Tuổi “trời”!

Trần Thụ
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong văn hóa ứng xử của người Việt, những bậc cao niên thường được tôn trọng; chính vì vậy dân gian mới có câu “Yêu trẻ, trẻ đến nhà – Kính già, già cho tuổi”.

Nhưng trong cuộc sống bây giờ, khối kẻ luôn mồm nói câu: Tôi chẳng muốn nhiều tuổi, chỉ cần nhiều tiền.

Tuy nhiên tiền tài và tuổi tác chẳng song hành cùng mấy ai; người nhiều tuổi, chưa hẳn đã lắm tiền, và ngược lại. Và con người ta muốn thọ lâu còn phụ thuộc nhiều yếu tố, nhiều khi muốn cũng chẳng được.

Dù ở thành thị hay nông thôn, quan chức hay thường dân, tuổi tác đôi khi đem lại những câu chuyện khôi hài, lắm khi cười ra nước mắt. Ở lứa 7X trở về trước, trong hoàn cảnh khó khăn, công nghệ thông tin còn chưa phát triển, rất nhiều bậc phụ huynh thường chẳng nhớ rõ ngày sinh, tháng đẻ của con cái. Đến tuổi cắp sách đến trường, hồ sơ học bạ - mạnh ai nấy khai; thế dù sinh cùng lứa, nhưng tuổi tác của đám trẻ trong làng chẳng mấy đứa khớp nhau…

Làng tôi thời trước, đa phần sự học của đa số cũng chỉ dừng lại ở cấp 2. Đủ tuổi thì trai lấy vợ, gái lấy chồng, chẳng mấy ai nên quan, nên tước vì vậy chuyện hồ sơ, lý lịch, tuổi tác chẳng mấy kẻ quan tâm. Họ cứ sống hồn nhiên như cây cỏ… Nhưng ở cơ quan nhà nước, câu chuyện hoàn toàn khác đấy nhé. Hồ sơ, bằng cấp, tên tuổi, ngày tháng năm sinh đều phải trùng khớp. Lệch đi một chút, rắc rối tới liền, đặc biệt là những người ở có chút vị trí.
Nhưng thôi, chuyện đó thiết nghĩ chẳng bàn làm gì, bởi không liên quan đến chủ đề chính. Điều chúng tôi muốn đề cập trong câu chuyện này là tuổi thực và tuổi “trời” của không ít vị trong làng… Ở quê có lệ, cứ dịp Tết Nguyên đán là làng tổ chức mừng thọ cho người từ 70 tuổi.

Sáng mùng 3 Tết năm nọ, loa thông báo danh sách các cụ được mừng thọ, trong đó T “bời”. Làng nước lũ lượt đến chúc mừng cụ T “bời”, rượu mừng chảy như suối, anh em họ mạc, hàng xóm láng giềng, con cháu tíu tít, máy ảnh điện thoại nháy liên hồi…

Chỉ duy ở mâm cỗ góc trong nhà, ông B (anh trai T “bời”) lẳng lặng ngồi hút thuốc lào vặt; khi được con cháu “réo” tên, ông B mới thở dài: Tao là anh trai nó, thế mà lại chưa được lên lão, dù đẻ trước nó tận 2 năm. Kiểu này phải xem lại, không khéo tao là con nuôi, chứ chẳng phải con đẻ của bà cố!

Trong dịp về quê, đem câu chuyện trên hỏi vị chi hội trưởng người cao tuổi của thôn, ông này cho biết: Chúng tôi căn cứ vào căn cước công dân, cứ ai 70 thì trình danh sách lên xã… Dù biết tỏng là em ông B, nhưng do giấy tờ của T “bời” thể hiện đủ 70 tuổi, nếu không đưa “nó” vào diện mừng thọ, ngộ nhỡ nó chửi cho - có mà thiệt…

Chẳng riêng gì trường hợp của T “bời”, cái làng chỉ mấy chục nóc nhà của tôi bây giờ nhiều người già lắm. Danh sách được hưởng trợ cấp người cao tuổi (từ 80 trở lên) đã dài dằng dặc; cứ đến ngày 15 hằng tháng, các cụ í ới rủ nhau ra văn phòng ủy ban xã nhận “lương”, đông vui đáo để.

Chị cả tôi năm nay 68 tuổi, thế mà cùng lứa với chị, đã có mấy người mừng thọ 75, thấy lạ nên tôi hỏi: Sao bạn lên lão cả rồi mà chị… trẻ dai thế?! Vừa đủng đỉnh nhai trầu, chị tôi trả lời; thày mẹ đẻ ra tao năm nào, tao khai năm đó. Tuổi 68 của tao là tuổi thật, còn tuổi chúng nó là tuổi…trời ơi đất hỡi. Báu bở gì mà ham… !