Tuổi già nên độc lập, tự chủ

An Khánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Con nào cũng là con, con nuôi hay con đẻ hay thậm chí là không có con cũng không sao. Tuổi già cũng nên độc lập, chúng ta có thể sống chung với con cái nhưng không có nghĩa ta phụ thuộc vào chúng.

 Ảnh minh họa.
Một ngày giữa tiết trời mát mẻ của thu sang, người ta thấy cặp vợ chồng ngót nghét cũng gần 70 tuổi tay xách túi balo lỉnh kỉnh bước xuống từ một chiếc taxi Thủ Đô, họ kháo nhau “chắc ông bà về quê ở luôn".
Cách đây 3 năm, ông bà bỏ lại nhà ở quê, đầu tư hết số tiền tích góp cả đời để mua cho cô con gái một căn chung cư ở Thủ đô Hà Nội, rồi ông bà cũng dọn ra ở cùng con cho vui và để phụ chăm cháu. Cô con gái duy nhất của ông bà vừa ly hôn và cô quyết định chuyển công tác vì nhà chồng cách cũng không xa, cô ngại ở gần đi lại đụng chạm. Ông bà chiều con nên ở cái tuổi người ta tìm đường hồi hương thì ông bà lại xách túi đi sống xa xứ.
Nghe người trong làng kể, cô con gái không phải con ruột, mà được ông bà nhận nuôi tại bệnh viện của huyện. Ngày xưa, hai ông bà lấy nhau cũng nhiều năm, chạy chữa mãi mà không có con, trong một lần đi lấy tin ở bệnh viện, ông nghe nói có một người phụ nữ sinh con xong rồi bỏ đi mất. Ông tới hỏi thăm tình hình, nhìn bé gái đáng yêu kháu khỉnh, ông chạy xe một mạch về nhà nói với bà, rồi ông chở bà xuống viện thăm bé gái. Khao khát có một đứa con bao năm chưa được, bà cũng muốn có một đứa, con nuôi cũng được.
Vậy là ông bà trao đổi với bệnh viện rồi làm thủ tục nhận con nuôi. Ông bà yêu thương con bé hết mực. Rồi đến năm con bé khoảng 8 - 9 tuổi gì đó, không biết nó nghe ai nói mà về nhà khóc lóc bảo ông bà không phải bố mẹ ruột của nó, rồi nó đòi bố mẹ ruột. Ông bà nhói lòng, dẫu biết trước sẽ có ngày này, nhưng không ngờ sớm quá, con bé còn nhỏ chưa hiểu chuyện, mà kỳ thực chính ông bà cũng không biết bố mẹ ruột của con bé là ai.
Và cũng từ đó tính cách con bé thay đổi, mỗi lần đòi hỏi không được như ý là con bé đòi bỏ nhà đi tìm bố mẹ ruột, ông bà quát mắng nó cũng đòi bỏ nhà đi. Đỉnh điểm ngày học lớp 8, sau khi bị bà mắng vì còn nhỏ đã son phấn lòe loẹt. Vậy là nó gào lên, đập đồ bảo rằng “Bà không phải mẹ ruột của tôi, bà đừng can thiệp vào cuộc sống của tôi". Từ đó, ông bà không dám nặng lời quát mắng mỗi khi nó hư, nó muốn gì chiều nấy. Suốt những năm cấp 2, cấp 3, tôi chỉ toàn nghe những chuyện son phấn và yêu đương của con bé. Chuyện tình con bé cũng trắc trở, yêu rất nhiều người nhưng rồi cuối cùng lại chấp nhận lấy một người nó không yêu.
Và vì lấy một người mình không yêu nên con bé rất hờ hững với chồng và cả gia đình chồng. Sau khi sinh được thằng cu đầu lòng, con bé vứt hết cho bố mẹ chồng chăm, sau giờ làm nó tranh thủ tụ tập bạn bè, còn chồng nó đi làm về thì chơi và chăm con, tiền lương cũng đưa nó. Bố mẹ chồng không thể chấp nhận được con dâu như vậy nên đã nói rất nhiều lần, thậm chí gặp cả bố mẹ của nó để nói. Thế là nó đòi ly hôn sau 2 năm cưới, sau ly hôn nó nằng nặc đòi ra Thủ đô ở nhưng không muốn ở nhà thuê. Vậy là ông bà gom hết tiền tích góp bao năm mua cho nó căn chung cư, rồi ông bà dọn ra ở cùng để chăm cháu cho nó đi làm. Mấy năm nay, thi thoảng cũng thấy ông bà về quê chơi, lễ Tết cả nhà cùng về, thấy ông bà có vẻ mệt mỏi. Nhiều người nhìn vào hoàn cảnh của ông bà thì ngao ngán lắc đầu “con mình rứt ruột đẻ ra nhiều khi còn đối xử tệ với mình huống gì con nuôi".
Đợt này ông bà dọn đồ về quê, chắc ở luôn chứ không ra lại Thủ đô nữa, có lẽ ông bà đã quá mệt mỏi, mong có đứa con dựa vào lúc tuổi già nhưng đến cái tuổi thất thập cổ lai hy này ông bà vẫn phải nai lưng lo cho con cháu.
Ở Việt Nam, văn hóa là phải có con để được nhờ lúc về già, thế nên đa phần các bậc phụ huynh sẽ làm mọi thứ cho con để mong về già nó nuôi mình. Nhưng họ đã quên đi một điều rằng, tại sao mình có thể nuôi một đến vài đứa con mấy chục năm trời mà lại không lo cho chính tương lai của mình khi về già được? Xã hội bây giờ đã phát triển, nếu không muốn vào viện dưỡng lão, chúng ta cũng có thể tích góp tiền để tự lo cho bản thân, thay vì đổ hết của cải cho chúng để rồi tuổi già tự biến mình thành “gánh nợ" của con. Còn con cái, lo cho chúng đến tuổi 18 - 20, hoặc cùng lắm là lo cho chúng đến khi chúng học xong Đại học, rồi hãy để chúng tự bơi.
Con nào cũng là con, con nuôi hay con đẻ hay thậm chí là không có con cũng không sao. Tuổi già cũng nên độc lập, chúng ta có thể sống chung với con cái nhưng không có nghĩa ta phụ thuộc vào chúng.