Tuổi thọ trung bình của Việt Nam cao hơn Thái Lan

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Theo báo cáo Phát triển con người 2010 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9/11 tại Hà Nội, Việt Nam hiện đứng thứ 113 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ cao hơn năm ngoái một bậc.

KTĐT - Theo báo cáo Phát triển con người 2010 của Chương trình Phát triển Liên hợp quốc (UNDP) công bố ngày 9/11 tại Hà Nội, Việt Nam hiện đứng thứ 113 trong bảng xếp hạng về chỉ số phát triển con người (HDI), chỉ cao hơn năm ngoái một bậc.

Dù tăng trưởng bền vững từ giữa những năm 1990, nhưng chỉ số HDI của Việt Nam lại tăng trưởng chậm lại từ giữa những năm 2000, nguyên nhân là do giảm sút tự nhiên trong tốc độ tăng tuổi thọ, cũng như sự chậm lại trong các cải thiện về giáo dục, đặc biệt giáo dục trung học và bậc cao hơn.

Mặc dù trong báo cáo này, Việt Nam đứng thứ 8 trên thế giới trong danh sách các quốc gia đạt nhiều tiến bộ về thu nhập bình quân đầu người, tăng gấp 5 lần trong vòng 4 thập kỷ qua. Tuy nhiên, chỉ dựa vào mức thu nhập thôi chưa đủ.

Ông John Hendra, Điều phối viên thường trú Liên hợp quốc tại Việt Nam cho rằng đánh giá HDI không nên chỉ dựa trên thu nhập quốc gia để đo lường sự phát triển của mỗi nước như vẫn làm từ trước  đến nay mà còn cần tính đến tuổi thọ và tỉ lệ biết chữ. Bản thân tăng trưởng kinh tế không tự động cải thiện chất lượng cuộc sống cho người dân

Báo cáo cũng cho thấy, tuổi thọ trung bình ở Việt Nam tăng đáng kể từ 49 tuổi năm 1970 lên 75 tuổi năm 2010, cao hơn so với Thái Lan (69,3), Philippines (72,3) và tuổi thọ bình quân ở khu vực Đông Á - Thái Bình Dương (72.8). Đồng thời Việt Nam cũng đã thực hiện tốt trên phương diện bình đẳng giới khi xét tới tỷ lệ sinh sản tuổi vị thành niên, tỷ lệ nữ trong Quốc hội và tỷ lệ nữ tham gia lực lượng lao động.

Hiện Na Uy vẫn là nước đứng đầu các quốc gia trên thế giới về chỉ số HDI. Tại Đông Á - Thái Bình Dương, Hàn Quốc đứng vị trí cao nhất, đứng thứ 12 thế giới và thuộc nhóm "phát triển con người rất cao".

Đáng chú ý trong bản báo cáo này là cùng với Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Lào cũng nằm trong danh sách "10 quốc gia đứng đầu" (ở vị trí thứ 6) có tiến bộ nhất về phát triển con người.

HDI là chỉ số so sánh, định lượng về mức thu nhập, tỷ lệ biết chữ, tuổi thọ và một số nhân tố khác của các quốc gia trên thế giới. HDI giúp tạo ra một cái nhìn tổng quát về sự phát triển của một quốc gia. Chỉ số này được phát triển bởi một kinh tế gia người Pakistan vào năm 1990.