiện nghiêm túc”.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung các quận, huyện tập trung xác minh làm rõ tất cả người dân sinh sống trên địa bàn có yếu tố liên quan đến Bệnh viện Bạch Mai để khuyến cáo làm xét nghiệm nhanh Covid-19 kết hợp với xét nghiệm RT-PCR. Ngoài ra, phải chú ý rà soát cả những trường hợp lái xe taxi, xe ôm tại cổng BV Bạch Mai.

Yêu cầu người dân hạn chế ra đường

Đối với việc test nhanh, Chủ tịch UBND TP cho biết, hiện ngành Y tế Việt Nam mới có 10.000 test do Bộ Y tế nhập. Vì thấy tại Hà Nội có ổ dịch có nguy cơ lớn nhất nên đã dồn toàn bộ số test này cho Hà Nội. Hiện nay, Bộ Y tế, Bộ KHCN đang đôn đốc để nhận thêm 100.000 test từ Hàn Quốc đưa về. Sở Y tế làm thủ tục để tiếp nhận tài trợ 10.000 test nhanh của Hàn Quốc, 500 kg chất tẩy của Đức.

Rút kinh nghiệm từ trường hợp công dân Thụy Điển tại quận Long Biên, Chủ tịch UBND TP đề nghị các quận huyện phải rà soát tất cả những người nước ngoài trước khi có lệnh cấm nhập cảnh trước ngày 14/3, trước ngày 18/3, trước ngày 21/3 tại các cơ sở lưu trú. Tại các cơ sở lưu trú có khách nước ngoài, các đơn vị phải thông tin và yêu cầu những người này ở trong nhà, không được đi ra ngoài.

Chủ tịch UBND TP cũng cho biết: TP quyết định triển khai trạm test nhanh COVID-19 tại các lều ở sân rộng; những người đến xét nghiệm đeo khẩu trang, xếp hàng cách nhau từ 2 m trở lên. “Không triển khai tại trường học hay tại nhà vì chẳng may nếu có trường hợp dương tính thì sẽ ảnh hưởng đến những cơ sở này” – Chủ tịch UBND TP nói.

Chủ tịch cho rằng, cần đẩy mạnh tuyên truyền việc phòng chống dịch COVID-19 như rửa tay thường xuyên, mang nước rửa tay theo người... Cùng với đó, tuyên truyền việc bắt buộc phải đeo khẩu trang khi ra ngoài, giữ khoảng cách. Các cửa hàng cũng phải giữ khoảng cách cho người đến mua hàng, chỉ đi một chiều.

Đặc biệt, theo Chủ tịch Nguyễn Đức Chung, cần tuyên truyền để người già và những người không có việc cần thiết trong hai tuần tới thì không ra ngoài đường. "Ngày mai tăng cường kiểm tra, những trường nào không nằm trong diện được đi ra ngoài đường là phải phạt. Chế tài đi ra ngoài đường phạt có rồi, các đồng chí kiểm tra và phải phạt những người không thuộc diện đi ra ngoài đường", Chủ tịch nói.

Chủ tịch yêu cầu tất cả các công viên trên địa bàn phải đóng cửa, khu vui chơi giải trí phải đóng cửa. Tất cả mọi người không đi vào công viên và nên ở nhà.

Ghi nhận trong những ngày qua, đại bộ phận người dân Thủ đô tự giác thực hiện tốt các biện pháp phòng ngừa, song vẫn còn một bộ phận nhỏ người dân còn đi lại nhiều ngoài đường, Chủ tịch UBND TP yêu cầu người dân cần hạn chế tối đa việc ra đường, đặc biệt trong dịp cuối tuần này.

Chủ tịch cũng cho rằng, nếu như qua được 15 ngày này thì nguy cơ lây nhiễm sẽ giảm đi rất nhiều. Trong khi, như phân tích của các nhà dịch tế học, chỉ cần 10% dân số không thực hiện cách ly xã hội, việc phòng chống dịch sẽ rất khó khăn.

Test nhanh COVID-19 nhằm tìm ra trường hợp nhiễm trong cộng đồng

Đối với các trường hợp test nhanh có dương tính COVID, Chủ tịch UBND TP đề nghị không chuyển về BV Nhiệt đới T.Ư 2 mà đưa ngay đến các BV gần nhất và chờ xét nghiệm PCR. Nếu các trường hợp này dương tính mới chuyển về BV Nhiệt đới T.Ư 2, nếu âm tính, yêu cầu tự cách ly 14 ngày tại nhà. Các trường hợp F1, F2 cần được sớm cảnh báo.

“Mục đích của test nhanh là tìm ra những trường hợp nhiễm trong cộng đồng. Đồng thời để tìm những ổ dịch mới” – Chủ tịch UBND TP nói. Đối với các đề nghị của Bệnh viện Bạch Mai, Chủ tịch UBND TP cho rằng Bệnh viện Bạch Mai phải làm tốt công tác tư tưởng cho đội ngũ y, bác sĩ yên tâm cách ly, yên tâm chữa bệnh. Bộ Y tế và TP có chủ trương tạo mọi điều kiện cho đội ngũ BV Bạch Mai làm việc. Đồng thời khẳng định, BV Bạch Mai hoàn toàn quyết định việc tiếp nhận các bệnh nhân nặng để khám chữa, đảm bảo an toàn.

 Toàn cảnh phiên họp

Chủ tịch UBND TP đề nghị phường Bồ Đề, Long Biên phải kiểm tra, rà soát và chuyển test nhanh cho toàn bộ nhân viên hàng không. Sau khi có trường hợp của người Thụy Điển, Chủ tịch UBND TP cho rằng phải đưa Bồ Đề, Long Biên trở thành khu vực có cảnh báo đỏ về lây nhiễm COVID-19, nếu không sẽ tạo thành các ổ dịch mới. Chủ tịch UBND TP yêu cầu tất cả các trường hợp người dân phản ánh có biểu hiện ho sốt thì đội phản ứng nhanh của các quận huyện phải khẩn trương đưa những người này cách ly tại nhà và lấy mẫu test nhanh.

Về đề xuất của Công an TP, TP đồng ý các trường hợp khi đưa vào nhà tạm giữ, trại tạm giữ đều phải lấy mẫu xét nghiệm. “Tất cả các đơn vị làm nhiệm vụ phòng chống dịch, người dân tuyệt đối không được chủ quan, bởi nếu một khi dịch bệnh bùng phát thì sẽ lây lan rất nhanh, không kiểm soát” - Chủ tịch UBND TP cảnh báo. Nếu qua được ngày 15/4, số ca nhiễm giảm thì chúng ta mới có thể tạm yên tâm.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần