Giá trị tư tưởng về đạo đức của Bác luôn soi sáng
Dịp kỷ niệm 130 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh năm nay cũng là thời điểm các cấp ủy đang tiến hành Đại hội Đảng, tiến tới Đại hội XIII của Đảng. Dưới góc độ nghiên cứu, theo ông, đâu là những điểm nổi bật trong tư tưởng của Bác về xây dựng Đảng và công tác cán bộ mà chúng ta cần lưu ý?
- Bác vừa là người sáng lập, vừa xây dựng và rèn luyện Đảng ta, nên Người đặc biệt coi trọng công tác xây dựng Đảng cả về tư tưởng, lý luận, chính trị và tổ chức. Trong đó, đạo đức cách mạng luôn là vấn đề được nhấn mạnh, có ý nghĩa cực kỳ quan trọng, đặc biệt là trong điều kiện đảng cầm quyền. Ngay từ tác phẩm đầu tiên để chuẩn bị cho quá trình thành lập Đảng - Đường cách mệnh, bây giờ nhiều nhà nghiên cứu gọi đây là tác phẩm khai tâm, khai trí, khai đức, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt vấn đề tư cách của người cách mạng lên hàng đầu. Điều đó cho thấy, ý nghĩa tầm vóc rất quan trọng của vấn đề nhân cách, tư cách đạo đức của con người nói riêng và của một Đảng cách mạng nói chung.
Suốt quá trình hoạt động cách mạng của Bác, chúng ta rút ra bài học đó là con người cần đạo đức, cách mạng cần đạo đức và đặc biệt, Đảng rất cần đạo đức. Và khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, vấn đề đạo đức hết sức cần thiết. Vì vậy, Bác từng nói: Đảng ta là đạo đức, là văn minh.
Người cũng đã phát hiện và đã sớm cảnh báo căn bệnh dễ mắc phải của Đảng cầm quyền. Năm 1945, sau khi giành được chính quyền, Người cảnh báo vấn đề này qua các bài viết gửi các kỳ bộ, huyện bộ, tỉnh bộ. Đặc biệt, đến năm 1947, Bác viết tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, nội dung trên được nhấn mạnh một cách hệ thống. Khi Đảng ta trở thành đảng cầm quyền, cán bộ, đảng viên có chút quyền hành trong tay rất dễ lạm dụng, rất dễ tha hóa quyền lực. Trong tác phẩm “Cần, kiệm, liêm, chính” viết năm 1949, Bác đã viết một câu có giá trị soi sáng cho tới ngày hôm nay, kể cả sau này. Đó là “cán bộ các cơ quan, các đoàn thể cấp cao thì quyền to, cấp thấp thì quyền nhỏ, nhưng dù to hay nhỏ có quyền mà thiếu lương tâm là có dịp đục khoét (tham ô), có dịp ăn của đút (nhận hối lộ), có dịp dĩ công vi tư (lấy của công làm của tư).
Nếu tính từ lúc Đảng ra đời là 90 năm, những quan điểm của Bác về xây dựng Đảng nói chung và hiện nay nghiên cứu nhiều về xây dựng Đảng trong điều kiện đảng cầm quyền, chúng tôi thấy những điều Bác đặt ra vẫn còn nguyên giá trị. Đặc biệt, trong dự thảo văn kiện Đại hội XIII hiện nay, đã nhấn mạnh đến nâng cao năng lực cầm quyền, sức chiến đấu của Đảng như tư tưởng của Bác đã chỉ ra.
Vậy, ông có thể phân tích sâu hơn tư tưởng Hồ Chí Minh về đạo đức cách mạng trong xây dựng Đảng hiện nay?
- Trước hết phải nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ là người giáo dục đạo đức mà còn là hiện thân của đạo đức cách mạng, nêu gương sáng cho toàn Đảng, toàn dân. Nhận thức căn cốt của Hồ Chí Minh là cách mạng cần đạo đức, con người cần đạo đức, nhất là cán bộ, đảng viên, những người lãnh đạo. Theo Người, đạo đức là thước đo “chất người”, “trình độ người” của con người. Nó giống như bốn mùa của trời, bốn phương của đất. Thiếu một mùa thì không thành trời; thiếu một phương thì không thành đất. Thiếu một đức thì không thành người. Có tài mà không có đức là hỏng. Chính trị, đạo đức là linh hồn, chuyên môn là cái xác. Có chuyên môn mà không có chính trị, đạo đức thì chỉ còn cái xác không hồn. Đạo đức càng cần thiết đối với người có quyền, vì có quyền mà không có đức, thì dễ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt của dân.
Bác từng chỉ rõ, đạo đức cách mạng là một chỉnh thể, bao gồm nhiều tính tốt xuất phát từ lòng mỗi con người mà ra. Lòng mình biết vì Đảng, vì Tổ quốc, vì đồng bào thì sẽ tiến đến chỗ chí công vô tư. Người cán bộ phải “minh đức, thân dân”, tức chính tâm và phục vụ Nhân dân. Thực hành được bốn chữ “chí công vô tư” với ý nghĩa là cốt lõi của đạo đức cách mạng thì đầu óc mới trong sáng, tỉnh táo để làm những việc ích nước, lợi dân; khuyết điểm sẽ càng ngày càng ít và những tính tốt như cần, kiệm, liêm, chính, nhân, nghĩa, trí, dũng ngày càng thêm. Chí công vô tư là nêu cao chủ nghĩa tập thể, chống chủ nghĩa cá nhân.
Quan điểm đạo đức Hồ Chí Minh có một bảo chứng mang giá trị thuyết phục, đó là việc nêu gương. Người sống như những điều Người nói. Cả đời Người từ lúc ra đi tìm đường cứu nước đến tận cuối đời đã thể hiện tấm gương sáng về chí công vô tư, đặt lợi ích của dân tộc, của Tổ quốc làm đầu.
Những giá trị tư tưởng về đạo đức của Bác đang soi sáng sự nghiệp của Đảng nói chung và soi sáng công việc chúng ta đang chuẩn bị tiến tới Đại hội XIII của Đảng.
Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Hội nghị Sơ kết cuộc vận động xây dựng Chi bộ 4 tốt ở ngoại thành Hà Nội, tháng 12/1964. Ảnh: Tư liệu |
Dựa vào dân để xây dựng Đảng
Ánh sáng tư tưởng Hồ Chí Minh cần phải phát huy hơn nữa ra sao trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay thưa ông?
- Đảng ta đã nhận thức và phát huy tư tưởng Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, đặc biệt trong nhiệm kỳ Đại hội XII. Điều này thể hiện rõ trong cả Nghị quyết T.Ư 4 khóa XI và XII và thực tế đang làm. Có thể thấy việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng hiện nay chúng ta kết hợp cả đức trị và pháp trị. Về mặt pháp trị chúng ta đã xử lý được nhiều vụ án kinh tế, tham nhũng lớn, như cách nói của lãnh đạo Đảng và Nhà nước ta là xử lý sai phạm không có vùng cấm, không có ngoại lệ. Chúng ta phải tiếp tục đẩy mạnh công cuộc xây dựng, chỉnh đốn Đảng theo đúng tư tưởng Hồ Chí Minh và phải kiên quyết, kiên trì, có những biện pháp mới. Đặc biệt phải bằng mọi cách để huy động sức mạnh trí tuệ của Nhân dân vào công cuộc này thì sẽ đạt được kết quả lớn.
Trước hết là tập trung xây dựng Đảng ở mặt tổ chức Đảng và cá nhân mỗi cán bộ, đảng viên. Đảng chính là mỗi chúng ta, mỗi chúng ta vững mạnh, có chính tâm, có được đạo đức trong sáng thì Đảng sẽ mạnh. Bác cũng nói nhiều lần, một cán bộ đảng viên, đặc biệt cán bộ đảng viên có chức, có quyền phải luôn luôn tu thân chính tâm, tâm phải trong trẻo, tâm phải đứng đắn, tâm phải luôn nghĩ về nước về dân, phải đặt lợi ích của Tổ quốc của Nhân dân lên trên hết, phải tu thân hàng ngày từ việc nhỏ, việc lớn, suốt đời cứ như vậy.
Ông có nói đến vấn đề huy động sức mạnh trí tuệ của Nhân dân vào công tác xây dựng Đảng. Vậy, soi chiếu vào tư tưởng của Bác, vấn đề này cần được thực hiện thế nào hiện nay?
- Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chỉ rõ “đảng viên thì phải dựa vào Nhân dân mà xây dựng Đảng”. Bác đã chỉ rõ, Nhân dân là người sinh thành ra Đảng, nuôi nấng, chở che, đùm bọc, bảo vệ Đảng. Nhân dân so sánh đúng, giải quyết đúng, vì tai mắt họ nhiều, cái gì họ cũng nghe, cũng thấy. Nhân dân là những người chịu đựng cái kết quả sự lãnh đạo của Đảng. Dân rất tốt, khôn khéo, hăng hái, anh hùng, luôn luôn đi theo Đảng, rất trung thành với Đảng.
Như Bác nói trong “Sửa đổi lề lối làm việc”, xa rời dân, không gắn bó với dân chẳng khác gì đứng lơ lửng giữa trời, nhất định thất bại. Trong xây dựng Đảng, Bác cũng nói có hai cách làm việc với dân, một là cách làm việc quần chúng, hai là cách làm việc quan liêu. Làm việc quần chúng là phải lắng nghe dân, nắm vững dân tình, dân tâm, dân ý, từ đó để đi đến chăm lo dân quyền, dân sinh, dân trí, dân chủ, dân vận. Phải học dân, hỏi dân, gần dân, tin dân, chăm lo cho dân, tự phê bình trước dân, hoan nghênh Nhân dân phê bình. Phải thực hành cần kiệm liêm chính, gương mẫu cho dân noi theo. Ngược lại cách làm việc thứ hai là xa dân, quan liêu, mệnh lệnh. Bác nói, nếu làm việc quan liêu thì dân oán. Mà dân oán thì có thể trước mặt tạm thời có chút thành công nhưng về mặt chính trị là thất bại. Chính trị ở đây là lòng dân - vấn đề quan trọng bậc nhất hiện nay. Xây dựng Đảng là gắn bó với dân như vậy.
Có một điểm tôi phải nhấn mạnh, Bác Hồ có tố chất của lãnh tụ, nhưng điều đặc biệt là Bác Hồ có tố chất của dân. Đây là điều không phải lãnh tụ nào cũng có được. Bác không bao giờ hành xử như một người có quyền. Người nói và nêu gương trong công việc như một người chiến sĩ vâng lệnh của quốc dân ra mặt trận. Người là hình ảnh sống của một lãnh tụ của Nhân dân, từ Nhân dân mà ra, sống giữa lòng dân, vì Nhân dân phục vụ. Bác thấu hiểu và thấu cảm người dân, vui buồn của người dân. Từ đó, Bác có nhận xét tinh tế, hiểu rất sâu về dân.
Những nguyên lý, tư tưởng đó của Bác vẫn rất thời sự trong hiện tại. Xây dựng Đảng không chỉ là công việc của Đảng, mà như Bác đã nói, là phải dựa vào dân để xây dựng Đảng. Phải mở rộng cánh cửa, lấy ý kiến Nhân dân, để dân góp ý cho mình. Bây giờ cũng vậy, phải có kênh nào đó lấy ý kiến Nhân dân, không phải ý kiến đại cử tri. Ngay cả việc “nhốt” quyền lực thì cái “lồng quần chúng” mới thật sự vững chắc.
Chọn cán bộ, đức phải có trước tài
Công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII của Đảng đang là một vấn đề rất được quan tâm. Chúng ta có thể nhìn lại và vận dụng những bài học sâu sắc trong tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh để lựa chọn được những cán bộ thực sự xứng đáng cho nhiệm kỳ tới đây như thế nào, thưa ông?.
- Có nhà nghiên cứu viết rằng: Khi ra đi tìm đường cứu nước, Bác Hồ mang theo chiếc gậy thần là chủ nghĩa yêu nước Việt Nam. Ngày nay trong sự nghiệp xây dựng đất nước, mỗi chúng ta phải có chiếc gậy thần là đạo đức Hồ Chí Minh.
Cách tiếp cận đó hoàn toàn có lý. Bởi xét cho cùng, một người có lý tưởng cách mạng, có tài mà không có đức là hỏng. Đức phải có trước tài. Có đạo đức thì có thể học tập để dần nâng cao trí tuệ và tài năng. Có tài năng mà không có đức thì tài năng dễ mai một; nguy hiểm hơn nữa là dễ bị dùng vào những việc xấu xa, gây tác hại không thể lường trước cho cách mạng. Có tài và cơ chế, bộ máy tốt mà con người không có lương tâm, phá hoại thì cái tài và bộ máy, cơ chế đó không những không phát huy nổi hiệu lực, thậm chí thành công cụ của cái bậy, cái ác.
Gần đây, khi bàn về phương hướng nhân sự T.Ư khóa XIII cho Đại hội Đảng sắp tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc lại lời đại thi hào Nguyễn Du: Có tài mà cậy chi tài/Chữ tài đi với chữ tai một vần.
Trở lại thời điểm sau Cách mạng tháng Tám năm 1945, để giữ vững thành quả cách mạng và xây dựng đất nước, Bác Hồ rất quan tâm mở rộng tìm kiếm, trọng dụng người tài trong xã hội. Khi đó, không có một cơ quan nào làm “quy trình” từ dưới lên trên, mà Bác theo dõi, cảm nhận, đánh giá và đề nghị những người tài ra giúp dân, giúp nước. Quan điểm của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lựa chọn cán bộ khi đó là không phân biệt các tầng lớp, hễ là người có tinh thần dân tộc, có tài năng, có lòng yêu nước là kêu gọi ra giúp nước. Với quan điểm đó, Bác tập hợp được nhiều người vừa có đức, vừa có tài tham gia bộ máy như cụ Nguyễn Văn Tố, cụ Huỳnh Thúc Kháng, luật sư Phan Anh…
Bác Hồ còn để lại nhiều bài học có giá trị về bố trí đúng người, đúng việc như chọn bác sỹ Trần Duy Hưng làm Chủ tịch UBND TP Hà Nội những ngày đầu sau Cách mạng tháng Tám. Mặc dù ông là bác sỹ, song Bác đã nhìn thấy ở ông có tư duy và khả năng quản lý đô thị ngay sau khi giải phóng Thủ đô.
Đặc biệt, tôi nhấn mạnh đến vai trò của việc chọn cán bộ, đánh giá cán bộ, hiểu cán bộ. Đây là việc không hề dễ, nhưng khó mấy cũng phải làm. Gần đây nhất, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói “đừng để cái mã bên ngoài để che đậy cái sơ sài bên trong” hoặc “đừng thấy đỏ mà tưởng chín”. Những điều này đã được Bác chỉ ra rồi. Bác cho rằng, cái khó của đánh giá con người là quá khứ, hiện tại, tương lai con người không giống nhau. Người làm công tác tác bộ, người đứng đầu phải hiểu, quá khứ, hiện tại tương lai của cán bộ thế nào để đánh giá cho đúng.
Từ đó cũng đi đến một vấn đề quan trọng mà Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cũng đang nói đến, đó là bản thân người chọn cán bộ cũng phải là người tu thân chính thống đã, phải vì nước, vì dân, cương trực, thẳng thắn, và từ đó phải có con mắt tinh tường. Con mắt tinh tường để không chỉ đánh giá con người qua lời nói mà nhìn cả vào công việc; không chỉ nhìn ở quá khứ, hiện tại mà cả tương lai. Dù không dễ dàng gì, nhưng phải làm được.
Cùng với việc học Bác trong chọn cán bộ, các quy trình cho công tác cán bộ cũng đã được ban hành đầy đủ. Ông đánh giá thế nào về việc chuẩn bị cho công tác nhân sự của Đảng hiện nay?
- Tôi cho rằng công tác cán bộ của Đảng ta ngày càng đi vào bài bản, nền nếp, nhất là công tác chuẩn bị nhân sự cho Đại hội XIII. Từ thực tiễn thời gian qua, chúng ta đã rút ra được những bài học kinh nghiệm, thậm chí là bài học kinh nghiệm đau xót khi hàng loạt cán bộ cấp cao bị kỷ luật. Nhưng cuộc đời lại hay ở chỗ, qua những đau đớn ấy, chúng ta đứng dậy, trưởng thành. Đau lắm xót lắm, nhưng từ thực tiễn như vậy là cơ hội để nhìn lại. Và hiện nay chúng ta đang tiến hành Đại hội Đảng các cấp với những quy định chặt chẽ trong lựa chọn nhân sự. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cũng đã có nhiều bài phát biểu quan trọng, để uốn nắn, chỉ đạo về cả quan điểm đường lối và thực tiễn. Đấy là điều rất mừng dù không hề dễ dàng, vì đây là câu chuyện con người.
Theo tôi, cùng với các tổ chức Đảng, rất cần có sự vào cuộc của người dân, như Bác Hồ đã nói Nhân dân có nhiều tai, nhiều mắt, cái gì họ cũng nghe, cái gì họ cũng biết. Đồng thời, nhận thức sâu sắc những tư tưởng đó của Hồ Chí Minh để thấy rằng để quét sạch chủ nghĩa cá nhân mà chỉ phê và tự phê bình trong Đảng theo kiểu “đóng cửa bảo nhau” thì không đủ. Nhất định phải dựa vào dân, phải nghe dân, sẽ có một kênh quan trọng để lựa chọn cán bộ cho đúng và trúng.
Xin cảm ơn ông!
Qua quá trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Bác, tôi tâm đắc với nhiều điều, nhưng trong đó đặc biệt nhất là điều gì Bác nói đều trên cả hai phương diện. Bác dạy chúng ta điều tốt, nhắc chúng ta điều dở. Những điều Bác nói về cán bộ, về xây dựng Đảng, về đạo đức… cách đây một thế kỷ đến bây giờ còn nguyên giá trị. Những điều Bác nhắc nhở chúng ta về “căn bệnh” trong cán bộ như hư hỏng, bè phái, “cua cậy càng, cá cậy vây”, bây giờ cũng vẫn tồn tại ở chỗ này, chỗ khác. Từ đó cho thấy, những quan điểm, tư tưởng của Bác trường tồn, soi sáng mãi cho sự nghiệp của Đảng ta. PGS.TS Bùi Đình Phong |