[Tư vấn đầu tư] Đối tượng nào được vay gói 250.000 tỷ đồng?

KT&ĐT
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - "DN của tôi hoạt động trong lĩnh vực du lịch lưu trú. Ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã khiến DN buộc phải đóng cửa một số cơ sở kinh doanh. Hiện nay, tôi đang rất cần nguồn vốn vay để duy trì hoạt động, vậy nhờ quý Báo tư vấn giúp đối tượng nào được vay từ gói kích cầu 250.000 tỷ đồng mới được Thủ tướng phê duyệt?" - Lê Xuân Vinh – Giám đốc Công ty Du lịch Thương mại Nam Đăng

Anh Vinh thân mến!
Do ảnh hưởng từ dịch Covid-19 tại Việt Nam, các hoạt động sản xuất kinh doanh bị đình trệ, nhiều DN bị phá sản hoặc đang đứng trước nguy cơ phá sản. Để tháo gỡ khó khăn, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị 11/CT-TTg, ngày 4/3/2020 về các nhiệm vụ, giải pháp cấp bách tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm an sinh xã hội ứng phó với dịch Covid-19.
Trong đó, giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Chỉ đạo, hướng dẫn kịp thời các tổ chức tín dụng cân đối, đáp ứng đầy đủ, kịp thời nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian xét duyệt hồ sơ vay vốn, nâng cao khả năng tiếp cận vốn vay của khách hàng; kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ như cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, giữ nguyên nhóm nợ, giảm phí... đối với khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 (trước hết là gói hỗ trợ tín dụng khoảng 250.000 tỷ đồng).
 Hoạt động kinh doanh du lịch, lưu trú bị ảnh hưởng từ đại dịch Covid-19. Ảnh: Doãn Thành
Sau khi có Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư số 01/2020/TT-NHNN, quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng do dịch Covid-19.
Theo đó, những đối tượng được áp dụng, gồm: Tổ chức tín dụng (không bao gồm ngân hàng chính sách), chi nhánh ngân hàng nước ngoài; Khách hàng của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (trừ khách hàng là tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài); Tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Một số ngành có khả năng ảnh hưởng lớn như: Nông, lâm nghiệp và thủy sản, DN có hoạt động xuất nhập khẩu, dịch vụ lưu trú, ăn uống, thực phẩm, đồ uống, vận tải, dệt may, da giầy, điện tử, điện lạnh, dầu khí, du lịch, giáo dục… được ưu tiên.
Xét các yếu tố trên, DN của anh thuộc lĩnh vực nằm trong danh mục được vay vốn ưu đãi trong gói kinh tế 250.000 tỷ đồng mới được phê duyệt. Vì vậy, anh có thể liên hệ trực tiếp với các chi nhánh ngân hàng, tổ chức tín dụng tại địa bàn hoạt động của DN mình, để được hướng dẫn làm hồ sơ vay vốn.
Chúc hoạt động kinh doanh của DN anh sớm trở lại bình thường. 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần