Tuổi nhỏ làm việc nhỏ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trẻ em cần được làm một số việc vặt. Khi giúp người lớn những công việc nhỏ trong nhà, bé sẽ học được tinh thần trách nhiệm với mọi vật xung quanh.

Điều này cũng sẽ giúp bé rèn luyện những kỹ năng vận động. Ngoài ra, bé còn cảm thấy tự hào là mình trở nên quan trọng như một phần trong gia đình, đồng thời cũng là cách nhẹ nhàng cho bé hiểu dần mình không phải lúc nào cũng là “cô chiêu, cậu ấm”.

Trong những năm đầu của tuổi mẫu giáo, giá trị thực sự của việc giao cho bé những công việc nhỏ trong nhà không phải để bớt gánh nặng cho bố mẹ vì bản thân bố mẹ phải chú ý hướng dẫn bé những công việc lần đầu, thậm chí còn phải hướng dẫn bé nhiều lần. Trẻ ở tuổi chập chững này rất thích giúp đỡ những việc vặt trong nhà. “Khai thác” sự hăng hái này của bé sẽ giúp mọi việc dễ dàng hơn rất nhiều. Khi lớn lên, bé có thể thực hiện được những công việc phức tạp hơn và độc lập hơn.

Đừng đánh giá thấp khả năng của bé. Các ông bố bà mẹ thường đánh giá thấp những gì con cái có thể làm được. Khi đứa trẻ lớn hơn, họ sẽ rơi vào hoàn cảnh mình phải làm cho con những điều mà đứa trẻ hoàn toàn có khả năng tự thực hiện được như tự pha sữa hay dọn dẹp phòng riêng.

Rèn luyện những công việc cá nhân cơ bản

Đánh răng, rửa mặt, đi vệ sinh, rửa tay và tự mặc quần áo là những “công việc” đầu tiên bé phải học. Phần lớn các bậc phụ huynh không cần phải đắn đo khi yêu cầu bé làm những việc này. Còn việc nhà thì nên kết hợp đan xen để dạy cho bé những trách nhiệm chung. Lựa chọn cho bé những công việc phù hợp với lứa tuổi. Nếu công việc quá khó hay phức tạp, bé sẽ cảm thấy bực bội và chán nản dẫn đến bỏ dở. Mặt khác, bạn không nên giao cho bé những việc vặt liên quan đến những đồ vật nguy hiểm (như lấy dao, kéo) hay dễ vỡ (cốc, chén).

- Lên 2 tuổi, bé có thể làm được những việc nhỏ như bỏ quần áo bẩn vào giỏ, bỏ rác vào thùng, dọn đồ chơi sau khi chơi xong, chia quần áo sáng màu và tối màu cho vào máy giặt.

- Lên 3 tuổi, bé có thể làm những việc nhỏ như xếp tất chân theo màu sắc, tưới cây, cho vật nuôi ăn (thức ăn sẵn), dọn thức ăn mình làm đổ, tự lấy tự cất dọn đĩa ăn của mình sau khi ăn, giúp rửa xe.

- Lên 4 tuổi, bé có thể làm những công việc nhỏ như sắp xếp bát đũa ra bàn trước khi ăn, gấp khăn, lau chùi, tự gấp chăn sau khi ngủ dậy, tự rót sữa, phụ bếp, quét nhà (bằng chổi nhỏ).

Đừng quá kỳ vọng

Có thêm sự giúp đỡ từ những “giúp việc tí hon” có thể khiến công việc của bạn kéo dài hơn. Hãy tự nhủ rằng, bạn đang đặt những nền tảng ban đầu để sau này bé có thể thực sự giúp bạn. Mọi công việc đều cần có quá trình học hỏi và làm quen, hơn nữa, khả năng tập trung của trẻ chưa cao. Đừng luôn đòi hỏi con bạn phải theo đúng các bước của công việc hàng ngày mà không cần nhắc nhở. Bạn cũng không nên kỳ vọng bé sẽ làm tốt ngay từ lần đầu tiên.

Không phân biệt giới tính trong công việc

Hãy cho các bé trai làm cả những việc trong bếp như sắp xếp bát đũa, rửa hoa quả. Còn các bé gái cũng có thể đôi lúc là những việc “nam tính” như giúp bố rửa xe ô tô, tra dầu xe đạp của bé.

Hướng dẫn công việc một cách cụ thể

“Con dọn phòng đi” là một câu nói quá chung chung và hơi lớn lao quá đối với trẻ mẫu giáo. Bạn nên hướng dẫn cụ thể những gì bạn muốn bé làm để dọn phòng (Con cất đồ chơi vào tủ nào, Con bỏ giúp mẹ quần áo bẩn vào giỏ). Những lần đầu tiên, bạn nên làm hướng dẫn cho bé. Không yêu cầu quá nhiều việc cùng lúc. Bạn chỉ nên yêu cầu từng công việc một, cùng một lúc bạn đưa ra ba hay bốn yêu cầu sẽ khiến bé bối rối. Nhiều khả năng bé sẽ không nhớ được hoặc làm lẫn lộn.

Giữ không khí làm việc vui vẻ

Vấn đề đối với công việc là chúng thường có tính lặp lại. Khi mà sự hào hứng đã mất đi, thì cảm giác cực nhọc sẽ xuất hiện. Bạn có thể giữ cho công việc thú vị bằng cách tạo ra một không khí hấp dẫn.
 
Cho dù bé vẫn chưa biết đọc, bạn có thể lên một bảng hướng dẫn công việc qua các hình vẽ thể hiện những công việc cần làm. Đừng quên sức mạnh của những giai điệu bài hát với trẻ mẫu giáo. Bạn thậm chí có thể tự “sáng tác” ra những giai điệu ngây ngô về việc cất đồ chơi vào tủ hay nhặt quần áo vào giỏ. Đừng làm lại những việc bé đã thực hiện. Nếu chiếc khăn ăn không thực sự ngay ngắn trên bàn hay chăn bé gấp chưa được vuông vắn thì đó cũng không phải là thảm họa đối với bạn phải không nào? Bạn có thể hướng dẫn bé làm trước đó rồi để bé tự làm. Còn nếu bạn làm lại công việc bé đã nỗ lực sẽ khiến bé thấy tủi thân và không còn hào hứng giúp đỡ.

Khen ngợi khi công việc hoàn thành xuất sắc

Trẻ mẫu giáo phát triển rất tốt nhờ những sự động viên tích cực. Vậy nên các bố mẹ hãy tích cực tán dương hơn là chỉ trích khi bé làm việc. Hãy nói cho bé biết bạn đánh giá cao nỗ lực của bé và đó là điều quan trọng nhất. Hãy luôn nói với bé theo cách dễ hiểu nhất: “Khi con dọn bàn ăn giúp mẹ, thì mẹ có thể chuẩn bị đồ ăn nhanh hơn và cả nhà có thể cùng ăn cơm sớm hơn”. Đừng trả công bằng tiền. Trẻ mẫu giáo còn quá nhỏ để có thể hiểu được giá trị của đồng tiền.
 
Cho tiền khi bé giúp việc vặt không có mấy ý nghĩa với bé. Lí do hợp lý nhất để cho bé tiền tiêu vặt là để giúp bé các khái niệm như tiết kiệm tiền cho một mụ đích nào đó hoặc tập đưa ra những quyết định về chi tiêu. Trả tiền công cho bé sẽ làm mất đi mục đích tốt đẹp khi bạn giao việc cho bé. Đó là dạy cho bé hiểu giá trị của những đóng góp vào công việc gia đình và đem lại cho bé niềm tự hào khi hoàn thành tốt công việc.