Tuần của thị trường ngoại hối

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuần qua, thị trường tài chính thế giới chao đảo vì đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc bị phá giá. Việc này đã ảnh hưởng đến nền kinh tế của một số nước, điển hình là Việt Nam.

Việc đồng CNY của Trung Quốc được điều chỉnh giảm 4,6% trong 3 ngày liên tiếp (từ 11/8 – 13/8) là mức giảm giá mạnh nhất trong vòng 2 thập kỷ qua, kéo theo một loạt đồng tiền châu Á chủ chốt khác cũng như chỉ số giá trên thị trường hàng hóa quốc tế sụt giảm.

 
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.
Theo Ngân hàng Nhà nước (NHNN), việc thay đổi cơ chế tỷ giá của Trung Quốc bước đầu đã có tác động khá mạnh, nhưng thị trường ngoại hối của nước này và thị trường tài chính quốc tế đều đã có sự điều chỉnh từng bước để thích ứng với cơ chế mới. Cùng xu hướng này, tỷ giá và thị trường ngoại hối Việt Nam cũng dần thích nghi với biến động hàng ngày của tỷ giá USD/CNY.

Và để tạo sự chủ động, linh hoạt cho tỷ giá trước các tác động bất lợi trên thị trường quốc tế, đảm bảo khả năng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam, NHNN ban hành Quyết định số 1595/QĐ-NHNN ngày 11/8/2015 quy định về tỷ giá giao ngay giữa đồng Việt Nam với các ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép, biên độ tỷ giá giữa VND và USD được điều chỉnh tăng từ +/-1% lên +/-2%.

Theo đó, với tỷ giá bình quân liên ngân hàng hiện ở mức 21.673 VND/USD, các ngân hàng được phép điều chỉnh tỷ giá giữa VND và USD lên mức tối đa (trần) là 22.106 VND/USD và tỷ giá sàn là 21.240 VND/USD.

Sau quyết định nới biên độ tỷ giá của NHNN ngày 12/8, giá USD ngân hàng và tự do đồng loạt vọt qua ngưỡng 22.000 đồng.

Cùng với đó, sau động thái Trung Quốc phá giá đồng CNY lần thứ ba liên tiếp, ngay lập tức, thị trường ngoại hối Việt Nam lên cơn sốt chiều 13/8. Cụ thể, trong ngân hàng, giá USD niêm yết đã lên mức kịch trần theo biên độ mới. Còn ngoài thị trường tự do, giá bán USD chạm 22.300 đồng.

Sau khi nới biên độ tỷ giá lên +/-2%, nhiều ý kiến cho rằng, áp lực về tỷ giá từ nay đến cuối năm sẽ còn căng thẳng hơn các năm trước.

Theo các chuyên gia kinh tế, với việc đồng CNY giảm giá mạnh thì sức cạnh tranh của hàng Việt Nam so với Trung Quốc bị giảm khá nhiều. Hàng Trung Quốc đã có ưu thế giá rẻ, nay với việc phá giá đồng tiền, hàng hóa của họ sẽ càng rẻ thêm. Nguy cơ hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam là điều không thể tránh khỏi. Do đó, không nên chủ quan trước việc hàng Trung Quốc sẽ tràn vào Việt Nam.

Các chuyên gia cho rằng, Việt Nam cần phải có nỗ lực để ứng phó việc Trung Quốc phá giá CNY, bằng việc kêu gọi người Việt dùng hàng Việt, thay đổi chính sách đầu tư, nâng cao chất lượng hàng hóa sản xuất trong nước để thu hẹp khoảng cách xuất khẩu và nhập khẩu giữa Việt Nam với Trung Quốc…

Phó Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho rằng, việc Ngân hàng T.Ư Trung Quốc giảm mạnh giá đồng NDT vừa qua là cú sốc mới, kéo theo một loạt đồng tiền chủ chốt của châu Á giảm giá. Việc giảm giá đồng tiền của các nước này sẽ có tác động bất lợi tới tỷ giá và xuất nhập khẩu của chúng ta.

Giải thích lý do không điều chỉnh tăng tỷ giá bình quân liên ngân hàng như những lần trước mà lại tăng biên độ tỷ giá lần này, Phó Thống đốc cho rằng, việc nới biên độ tỷ giá sẽ tạo linh hoạt trong điều hành tỷ giá nhưng vẫn đảm bảo duy trì ổn định vĩ mô, giúp nền kinh tế đối phó tốt hơn với biến động trên thị trường tài chính quốc tế.

Việc điều chỉnh tỷ giá và thay đổi cơ chế tỷ giá của Trung Quốc đã có những ảnh hưởng nhất định đến thị trường của Trung Quốc, quốc tế và Việt Nam. Tuy nhiên, các thị trường đang tự điều tiết để làm quen với cơ chế này và đang dần có sự ổn trở lại.

Cụ thể, từ ngày 14/8, thị trường ngoại tệ đã có xu hướng ổn định trở lại, tỷ giá USD/VND trên thị trường liên ngân hàng đã giảm thấp hơn so với mức trần, bảo đảm thanh khoản.

Cùng ngày, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp với các ban, bộ, ngành, cơ quan liên quan về việc đồng CNY của Trung Quốc giảm giá và những tác động, ảnh hưởng có thể đến nền kinh tế Việt Nam. Thủ tướng đánh giá cao phản ứng chính sách kịp thời, phù hợp bước đầu của NHNN và các bộ, ngành.

Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu các ban, bộ, ngành thực hiện nhất quán điều hành chính sách tiền tệ, tỉ giá chủ động, linh hoạt theo tín hiệu thị trường, bảo đảm ổn định giá trị đồng tiền Việt Nam; phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách khác để giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô.

Ngoài ra, tiếp tục nghiên cứu, xây dựng hệ thống các giải pháp mang tính tổng thể, dài hạn, bảo đảm môi trường ổn định và thuận lợi cho phát triển nhanh và bền vững.