Nhiều chuyên gia cảnh báo, nếu không sớm thực hiện các giải pháp đồng bộ để bảo vệ nguồn nước, những sự cố tương tự có thể xảy ra trong tương lai không chỉ với riêng Nhà máy nước sạch sông Đà.
Nhiều bộ cùng quản lý
Liên quan đến việc đảm bảo an ninh, chất lượng nguồn nước, PGS. TS Nguyễn Hồng Tiến - nguyên Cục trưởng Cục Hạ tầng đô thị, Bộ Xây dựng cho biết, về chức năng quản lý Nhà nước, trong các văn bản quy phạm pháp luật hiện quy định rất rõ.
Theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP, quy định về các hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch, Bộ Xây dựng chịu trách nhiệm quản lý Nhà nước về cấp nước đô thị, Bộ NN&PTNT chịu trách nhiệm về cấp nước nông thôn, Bộ KH&ĐT, Tài chính sẽ phải đảm bảo nguồn lực, Bộ Y tế chịu trách nhiệm về các quy chuẩn… Đối với bảo vệ nguồn nước, trách nhiệm thuộc về Bộ TN&MT; ngoài ra các địa phương cũng phải chịu trách nhiệm bảo vệ nguồn nước…
|
Người dân khu đô thị Linh Đàm lấy nước sạch từ xe bồn trong những ngày nguồn nước tại Nhà máy nước Sông Đà bị ô nhiễm. Ảnh: Chiến Công |
Như vậy có thể thấy, quy định quản lý an ninh, an toàn nguồn nước, hiện không thiếu, song có thể do nhiều bộ cùng quản lý nên hiệu quả thực thi các quy định của pháp luật thiếu chặt chẽ. "Nó tương tự như vấn đề an toàn thực phẩm.
Một mâm cơm mà đến 3 bộ cùng quản lý, khó tránh sự chồng chéo" - một chuyên gia nhận xét. Vị này cho rằng, trong mọi vấn đề, điều quan trọng là cùng chung tay thực hiện nghiêm túc các quy định của pháp luật đã được đưa ra.
Phân tích sâu hơn, PGS.TS Ứng Quốc Dũng - nguyên Hiệu Phó trường Đại học Xây dựng cho biết, tại các trạm thu (hồ chứa), dù nước mặt hay nước ngầm đều có các đới (vòng) bảo vệ an ninh. Một là đới nghiêm cấm có bán kính khoảng 500m, đới bảo vệ có bán kính khoảng 1km và đới quan sát là 1,5km.
"Đối với nước mặt chúng ta phải có vòng bảo vệ ở phía thượng lưu. Mặt khác, hiện nay công tác quản lý nguồn nước tại các đơn vị bán lẻ (các công ty như Viwaco, Xí nghiệp nước sạch Hà Đông...), cũng như trên toàn mạng lưới, việc kiểm tra chất lượng nước trước khi cấp cho người dân cũng bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế" - ông Dũng nói.
Không chỉ yếu trong công tác đảm bảo an toàn, an ninh nguồn nước, công tác xử lý của đơn vị cung cấp nước (Viwasupco) cũng cho thấy những yếu kém trong chuyên môn. “Khi phát hiện nước bị nhiễm dầu, dù không có chức năng, đơn vị quản lý cũng tự tiến hành thu gom, và khử dầu trong nước bằng việc cho nhiều clo và các loại hóa chất khác vào, điều này đâu giúp nước hết mùi dầu mà nó chỉ cho thấy sự thiếu năng lực Viwasupco” - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam Nguyễn Hồng Dương chia sẻ.
Sau sự cố nguồn nước sạch của Nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu, vấn đề để tư nhân nhảy vào đầu tư lĩnh vực cung cấp nước sạch đã được xới lên mạnh mẽ. Các chuyên gia cho rằng, việc cung cấp điện, nước cũng là một loại dịch vụ công, nhưng nó không phải loại dịch vụ bình thường, người dân, khách hàng không có sự lựa chọn...
Do đó, khi chính quyền địa phương muốn tư nhân hóa lĩnh vực này cần phải phải ban hành quy định cụ thể, song tại Luật Tổ chức chính quyền địa phương, hay Luật Thủ đô lại không có quy định này…
TS Nguyễn Sỹ Dũng - chuyên gia quản trị công, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội chia sẻ, DN tư nhân luôn chạy theo lợi nhuận, cái gì thu được lợi nhuận thì họ mới nhảy vào. Song, cũng chính vì lợi nhuận mà họ có thể bỏ qua những cái khác để thu lợi một cách nhanh nhất.
Theo ông Nguyễn Sỹ Dũng, hiện nay, Hà Nội đang đưa tư nhân vào cung cấp nước sạch cho hơn 3 triệu người dân Thủ đô qua Nhà máy nước mặt sông Đuống - đây cũng là một nhà máy sử dụng nguồn nước mặt để sản xuất nước sạch.
Giả thuyết, trong trường hợp nguồn nước này bị ô nhiễm, 3 triệu người dân Thủ đô sẽ ra sao, và nguồn nước nào để thay thế. Do đó, nếu đưa tư nhân vào cung cấp các dịch vụ công như điện, nước…, nhất thiết phải có sự quản lý của Nhà nước, phải áp đặt các chuẩn mực về quản lý chất lượng.
Tăng cường vai trò quản lý của Nhà nước
Việc nguồn nước cấp cho Nhà máy nước sông Đà bị nhiễm dầu là sự cố đặc biệt nghiêm trọng, vì nó liên quan trực tiếp đến cuộc sống của hàng triệu người dân; đồng thời cũng gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về vấn đề an ninh nguồn nước. Do đó, để ngăn chặn những sự cố tương tự có thể xảy ra, cần sự thay đổi toàn diện từ quy định cung cấp dịch vụ công đến công tác phối hợp, bảo vệ an ninh, an toàn nguồn nước.
Theo PGS.TS Ứng Quốc Dũng, chính sách cổ phần hóa là đúng, nhưng cổ phần như thế nào, ở mức độ nào, bởi nước là một vấn đề quan trọng đảm bảo an toàn an ninh. Bởi hiện nay, vai trò trong việc đảm bảo an ninh nguồn nước của chính quyền địa phương đang bị xem nhẹ. Theo quy định, trong vấn đề này, đơn vị sản xuất nước sạch phải chịu trách nhiệm chính, chính quyền địa phương chỉ chịu trách nhiệm phối hợp.
Tuy nhiên, việc đảm bảo cung cấp nguồn nước là một loại dịch vụ công đặc biệt, nên cần coi nó như loại hình kinh doanh có điều kiện. Do đó, cần quy định trách nhiệm bảo vệ nguồn nước là trách nhiệm chính của các địa phương, các nhà máy chỉ có trách nhiệm phối hợp. Đặc biệt, phải sớm xây dựng và ban hành Luật Sản xuất, cung cấp, tiêu thụ nước sạch để bổ sung cho Nghị định 117 về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch hiện đã bộc lộ nhiều hạn chế.
PGS.TS Trần Đức Hạ - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Cấp thoát nước và Môi trường Việt Nam cho biết, để đảm bảo chất lượng nước, nước đạt các quy chuẩn, các đơn vị chức năng cần ban hành các quy định tạo sự phối hợp giữa các đơn vị thuộc Bộ Xây dựng, Bộ TN&MT, cơ quan quản lý địa phương… Đồng thời, xây dựng các biện pháp kỹ thuật để xử lý các sự cố có thể phát sinh như lắp đặt barie để ngăn ngừa; kiểm soát công tác xả thải của các nhà máy, trang trại trong khu vực…
Ngoài ra, công tác quan trắc, kiểm soát chất lượng nước đầu vào, đầu ra cũng cần được thực hiện thường xuyên, liên tục để kịp thời phát hiện các sự cố phát sinh, từ đó đưa ra những giải pháp xử lý kịp thời.
Có thể nói, sự cố nguồn nước cung cấp cho Nhà máy nước sạch Sông Đà bị nhiễm dầu là đặc biệt nghiêm trọng. Nhiều ý kiến cho rằng, để xảy ra sự cố như vậy mà không kịp thời xử lý, phải quy trách nhiệm, truy cứu trách nhiệm hình sự. Kể cả chính quyền nếu không có trách nhiệm cũng cần điều tra rõ để có hình thức xử lý..., để lấy lại niềm tin của người dân. Cùng với đó, các cơ quan chức năng phải sớm xây dựng, ban hành những quy định chặt chẽ hơn trong vấn đề bảo đảm an ninh nguồn nước.
Nghị định số 155/2016/NĐ-CP, về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường quy định: Trong trường hợp gây ô nhiễm, DN phải có biện pháp khắc phục hậu quả: Buộc khôi phục lại tình trạng môi trường ban đầu; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về xả chất thải vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm môi trường theo định mức; Buộc phải thực hiện các biện pháp khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường và báo cáo kết quả đã khắc phục xong hậu quả vi phạm trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính.
Theo Nghị định 117/2007/NĐ-CP, về sản xuất, cung cấp và tiêu thụ nước sạch: Đơn vị cấp nước có nhiệm vụ tổ chức sản xuất an toàn, cung cấp ổn định dịch vụ cấp nước cho các khách hàng sử dụng nước về chất lượng nước. Trường hợp xảy ra sự cố phải kịp thời thông báo cho khách hàng biết, thậm chí phải bồi thường cho khách hàng theo quy định của pháp luật. |