Chia sẻ với phóng viên Kinh tế & Đô thị, đỗ vào ĐH Bách Khoa Hà Nội (năm 2007), nhưng Khuynh bảo: "Hành trình học tập của em không mấy suôn sẻ cũng vì mải chơi game, bị buộc thôi học sau kỳ đầu tiên". Sau vấp ngã ấy, Khuynh đi làm thợ xây cùng bố. Được vài năm sống cùng vôi vữa, công trình, Khuynh thấy "như thế không có tương lai". Và Khuynh đã quyết tâm thi lại đại học. “Lúc đầu khi mới nghỉ học đi làm, em nghĩ mọi thứ đơn giản, nhưng đi làm một thời gian công việc quá vất vả, em đã quyết định thi lại đại học. Em chọn trường Sĩ quan Lục quân với suy nghĩ sẽ không phải lo lắng về chi phí học tập. Thế nhưng năm đó em chỉ đạt 19,5 điểm nên không trúng tuyển, em lại tiếp tục công việc phụ hồ và tiếp tục ôn để năm sau thi tiếp” - Khuynh nhớ lại.
Không nản chí, vừa làm vừa học, năm 2012, Khuynh đã đỗ vào khoa Xây dựng, ngành Công nghệ Kỹ thuật xây dựng của ĐH Công nghiệp Việt – Hung. Khuynh lựa chọn trường Việt – Hung vì đây là ngôi trường ở gần nhà, thuận tiện cho việc đi lại, học tập cũng như giảm thiểu chi phí sinh hoạt. Dù xuất phát chậm hơn mọi người nhưng Khuynh lại không quá vất vả khi làm quen với kiến thức chuyên ngành bởi bản thân đã có nhiều năm lăn lộn ở "trường đời". Trong quá trình học tập, Khuynh đã nỗ lực để học được nhiều kiến thức phục vụ cho công việc sau khi ra trường. Nhưng khó khăn lại thêm chồng chất khi năm 2015, bố Khuynh bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư máu, đây cũng là thời điểm Khuynh bước vào năm cuối đại học, cần nhiều chi phí hơn cho việc học tập. Tuy nhiên, không muốn gia đình lún sâu vào nghèo khổ, Khuynh càng quyết tâm hơn trong việc học, đồng thời tích cực tham gia công tác đoàn, hội của trường. Bằng sự nỗ lực vượt bậc, Khuynh đã vượt qua khó khăn, vươn lên và trở thành thủ khoa xuất sắc của trường. “Để có được kết quả học tập xuất sắc, ngoài tiếp thu những kiến thức các thầy cô giảng dạy trên giảng đường, em còn tranh thủ học hỏi qua sách, báo và từ những kỹ sư xây dựng có kinh nghiệm lâu năm tại các công trình xây dựng nơi em làm phụ hồ” - Khuynh chia sẻ bí quyết. Ngoài ra, theo Khuynh, tổ chức học nhóm cũng là một cách để nâng cao kiến thức. Mỗi nhóm nên có 4 - 5 bạn bấm đồng hồ cùng nhau làm việc về một đề tài cụ thể, mỗi bạn sẽ có một ý tưởng riêng, trên cơ sở đó tổng hợp thành ý tưởng chung của cả nhóm rồi đề xuất với thầy cô để lắng nghe những lời nhận xét, góp ý. Với tấm bằng tốt nghiệp xuất sắc, sau khi ra trường Khuynh đã được một công ty tiếp nhận ngay vào làm kỹ sư phụ trách kỹ thuật – khâu then chốt của công ty này. Khuynh bày tỏ sự hài lòng với công việc hiện tại, bởi đây là công việc phù hợp với năng lực của bản thân và đặc biệt công ty có chính sách đãi ngộ cũng như chế độ đào tạo phù hợp với một sinh viên mới ra trường. Công việc mang lại thu nhập tốt, giúp trang trải cuộc sống và chi trả khoản nợ của gia đình trong thời gian chữa bệnh cho bố. Không phủ nhận mình may mắn hơn nhiều bạn cùng khóa vì nhanh chóng có việc làm sau khi ra trường, tuy nhiên Khuynh vẫn tiếc vì để lỡ quãng thời gian không học hành tới nơi tới chốn. “Em nghĩ các bạn trong lúc học tập phải hết mình, tìm hiểu những kiến thức cần để biết không lan man quá nhiều. Từ đó, sau này các bạn có được nhiều cơ hội hơn” - đó là lời nhắn nhủ của Khuynh với các bạn sinh viên đang còn ngồi trên ghế nhà trường.