Một trong những nội dung đáng chú ý là Quốc hội sẽ dành 2 ngày (27, 28/10) để thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, tình hình thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước, kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách Trung ương năm 2023.
Quốc hội cũng sẽ cho ý kiến về việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.
Liên quan đến hoạt động lập pháp của Quốc hội, từ 24-26/10, Quốc hội sẽ cho ý kiến đối với các Dự án luật: Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi), Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật Giao dịch điện tử (sửa đổi), Luật Thanh tra (sửa đổi), Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), Luật Dầu khí (sửa đổi), Luật Phòng thủ dân sự, Luật Phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi) và 2 dự thảo Nghị quyết về thí điểm cấp quyền lựa chọn sử dụng biển số ô tô thông qua đấu giá; và thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Trước đó, trong tuần làm việc đầu tiên của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã họp về công tác nhân sự, đã tiến hành miễn nhiệm Tổng Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2021-2026, phê chuẩn việc miễn nhiệm Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải nhiệm kỳ 2021-2026; Quốc hội cũng đã tiến hành quy trình bầu Tổng Kiểm toán Nhà nước đối với ông Ngô Văn Tuấn; đồng thời phê chuẩn bổ nhiệm nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế với bà Đào Hồng Lan và Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đối với ông Nguyễn Văn Thắng.
Quốc hội cũng đã thảo luận tại tổ về tình hình kinh tế xã hội và ngân sách năm 2022 và 2023; thảo luận việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh; thực hiện công tác lập pháp đối với các dự án luật: Luật Phòng, chống rửa tiền (sửa đổi), Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tần số vô tuyến điện, Luật Hợp tác xã (sửa đổi), Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở.