Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tự thông tuyến, người bệnh có thể bỏ qua cơ hội phát hiện sớm bệnh

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi-Thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT), đại biểu Quốc hội băn khoăn việc thông tuyến có thể khiến người bệnh bỏ qua cơ hội phát hiện sớm bệnh. Đại biểu đề nghị cân nhắc vấn đề người bệnh có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh.

Cân nhắc quy định người bệnh có thẻ BHYT tự chuyển tuyến

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) cho rằng, Dự thảo Luật quy định cơ chế thông tuyến cho phép người bệnh đến khám chữa bệnh ở cơ sở khác không cần giấy chuyển tuyến nghe có vẻ hỗ trợ cho người tham gia BHYT tiếp cận dịch vụ thuận lợi hơn. Tuy nhiên, điều này có thể sẽ bỏ qua cơ hội phát hiện sớm một số triệu chứng bệnh do người bệnh đã bỏ qua chăm sóc sức khỏe ban đầu để lên khám, chữa bệnh tại tuyến cao hơn, kể cả trong trường hợp không cần thiết. Điều này sẽ dẫn đến giảm hiệu suất, thậm chí phá vỡ phân cấp chuyên môn của hệ thống y tế. 

Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Khánh Thu (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình) - Ảnh: Quochoi.vn

Theo đại biểu Trần Khánh Thu, nguyên nhân bức xúc của người bệnh đi khám chữa bệnh BHYT do khó khăn trong quá trình xin giấy chuyển tuyến của nhóm đối tượng bệnh nhân mắc bệnh mạn tính, hiểm nghèo; hoặc danh mục thuốc tại y tế cơ sở ít và nghèo nàn hơn so với tuyến trên trong khi điều trị cùng 1 bệnh. 

"Bản chất quy định chuyển tuyến có ý nghĩa quan trọng, cần thiết trong việc xử lý khám, chữa bệnh cho người dân. Giấy chuyển tuyến ngoài cung cấp các thông tin hành chính còn cung cấp tình trạng bệnh, lịch sử điều trị... giúp cơ sở tiếp nhận có thông tin kịp thời về người bệnh để tiếp nhận, chăm sóc, điều trị người bệnh được nhanh chóng, thuận tiện" - đại biểu Trần Khánh Thu nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Mai Văn Hải (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thanh Hóa) đề nghị cân nhắc thêm vấn đề người bệnh có thẻ BHYT tự đi khám, chữa bệnh, không phải chuyển tuyến để vừa tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh, vừa đảm bảo chặt chẽ công tác quản lý và khám, chữa bệnh của các cơ sở y tế. Đồng thời đề nghị vẫn quy định có thủ tục chuyển viện, nhưng phải tạo điều kiện thuận lợi và nhanh chóng cho người bệnh khi phải chuyển tuyến.

Tiết kiệm hàng nghìn tỉ khi liên thông kết quả cận lâm sàng

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) cho biết, Dự thảo Luật đã đơn giản hóa thủ tục chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám, chữa bệnh, mở rộng hơn quyền lợi của người khám chữa bệnh theo BHYT. Điều này vô cùng phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của cử tri. 

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương) - Ảnh: Quochoi.vn

Tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga cho rằng, cùng với việc quy định đơn giản hóa thủ tục chuyển tuyến, cần xem xét quy định việc liên thông kết quả khám cận lâm sàng của cơ sở khám, chữa bệnh trước đó để giảm thời gian chờ đợi, khám, chữa bệnh của người bệnh; giảm chi phí của người bệnh; chống lãng phí, tiết kiệm chi phí cho quỹ BHYT để sử dụng cho khám, chữa bệnh BHYT.

"Đây cũng là bước đệm quan trọng nhằm tiến tới đồng bộ và liên thông các hồ sơ, dữ liệu của bệnh nhân tại các cơ sở y tế trên toàn quốc và nâng cao trách nhiệm của cơ sở khám, chữa bệnh trong việc tuân thủ các quy định hiện hành về quản lý chất lượng bệnh viện" - đại biểu Việt Nga nêu.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) - Ảnh: Quochoi.vn
Đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) - Ảnh: Quochoi.vn

Cùng quan điểm này, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bạc Liêu) bày tỏ tán thành với quy định liên thông cấp chuyên môn kỹ thuật khi khám bệnh, việc liên thông này nhằm bảo đảmquyền hiến định của người dân được lựa chọn nơi khám bệnh phù hợp, tốt nhất cho bản thân khi có bệnh.

Đại biểu Trần Thị Hoa Ry đề nghị bổ sung thêm quy định về liên thông kết quả cận lâm sàng giữa các cơ sở khám chữa bệnh thuộc cấp chuyên môn kỹ thuật và quy định rõ thời điểm thực hiện liên thông toàn quốc để công nhận kết quả cận lâm sàng của các cơ sở khám bệnh.   

Theo đại biểu, nếu ngành y tế thực hiện được việc liên thông được kết quả xét nghiệm thì sẽ tiết kiệm được hàng ngàn tỷ đồng cho quỹ BHYT. Quan trọng hơn là giảm gánh nặng cho việc chi trả dịch vụ y tế của toàn xã hội, trong đó có hàng triệu người dân là bệnh nhân nghèo, cận nghèo và người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn. 

Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình một số nội dung đại biểu nêu - Ảnh: Quochoi.vn
Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan giải trình một số nội dung đại biểu nêu - Ảnh: Quochoi.vn

Giải trình một số nội dung đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, về điều kiện chuyển người bệnh, đây cũng là một nội dung mới. Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng Chính phủ, nội dung này được sửa đổi để bảo đảm thuận lợi nhất cho người dân; bảo đảm sự ổn định, vững chắc của hệ thống y tế, đặc biệt là tuyến y tế cơ sở.

Trong đó, Dự thảo luật đề cập đến những vấn đề liên quan tới các bệnh hiểm nghèo, các bệnh cần chuyên môn kỹ thuật cao và các bệnh tuyến chuyên sâu mới đáp ứng được. Vấn đề này đã được cân nhắc để vừa đáp ứng được mục tiêu phục vụ cho người bệnh nhưng cũng bảo đảm được hệ thống cân đối. 

Bộ trưởng cũng thống nhất quan điểm của đại biểu Quốc hội, bên cạnh triển khai thực hiện công tác khám, chữa bệnh, việc củng cố, phát triển hệ thống y tế cơ sở cũng là một bài toán thách thức và đã có những cái giải pháp đồng bộ.

Liên quan tới các quy định về liên thông kết quả xét nghiệm đề cập trong Luật Khám bệnh, chữa bệnh, Bộ trưởng Bộ Y tế cho biết: để bảo đảm thực hiện được nội dung này cũng có rất nhiều các giải pháp đồng bộ để có cơ sở hạ tầng động bộ mới đáp ứng yêu cầu liên thông.