Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tủ sách pháp luật điện tử quốc gia: Kênh phổ biến pháp luật hiệu quả

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác Tủ sách pháp luật, trong đó quy định về xây dựng Tủ sách pháp luật điện tử (TSPLĐT) quốc gia. Cùng với việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), đây được xem là kênh phổ biến pháp luật hiệu quả tới người dân.

 Thay thế tủ sách pháp luật truyền thống bằng tủ sách pháp luật điện tử sẽ mang lại hiệu quả cao. Ảnh: Linh Ngọc
Theo Quyết định 14/2019/QĐ-TTg, TSPLĐT quốc gia do Bộ Tư pháp chủ trì xây dựng và quản lý thống nhất, được vận hành, khai thác, sử dụng chung trong phạm vi toàn quốc theo hướng tích hợp với Cổng thông tin điện tử của Bộ Tư pháp, bảo đảm thuận tiện, đáp ứng yêu cầu tiếp cận thông tin, phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL) của cá nhân, tổ chức. TSPLĐT quốc gia có các dữ liệu thành phần về sách, tài liệu pháp luật do bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, cơ quan nhà nước khác ở T.Ư, UBND tỉnh, TP cập nhật, quản lý. Sách, tài liệu pháp luật cập nhật phải phù hợp, thiết thực, bảo đảm chất lượng. Việc vận hành, bảo trì, giám sát, nâng cấp, phát triển, bảo đảm an toàn TSPLĐT quốc gia; kiểm tra việc quản lý TSPLĐT quốc gia được thực hiện theo quy định về quản lý thông tin, dữ liệu điện tử. Quyết định có hiệu lực từ ngày 1/5/2019.
UBND TP Hà Nội đã ban hành công văn yêu cầu, các sở, ban, ngành, UBND quận, huyện, thị xã bố trí kinh phí bảo đảm thực hiện có hiệu quả các chương trình, kế hoạch, đề án về PBGDPL của TP, cơ quan, đơn vị, địa phương đã được ban hành. Đồng thời, đổi mới nội dung, hình thức tuyên truyền, đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong tuyên truyền, PBGDPL. Ngoài ra, Sở Tư pháp nghiên cứu triển khai TSPLĐT theo chỉ đạo, hướng dẫn của T.Ư, phù hợp với xã, phường, thị trấn để phát huy hiệu quả.

Triển khai Quyết định số 14/2019/QĐ-TTg về xây dựng, quản lý, khai thác TSPLĐT, Phó Vụ trưởng Vụ PBGDPL (Bộ Tư pháp) Phan Hồng Nguyên cho biết, Vụ đang gặp phải một số khó khăn, vướng mắc, đặc biệt là kinh phí xây dựng, vận hành, quản lý TSPLĐT và chưa có công chức chuyên môn về CNTT để quản lý, cập nhật, khai thác TSPLĐT. Theo đó, Vụ đề nghị cấp kinh phí bổ sung để triển khai thực hiện một số nhiệm vụ xây dựng TSPLĐT quốc gia. Trước mắt, sẽ ưu tiên nghiên cứu, xây dựng phần mềm TSPLĐT quốc gia; rà soát và dự kiến danh mục sách, tài liệu pháp luật giấy hiện còn giá trị sử dụng để số hóa trên dữ liệu thành phần sách, tài liệu của Bộ Tư pháp. Đồng thời, Vụ PBGDPL đề nghị phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan nghiên cứu, xây dựng phần mềm, vận hành TSPLĐT quốc gia; quản lý, khai thác, số hóa, cập nhật sách, tài liệu pháp luật.

Thứ trưởng Bộ Tư pháp Phan Chí Hiếu đề nghị Vụ PBGDPL và các đơn vị liên quan phải xác định đây là nhiệm vụ hết sức quan trọng, phải đặt trọng tâm việc ứng dụng CNTT trong hoạt động PBGDPL. Đồng thời, Vụ PBGDPL phải có đề xuất cụ thể, đặc biệt là xây dựng tính năng phần mềm như thế nào, bản quyền sách ra sao để phối hợp với Cục CNTT; phải bố trí cơ cấu nhân sự am hiểu về CNTT, giải thích rõ lý do, sự cần thiết. Ngoài ra, xác định rõ các đầu sách để đưa lên TSPLĐT, Tủ sách pháp luật truyền thống, từ đó xây dựng số hóa cho cẩn thận, tỉ mỉ…