Tuổi nghỉ hưu sẽ tăng lên 65

Thủy Trúc (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đó là chia sẻ của Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Doãn Mậu Diệp với báo giới, bên lề hội nghị Tổng kết công tác năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018, do Bộ LĐTB&XH tổ chức ngày 17/1.

Theo Thứ trưởng, hiện nay, Bộ LĐTB&XH có nhiều phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu và không áp dụng đối với tất cả các ngành.
Thứ trưởng có thể nói rõ hơn đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của Bộ LĐTB&XH?

- Bộ LĐTB&XH đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nam lên 62 và của nữ 60 tuổi, lộ trình thực hiện từ năm 2021 xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Thứ nhất, tuổi nghỉ hưu 55 đối với nữ và 60 với nam được quy định từ năm 1961 đến nay đã hơn 50 năm nhưng chưa điều chỉnh. Trong khi, các nước đều hướng tới tăng dần tuổi nghỉ hưu, nhiều quốc gia quy định tuổi làm việc tới 65 – 67. Thứ hai, Chúng ta mong muốn thu hẹp khoảng cách về tuổi nghỉ hưu giữa nam và nữ, đây cũng là nội dung trong Công ước loại bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ. Hơn nữa, rất nhiều nghiên cứu của Tổ chức lao động quốc tế và Ngân hàng Thế giới khuyến nghị Việt Nam cần tăng tuổi nghỉ hưu để đảm bảo cân bằng quỹ BHXH.

Hiện nay, Bộ có nhiều phương án về lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu. Phương án hiện nay đưa ra trong dự thảo sửa đổi Bộ luật Lao động (BLLĐ) là mỗi năm tăng 6 tháng đến khi nam đạt 62 tuổi, nữ 60 tuổi sẽ dừng. Về lâu dài, sẽ tăng dần tuổi làm việc lên 65. Nhưng cũng có một phương án khác, đó là mỗi năm tuổi nghỉ hưu của nam và nữ tăng dần 3 tháng. Bởi nếu điều chỉnh nhanh quá có thể gây ra cú sốc về thị trường lao động.

Kéo dài tuổi làm việc sẽ áp dụng cho tất cả các ngành, thưa ông?

- Tăng tuổi nghỉ hưu là điều chỉnh lâu dài chứ không phải thực hiện ngay lập tức. Do đó, hiện nay trong dự thảo sửa đổi BLLĐ, Bộ đang đề nghị tăng độ tuổi lao động. Tất nhiên không phải tất cả các ngành nghề đều nâng lên thành 60 và 62 tuổi với nữ và nam. Bộ LĐTB&XH sẽ phối hợp với các bộ, ngành trong việc đánh giá lao động chất lượng cao, những ngành đòi hỏi kỹ năng, kinh nghiệm cần nâng tuổi nghỉ hưu. Bên cạnh đó, vẫn có những nhóm ngành, người lao động (NLĐ) nghỉ hưu ở tuổi 55 – 57 nhưng phải qua quá trình giám định sức khỏe lao động.

Cùng với việc tăng tuổi nghỉ hưu, chính sách BHXH sẽ có sự thay đổi thế nào?

- Sắp tới, chính sách BHXH sẽ được điều chỉnh theo hướng tăng lợi ích của những người bảo lưu và tham gia BHXH để cải thiện tốt hơn chế độ lương hưu. Các nhóm lương hưu thấp hoặc NLĐ về hưu trước năm 1995 có thể được điều chỉnh mức tăng tuyệt đối nhiều hơn. Những người có lương hưu cao, mức tăng tuyệt đối thấp hơn, chứ không cố định 7%. Hiện, những người lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng được tăng 91.000 đồng. Những người lương hưu 100 triệu đồng/tháng mức tăng lên tới 7 triệu đồng. Đó là những điều bất hợp lý đang tồn tại trong BHXH cần thay đổi để tăng sự chia sẻ, giảm khoảng cách về mức sống giữa những người nghỉ hưu. Ngoài ra, sẽ thiết kế thêm nhiều chính sách BHXH khác. Đối với những ngành nghề lao động chân tay thu nhập thấp, đến một độ tuổi nào đó NLĐ không làm việc được, các DN sử dụng những lao động này được hỗ trợ về đóng BHXH, tiền lương để NLĐ được duy trì việc làm.

Xin cảm ơn ông!