Sáng 27/8, Bộ GD&ĐT chính thức công bố phổ điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2020. Trong đó, môn Toán có 845.473 thí sinh dự thi; điểm trung bình là 6,68; điểm trung vị là 7. Số thí sinh đạt điểm dưới TB (< 5đ) là 153.367 em, chiếm 18%.
Điểm số có nhiều thí sinh đạt nhất là 7.8 (có 41.868 thí sinh, tương đương 5%).
Đặc biệt, có 252.781 em đạt từ 8 điểm trở lên, chiếm 30%; số điểm thí sinh đạt điểm 10 là 273 em, chiếm tỉ lệ: 1/ 33.000.
Thầy Tùng nhận định đề thi tốt nghiệp THPT 2020 dễ nhất trong 19 năm qua. |
Trao đổi với phóng viên, ông Trần Mạnh Tùng - Giáo viên Toán trường THCS - THPT Lương Thế Vinh cho hay, đề thi với mục đích chính là xét tốt nghiệp, có thể nói gọn là đề “thi tốt nghiệp” - đúng như tên gọi và mong muốn của Bộ GD&ĐT. Đề thi dễ nhất trong 19 năm qua, bởi đề tương tự đề tham khảo, giống nhau “như 2 anh em 1 nhà”, thậm chí còn “dễ thở” hơn đề tham khảo.
Cấu trúc của đề là: 8 + 2, tức là: 80% kiến thức cơ bản và 20% nâng cao dần. Đỉnh nhọn của phổ điểm là 7,8 chứng tỏ nhận định trên là chính xác.
Đỉnh nhọn dạt về bên phải: Điểm thi rất cao, khác biệt so với những năm gần đây (cao nhất trong 19 năm qua): Năm 2017, đỉnh nhọn là 4; năm 2019, đỉnh nhọn là 6,4; năm 2020, đỉnh nhọn là 7,8.
“Chỉ có thể nói là “mưa điểm cao” chứ không phải “mưa điểm 10”. Số thí sinh đạt 10 điểm là 273 em chưa phải là quá nhiều để gọi là “mưa”. Bởi vì, số thí sinh đạt >= 9 điểm: 64.240 (7,6%); số thí sinh đạt >= 8 điểm: 252.781 (30%); số thí sinh đạt >= 7 điểm: 446.376 (53%).
Ông Tùng nhận định, đường bên trái phổ điểm là đồng biến, tăng rất đều và đẹp. Chứng tỏ mức độ phân hóa (ở mức tốt nghiệp) của đề thi là tốt. Chất lượng học sinh không có yếu tố bất thường. Học sinh khối 12 vừa rồi dù bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nhưng chất lượng học tập vẫn được đảm bảo. Độ đồng đều cao hơn so với các năm gần đây. Đường phổ điểm bên phải dốc, chứng tỏ phân hóa sau 8 điểm khá tốt, nhất là sau mức 9 điểm (từ câu 45 - 50).
Dự báo điểm chuẩn các khối năm 2020 sẽ tăng mạnh. Bởi, điểm các môn đều cao hơn 2019. Điểm môn Vật lý, Hóa học tương đồng với môn Toán. Phổ điểm theo ban đều lệch phải kéo theo tổng điểm thi cao. Chỉ tiêu xét điểm THPT của các ĐH giảm do xét học bạ, do các đánh giá khác…
Cũng bởi độ dốc đều, điểm phân bố đều nên cũng gây khó khăn cho công tác tuyển sinh. Điều này sẽ dẫn đến các trường sẽ có thể phải dùng đến tiêu chí phụ, thậm chí là nhiều tiêu chí phụ.
Điểm 29, 30 không nhiều, khoảng 2.000 em, xấp xỉ 2/1000 nên sẽ không có chuyện điểm chuẩn 29, 30. Trừ các trường hợp cá biệt, như 1 ngành an ninh, chỉ lấy khoảng… 2 thí sinh nữ. Cũng sẽ không có chuyện 29 điểm vẫn trượt đại học.
Cũng theo dự đoán của thầy Tùng, điểm chuẩn sẽ tăng mạnh so với năm 2019. Cụ thể: Trường top 1: Tăng từ 1 - 1,5 điểm; trường top 2: Tăng từ 1,5 - 2 điểm; trường top 3: Tăng từ 2 - 3 điểm.
Thầy Trần Mạnh Tùng dự đoán điểm sàn theo khối thi:
- Khối A: Toán + Vật lý + Hóa học
+ Điểm trung bình: 21,46.
+ Điểm trung vị: 21,9.
+ Tổng điểm có số thí sinh nhiều nhất: 23 (36.274 = 12,7%).
+ Từ 16 điểm: 233.094 (82%)
Do đó, các thí sinh dưới 16 điểm khối A ít hy vọng đỗ đại học.
- Khối A1: Toán +Vật lý + Tiếng Anh
+ Điểm trung bình: 20
+ Điểm trung vị: 20
+ Tổng điểm có số thí sinh nhiều nhất: 21 (34.999 = 12,6%)
+ Từ 16 điểm: 246.042 (89%)
+ Từ 17 điểm: 229.643 (83%)
Vì vậy, thí sinh dưới 17 điểm khối A1 ít hi vọng đỗ ĐH.
- Khối B: Toán + Hóa học + Sinh học
+ Điểm trung bình: 20,36
+ Điểm trung vị: 20,55
+ Tổng điểm có số thí sinh nhiều nhất: 22 (37.945 = 13.4%)
+ Từ 16 điểm: 259.236 (91%)
+ Từ 17 điểm: 243.322 (86%)
Bởi vậy, thí sinh dưới 17 điểm khối B ít hi vọng đỗ đại học.
- Khối D: Toán + Ngữ văn + Tiếng Anh
+ Điểm trung bình: 18,19
+ Điểm trung vị: 18,3
+ Tổng điểm có số thí sinh nhiều nhất: 19 (77.686 = 10,4%)
+ Từ 16 điểm: 536.232 (72%)
+ Từ 15 điểm: 593.913 (80%)
Với phổ điểm các khối thế này, thí sinh dưới 15 điểm khối D ít hy vọng đỗ đại học.
“Điểm thi rất cao. Điểm chuẩn cũng cao. Xã hội nhìn vào tưởng chất lượng tuyển sinh được nâng cao, bất chấp đại dịch. Tuy nhiên, đây cũng là năm đầu tiên có hiện tượng ‘lấy điểm tốt nghiệp để xét vào đại học’.
Số câu hỏi phân hóa rất ít, lại thi trắc nghiệm (trừ môn Ngữ văn) nên năm nay cũng khó chọn được người tài đúng nghĩa. Các trường đại học mà đủ dũng cảm và đề cao chất lượng thật sự thì phải cân nhắc kỹ các phương án xét tuyển, vì điểm thật sự của năm nay phải trừ đi 2, 3 điểm, nhất là các trường ở tốp 2, 3”, thầy Tùng nêu quan điểm.