Từng bước đưa áo dài trở thành di sản văn hoá phi vật thể

Minh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Việt Nam đang nỗ lực để công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) quốc gia hướng tới đề trình ghi danh vào danh sách DSVHPVT đại diện của nhân loại. Thời gian qua, nhiều hoạt động đã được tổ chức nhằm ráo riết chuẩn bị ghi danh áo dài vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO xem xét.

Đa dạng các hoạt động quảng bá

Nhằm bảo tồn, phát huy hiệu quả giá trị di sản áo dài tiến tới xây dựng hồ sơ đệ trình Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hợp Quốc (UNESCO) công nhận là di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa phê duyệt đề cương đề án “Huế - Kinh đô áo dài”.

Đề án đặt ra nhiều mục tiêu cụ thể, như: Tuyên truyền, quảng bá về giá trị, thương hiệu Áo dài Huế, xây dựng và phát triển thương hiệu “Huế- Kinh đô Áo dài Việt Nam”. Khuyến khích từng bước đưa Áo dài Huế trở thành trang phục truyền thống trong các không gian văn hóa, hoạt động lễ nghi, lễ hội truyền thống nhằm tạo nét đặc trưng riêng có của vùng đất Cố đô Huế. Tổ chức Ngày hội Áo dài Huế trở thành chuỗi sự kiện văn hóa cộng đồng, được tổ chức định kỳ 2 lần/năm, là điểm nhấn của các kỳ lễ hội tại Huế, đặc biệt là các kỳ Festival Huế.
 Trình diễn áo dài trong khuôn khổ chương trình ''Áo dài - Di sản văn hóa Việt Nam'' tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Lại Tấn.

Ngoài ra, đề án cũng đặt mục tiêu sẽ xây dựng, củng cố hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hiện nay, Sở VH&TT tỉnh Thừa Thiên Huế đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị để xây dựng hồ sơ trình Bộ VHTT&DL đưa áo dài vào danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nhằm bảo tồn, giữ gìn bản sắc áo dài truyền thống, hướng tới chuẩn bị ghi danh áo dài vào Danh mục Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, những năm qua, Bộ VHTT&DL đã phối hợp với nhiều bộ, ngành, địa phương tổ chức nhiều chương trình, sự kiện, hoạt động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm của các tầng lớp Nhân dân trong việc gìn giữ, phát huy giá trị của áo dài truyền thống cũng như đề ra những giải pháp quản lý, bảo vệ phù hợp, bảo đảm sức sống của di sản.

Đơn cử, vào tháng 4/2021, hơn 600 bộ áo dài đa dạng về phong cách, kiểu dáng, sắc màu cùng hội tụ, khoe vẻ đẹp tại không gian văn hóa Văn Miếu – Quốc Tử Giám (Hà Nội) trong sự kiện “Áo dài của chúng ta”. Trước đó, chào mừng thành công Đại hội XIII của Đảng và kỷ niệm 111 năm Ngày Quốc tế Phụ nữ (8/3/1910 - 8/3/2021), T.Ư Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phát động "Tuần lễ áo dài" từ ngày 1-8/3 trên toàn quốc. Ngoài ra, tại Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam, một chuỗi các hoạt động kỷ niệm, tôn vinh áo dài Việt Nam được tổ chức. Bên cạnh việc vận động cán bộ, công nhân viên mặc áo dài, bảo tàng đã tiếp nhận hình ảnh, tài liệu hiện vật với chủ đề "Ký ức và di sản".

Đại diện cho văn hoá Việt Nam

Theo các chuyên gia, những nỗ lực để ghi danh áo dài thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia là bước quan trọng, là nền tảng để xây dựng hồ sơ áo dài trình UNESCO theo Công ước 2003. Ý tưởng này không mới, nhưng gần đây càng trở nên bức thiết hơn bao giờ hết. Lo ngại này không vô căn cứ, bởi những năm trước từng xảy ra sự việc trang phục lai căng na ná áo dài, rồi gần nhất là Ne Tiger “lấy cảm hứng” từ thiết kế áo dài của nhà thiết kế Thủy Nguyễn, biến thành trang phục của nước khác, mang tên Tuần lễ thời trang Trung Quốc Xuân-Hè 2019. “Việc khẳng định bản quyền áo dài của Việt Nam cần được đặt ra một cách cấp thiết và nhanh chóng thực hiện” - GS.TS Từ Thị Loan - nguyên Quyền Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam chia sẻ.
 Hình ảnh áo dài Việt Nam. Ảnh: Lại Tấn.

Còn theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam: “Dù nhà nước Việt Nam chưa ra một văn bản luật chính thức nào khẳng định áo dài là quốc phục Việt Nam, nhưng từ lâu nó được đa số nhân dân mặc định là áo dài dân tộc hay trang phục truyền thống của phụ nữ Việt Nam”.

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn chỉ rõ áo dài không chỉ đơn thuần là một loại trang phục dân tộc, nó còn chứa đựng cả một bề dầy lịch sử, truyền thống văn hóa, tính triết lý, những quan niệm thẩm mỹ nghệ thuật, ý thức và tinh thần dân tộc của người Việt Nam. Áo dài giờ đây không chỉ là biểu tượng cho hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, mà còn đại diện cho văn hóa Việt Nam, bản sắc dân tộc Việt Nam ra thế giới.

Chính vì vậy, Việc tỉnh Thừa Thiên Huế, nơi được coi là "cái nôi của áo dài truyền thống", có chương trình hành động lớn để bảo tồn, phát huy giá trị áo dài với những lộ trình cụ thể, sẽ hứa hẹn mang lại hiệu quả trong việc tiến tới lập hồ sơ trình UNESCO công nhận áo dài là di sản văn hoá phi vật thể của nhân loại.

Để làm một hồ sơ nói chung về danh sách phi vật thể và hồ sơ áo dài nói riêng có nhiều khó khăn, thách thức. Mọi người đều nghĩ, áo dài Việt Nam rất xứng đáng. Tuy nhiên, thời gian tới, chúng ta phải tiếp tục xin ý kiến các chuyên gia về di sản, các nhà sưu tầm để xem giá trị phi vật thể áo dài là gì để có thể xác định rõ ràng các yếu tố, đưa vào hồ sơ.

PGS.TS Nguyễn Thị Hiền - Phó Viện trưởng Viện VHNT quốc gia Việt Nam.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần