Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tước hiệu càng khó càng có giá trị

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hàng năm, các nghệ sĩ nhiếp ảnh (NSNA) Việt Nam mang về hàng trăm giải thưởng từ các "đấu trường" quốc tế. Thế nhưng, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam Vũ Quốc Khánh nói rằng, những người làm nhiếp ảnh vẫn muốn "mở" nhiều hoạt động có quy mô toàn quốc và quốc tế để tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Đây cũng là điều giới nhiếp ảnh "hứa" sẽ làm

Tước hiệu càng khó càng có giá trị - Ảnh 1

 Nhiều người nói rằng, nhiếp ảnh có nhiều lợi thế để hội nhập, cũng vì thế mà các nghệ sĩ nhiếp ảnh giành được nhiều giải thưởng quốc tế?

- Đúng là nhiếp ảnh là một trong những chuyên ngành nghệ thuật hội nhập quốc tế đơn giản, nhanh, rẻ và thuận lợi nhất. Hiện nay, khi internet, tin học ngày càng phát triển, mỗi năm một nghệ sĩ có thể gửi hàng trăm bức ảnh dự thi quốc tế. Nhưng đó không phải lý do chính giúp các nghệ sĩ nhiếp ảnh đoạt giải. Theo tôi, nghệ thuật là sáng tạo cái mới, cái lạ mà ảnh của Việt Nam lạ so với thế giới nên dễ đạt giải. Tất nhiên, không thể phủ nhận tài năng của các nghệ sĩ, bằng chứng là NSNA Hoàng Quốc Tuấn, NSNA Lê Hồng Linh đã được Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế (FIAP) phong tước hiệu MFIAP (nghệ sĩ nhiếp ảnh bậc thầy) - tước hiệu cao nhất của tổ chức này.

Từ năm 1991, khi Hội NSNA Việt Nam trở thành thành viên của FIAP, Hội cũng bắt đầu trao tước hiệu cho các hội viên như Nghệ sĩ đặc biệt xuất sắc (EVAPAG), Nghệ sĩ Nhiếp ảnh xuất sắc (EVAPA). Nhưng đến giờ tước hiệu EVAPAG mới được trao cho 8 người. Có phải những tiêu chí phong tước hiệu này quá khắt khe?

- Tiêu chí xét phong tước hiệu EVAPAG rất khắt khe. Người được xét phong tước hiệu này phải là hội viên đã được phong tước hiệu EVAPA ít nhất 5 năm. Phải có 20 tác phẩm riêng biệt đạt các tiêu chí sau: Đoạt giải hoặc được treo trong các cuộc thi và triển lãm ảnh nghệ thuật quốc gia hoặc đoạt giải Nhất, Nhì, Ba và Khuyến khích trong các cuộc thi ảnh khu vực, bộ, ngành do Hội NSNA Việt Nam tổ chức; ảnh được tặng Cup VAPA, giải thưởng xuất sắc hàng năm của Hội NSNA Việt Nam hoặc đoạt giải thưởng lớn, Huy chương Vàng, Bạc, Đồng và Bằng Danh dự tại các cuộc thi ảnh quốc tế do FIAP tổ chức, bảo trợ. Đặc biệt, trong đó 20 tác phẩm, phải có ít nhất 5 Huy chương Đồng quốc gia (hoặc 3 Huy chương Đồng quốc gia và 2 Huy chương Đồng FIAP). Ngoài ra, phải có ít nhất 2/3 trong bộ ảnh 20 tác phẩm gửi xét tước hiệu được Hội đồng Nghệ thuật của Hội thẩm định đạt chất lượng cao

Ngày 15/3 tới, Hội sẽ trao tước hiệu EVAPAG cho 5 NSNA: Phạm Hùng Cường và Đặng Ngọc Thái (Hà Nội), Trần Phong (miền Trung), Bùi Ngọc Sơn (TP Hồ Chí Minh), Lê Nguyễn (Cà Mau). Về mặt chuyên môn, những người được phong tước hiệu EVAPAG giỏi nghề, có bề dày sáng tác và nhiều tác phẩm có giá trị. Cùng với tiêu chí khắt khe, Hội cũng tổ chức chấm rất chặt chẽ nên không phải ai cũng hài lòng. Tôi cho rằng, càng khó bao nhiêu thì tước hiệu càng có giá trị bấy nhiêu.

Những hoạt động mà các nghệ sĩ  nhiếp ảnh sẽ làm để tăng cường quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam hẳn sẽ có điểm nhấn ấn tượng?

  - Hội sẽ tổ chức cuộc thi ảnh quốc tế "VN 13" lần thứ 7 với sự bảo trợ của FIAP. Năm 2011, cuộc thi đã thu hút 1.600 tác giả nước ngoài với 11.000 tác phẩm dự thi. "VN 13" lần thứ 7 sẽ được tổ chức tại Vịnh Hạ Long, Quảng Ninh. Đồng thời, chúng tôi muốn mời các nghệ sĩ nhiếp ảnh tới đây để họ cùng hưởng ứng Năm Du lịch quốc gia khu vực đồng bằng sông Hồng - Hải Phòng 2013. Bên cạnh đó, Hội sẽ đẩy mạnh công tác đối ngoại để tạo điều kiện cho các NSNA gửi tác phẩm tham gia các cuộc thi ảnh quốc tế.

15/3 này là kỷ niệm Ngày truyền thống của Hội NSNA Việt Nam, cũng là "mốc" 60 năm thành lập ngành nhiếp ảnh. Người làm nhiếp ảnh có ngồi lại với nhau để nhìn về chặng đường đã đi và chặng đường phía trước?

- Khác với những năm trước, lễ kỷ niệm Ngày truyền thống của Hội năm nay sẽ được tổ chức rầm rộ hơn với nhiều hoạt động. Ngày 15/3 sẽ có hội thảo "20 năm Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực" để đánh giá những mặt tích cực và hạn chế trong 20 năm tổ chức "Liên hoan ảnh nghệ thuật khu vực". Qua đó, đề ra những phương án đổi mới hợp lý cho hoạt động thường niên này. Buổi chiều, sẽ diễn ra Lễ kỷ niệm 60 năm ngày truyền thống, trong đó có nhắc đến quá trình xây dựng, phát triển của Hội, từ khi Bác Hồ ký Sắc lệnh thành lập Doanh nghiệp Quốc doanh chiếu bóng và chụp ảnh Việt Nam (15/3/1953 - 15/3/2013) đến nay. Sau đó, Bộ VHTT&DL sẽ trao tặng Kỷ niệm chương cho các nghệ sĩ sáng lập Hội, những đồng chí tham gia công tác Hội lâu năm, có nhiều đóng góp cho ngành Nhiếp ảnh. Hội sẽ công bố Quyết định và trao Bằng  khen, phong tước hiệu và trao giải xuất sắc năm 2012 cho các nghệ sĩ phía Bắc. Dịp này, Hội cũng tổ chức triển lãm trưng bày khoảng 30 Huy chương Vàng của 8 khu vực cả nước từ năm 2010 đến nay và bộ ảnh của 26 hội viên được Giải thưởng Hồ Chí Minh và Nhà nước để mọi người thấy được sức mạnh của nhiếp ảnh.

Xin cảm ơn ông!