Tự ý sơn thếp 2 bức chạm: Ban quản lý đền Phù Đổng nhận lỗi

Linh Anh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau sự kiện tự ý đưa ngựa sắt, áo giáp sắt vào khu vực 1 di tích cách đây 4 năm, cuối tháng 3/2017, Ban quản lý đền Phù Đổng (xã Phù Đổng, huyện Gia Lâm, Hà Nội) lại một lần nữa phải nhận lỗi vì tự ý sơn son, thếp vàng 2 bức chạm có giá trị nghệ thuật từ thế kỷ XVII.

Khó khắc phục

Nhà nghiên cứu mỹ thuật Nguyễn Đức Bình – Trưởng nhóm Đình Làng Việt đã phải lên tiếng thể hiện sự bức xúc về 2 mảng chạm ở đền Phù Đổng (Gia Lâm) bị sơn đỏ lòe loẹt. Trong khi đó, nguyên gốc của mảng chạm này để mộc và được hình thành khoảng thế kỷ XVII - XVIII, mang nhiều giá trị độc đáo về mỹ thuật. Di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật đền Phù Đổng được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt năm 2013. Ngoài nghệ thuật kiến trúc, giá trị của di tích còn nằm ở hệ thống di vật, cổ vật đa dạng, phong phú về chủng loại có niên đại thời Lê Trung Hưng, Tây Sơn và thời Nguyễn. Chắc chắn 2 bức chạm ở bậu cửa sổ di tích cũng là một trong những yếu tố làm nên tổng thể xếp hạng Di tích cấp quốc gia đặc biệt của đền Phù Đổng. Theo các chuyên gia mỹ thuật, hành động sơn thếp 2 bức chạm vô tình đã phá hỏng toàn bộ giá trị của linh kiện gỗ, vì nước sơn phủ lên rất khó phục hồi, chưa kể nhiều hình dáng chạm trổ điêu luyện vì thế mà mất đi.
Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, bà Vũ Thị Hải Yến – Trưởng phòng VH&TT huyện Gia Lâm cho biết: “Sau khi nhận được thông tin, chúng tôi đã có buổi làm việc với Ban quản lý di tích đền Phù Đổng. Tại buổi làm việc, thành viên Ban quản lý đã nhận lỗi vì tự ý sơn thếp mà không báo cáo với các cơ quan chức năng. Kinh phí sơn thếp là từ nguồn tiền công đức nên đơn vị cũng không thông qua công ty được lựa chọn tu bổ”. Theo ông Trương Minh Tiến – Phó Giám đốc Sở VH&TT Hà Nội, trước đó, UBND huyện Gia Lâm có phê duyệt dự án tu bổ, tôn tạo cụm di tích đền Phù Đổng gồm các hạng mục: Đình Hạ Mã; cụm đền Thượng; cụm đền Hạ; miếu Ban; sơn thếp (đền Thượng, Đền Hạ, miếu Ban) và hạ tầng, hệ thống chiếu sáng trong và ngoài nhà, phòng cháy chữa cháy. Việc sơn thếp 2 bức chạm nghệ thuật hai bên bậu cửa và chấn song cửa sổ không nằm trong các hạng mục được tu bổ trong dự án này.
Tâm lý thích long lanh hơn để mộc
Việc sơn thếp các bức chạm, hoặc các bức tượng không chỉ xảy ra ở đền Phù Đổng, mà trước đó nhiều di tích đã bị kêu làm mới như các bức tượng cổ ở chùa Trăm Gian (Chương Mỹ, Hà Nội), cụm đình Tam Canh (Vĩnh Phúc) hoặc ở rất nhiều di tích thời Đinh, Lê… “Màu sắc trong di tích được quy định rõ ràng cho từng vị trí. Vị trí sơn thếp chỉ được dùng ở khu vực trung tâm, gần ban thờ, còn lại các khu vực khác thường để mộc. Tuy nhiên, nhiều người không hiểu nguyên tắc này nên đã phá vỡ quy định tinh tế mà ông cha ta thường giao ước” – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế cho biết. Trong khi đó, 2 bức chạm ở đền Phù Đổng nằm xa khu vực ban thờ, là một trong những hạng mục bên ngoài của di tích.
Các chuyên gia cho rằng, tâm lý của người cung tiến luôn muốn làm long lanh các đồ vật, tuy nhiên trên thực tế xu hướng thẩm mỹ chung của người Việt từ xưa là giữ đồ mộc. “Thoạt nhìn đồ mộc sẽ thấy thô sơ nhưng khi ánh sáng mặt trời hắt vào mới thấy được sự tinh tế đồ mộc mà ông cha ta vẫn sử dụng” – nhà nghiên cứu Trần Hậu Yên Thế khẳng định.
Hiện, Sở VH&TT Hà Nội đã có Công văn số 921/SVH&TT- QLDT yêu cầu UBND huyện Gia Lâm báo cáo đề xuất biện pháp xử lý những nội dung không đảm bảo yêu cầu của việc bảo quản, tu bổ di tích đền Phù Đổng. Bà Vũ Thị Hải Yến xác nhận đã nhận được công văn của Sở, đã làm việc với Ban quản lý di tích đền Phù Đổng, yêu cầu các cá nhân có liên quan phải nhận khuyết điểm, đồng thời cũng sẽ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát dự án tu bổ này.