Tương lai nào cho bãi rác Nam Sơn?

Vân Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Ngày 1/11, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) đã có văn bản hỏa tốc gửi các đơn vị có liên quan về việc tạm dừng tiếp nhận rác ô chôn lấp rác thải tại bãi Nam Sơn để phòng tránh sự cố chất thải. Có thể nói, quyết định trên khiến nhiều người không khỏi hoang mang lo lắng, song dưới góc độ chuyên môn, đây là điều đã được dự báo từ lâu.

Quá tải từ rác đến nước rác
Đại diện Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hà Nội (Urenco) cho biết, theo hợp đồng thực hiện gói thầu số 08, khối lượng tiếp nhận rác chôn lấp năm 2021 là 704.085 tấn (trung bình khoảng 1.950 tấn/ngày) với kinh phí khoảng hơn 64 tỷ đồng. Tuy nhiên, trên thực tế, khối lượng rác bãi Nam Sơn tiếp nhận từ đầu năm 2021 đến thời điểm ngày 26/10 đạt 1.402.381 tấn, với công suất tiếp nhận trung bình khoảng 4.689 tấn/ngày, thực tế tăng gần 3.000 tấn/ngày so với hợp đồng. Dự kiến năm 2021, bãi Nam Sơn tiếp nhận tổng khối lượng rác khoảng 1,7 triệu tấn rác, vượt 2,43 lần so với kế hoạch vận hành bãi tại hợp đồng.
 Bãi rác Nam Sơn dừng tiếp nhận rác do các hồ chứa nước rác đã quá tải.
Không chỉ lượng rác tiếp nhận vượt quá nhiệm vụ được giao, công tác xử lý nước rác tại bãi rác Nam Sơn cũng đang đứng trước rất nhiều khó khăn. Theo đại diện Công ty Urenco, năm 2021, Sở Xây dựng đặt hàng cho đơn vị xử lý nước rác, thời gian từ ngày 1/1/2021 đến 30/4/2021 với khối lượng là 174.000 m3, kinh phí khoảng 20,3 tỷ đồng. Song, đến thời điểm này, đơn vị đã xử lý được gần 200.000 m3 với kinh phí hơn 22 tỷ đồng.
Từ ngày 1/5 đến nay, Sở Xây dựng chỉ ra văn bản đôn đốc công tác vận hành xử lý nước rác nhưng chưa thực hiện các thủ tục pháp lý thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư giao đơn vị vận hành như: quyết định giao đặt hàng, ký kết hợp đồng… do vậy đơn vị không có cơ sở để thực hiện công tác xử lý nước rác cũng như thực hiện các biện pháp nâng cao hiệu quả, đảm bảo công tác xử lý thường xuyên và liên tục.
Và gần đây nhất, từ ngày 28/10 đến 8 giờ sáng ngày 1/11, do ảnh hưởng của mưa bão kéo dài, lượng mưa đo được tại bãi Nam Sơn đạt 168mm, khiến các hồ chứa không còn chỗ lưu chứa thêm nước rác phát sinh, đã xảy ra sự cố nhỏ tràn nước rỉ rác ra đường thuộc nội bộ khu xử lý, nếu tiếp tục tiếp nhận rác vào các ô chôn lấp sẽ xảy ra các sự cố chất thải nguy hiểm vỡ bờ bao các hồ lưu chứa nước rác, rò rỉ, tràn nước rác ra môi trường…
Từ thực tế trên và căn cứ theo dự báo về những diễn biến bất lợi của thời tiết trong thời gian tới, Urenco đã đề nghị Ban Duy tu các Công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị (Sở Xây dựng) chỉ đạo dừng tiếp nhận rác tối thiểu trong vòng 3 ngày, kể từ ngày 1/11 để có biện pháp phòng ngừa, ứng phó sự cố chất thải.
Cần những biện pháp dài hơi
Giám đốc Chi nhánh xử lý chất thải rắn Nam Sơn Nguyễn Thanh Tùng cho biết, theo kế hoạch được phê duyệt (trước khi xảy ra sự cố), bãi rác Nam Sơn đang tổ chức tiếp nhận rác tại ô hợp nhất hồ sinh học với các ô 4, 7, 9 với khối lượng khoảng 900.000 tấn rác. Do thực hiện tiếp nhận rác tại hồ sinh học trong điều kiện ngậm nước (hiện cao độ nước rác +14.7 m), rác phân tán ra toàn bộ mặt hồ. Dự kiến đến ngày 10/11/2021 sẽ hết khả năng tiếp nhận rác tại vị trí này (khi cao độ nước rác tại hồ sinh học đạt +15.00 m, tương đương cao độ mặt đường bê tông).
 Theo các chuyên gia, để khắc phục tình trạng trên, Hà Nội cần sớm đưa vào sử dụng các nhà máy xử lý rác hiện đại.
Trước tình trạng cấp bách của bãi rác Nam Sơn, để đảm bảo việc tiếp nhận rác của TP diễn ra thông suốt, đơn vị đã chủ động xin ý kiến các đơn vị có liên quan để sẵn sàng tiếp nhận rác khẩn cấp vào ô 4, 5 giai đoạn 1 ngay sau khi khu vực tiếp nhận hiện tại hết chỗ chứa, khối lượng dự kiến tiếp nhận khoảng 250.000 tấn rác trong khoảng 50 ngày. Tuy nhiên, nếu không có biện pháp xử lý rút cạn nước rác tại hồ sinh học, dự kiến đến ngày 31/12, bãi Nam Sơn sẽ hết khả năng tiếp nhận rác.
Đề cập đến các giải pháp mang tính lâu dài nhằm đảm bảo khả năng tiếp nhận rác của bãi Nam Sơn, ông Nguyễn Thanh Tùng cho biết, hiện đơn vị đề xuất tiếp nhận rác trở lại khu vực đang tổ chức tiếp nhận rác hiện nay (ô hợp nhất hồ sinh học với các ô 4, 7, 9) với điều kiện xử lý rút cạn nước rác tại hồ sinh học. Dự kiến, khối lượng tiếp nhận rác tại khu vực này là khoảng 772.996 tấn, thời gian tiếp nhận đến tháng 6/2022.
Sau khi kết thúc việc tiếp nhận rác tại ô hợp nhất hồ sinh học với các ô 4, 7, 9, đơn vị đề xuất tiếp nhận rác tại khu vực hợp nhất trục AB với giai đoạn 1 và 2 để tăng khả năng tiếp nhận rác lên khoảng 661.225 rác, thời gian tiếp nhận sẽ kéo dài đến tháng 10/2022. Song, để thực hiện được phương án này, các đơn vị chức năng phải điều chỉnh quy hoạch 1/500 trục AB và ô hợp nhất. Tổ chức thi công cơ sở hạ tầng kỹ thuật phục vụ tiếp nhận rác. Thực hiện đánh giá tác động môi trường song song với thi công và tiếp nhận rác.
Tiếp đó, sau khi giai đoạn này kết thúc, Urenco đề xuất tiếp nhận rác tại ô 1.1, ô 1.2 (giai đoạn 2 phía Bắc) theo công nghệ xanh tường chắn có cốt. Điều kiện để tiếp nhận rác tại khu vực này là điều chỉnh quy hoạch giai đoạn 2 phía Bắc. Trong đó, cho phép các ô 1.1 và 1.2 chuyển từ ô chôn lấp tro xỉ sang tiếp nhận rác sinh hoạt; chấp thuận điều kiện nâng cao độ đổ rác bằng công nghệ tường chắn có cốt; bổ sung phần đất xen kẹt 10,5 ha vào quy hoạch giai đoạn 2 phía Bắc; Bàn giao phần đất xen kẹt cho Sở Xây dựng trong tháng 11/2021… Nếu được thông qua, khu vực này sẽ có khả năng tiếp nhận khoảng 2,8 triệu tấn rác, thời gian dự kiến đến tháng 4/2024.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường Hoàng Văn Thức cho biết, với tốc độ phát triển như hiện nay, xử lý rác thải sẽ ngày càng trở thành một vấn đề gây ảnh hưởng lớn tới chất lượng sống, cũng như sự phát triển bền vững của một đô thị. Do vậy, để giải quyết vấn đề này, hướng đến việc đảm bảo cuộc sống của người dân, hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường thì Hà Nội cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy xử lý rác thải theo hướng hiện đại.

Theo phương án phân luồng rác trên địa bàn TP Hà Nội trong giai đoạn bãi rác Nam Sơn dừng hoạt động, rác thải tại các quận: Ba Đình (264 tấn/ngày), Hoàn Kiếm (157 tấn), Hai Bà Trưng (318 tấn), Đống Đa (360 tấn), Hoàng Mai (200 tấn, lưu tại địa bàn 254 tấn), Bắc Từ Liêm (150 tấn, lưu tại địa bàn 170 tấn) rác thải được vận chuyển về bãi Nam Sơn; Các quận như: Tây Hồ (190 tấn), Cầu Giấy (320 tấn), Nam Từ Liêm (295 tấn), Hà Đông (100 tấn, lưu tại địa bàn 356 tấn), Long Biên (100 tấn, lưu tại địa bàn 214 tấn) sẽ được vận chuyển về Nhà máy Thiên Ý; Quận Thanh Xuân 385 tấn sẽ được vận chuyển về Nhà máy đốt rác Thành Công; Các huyện còn lại như: Đông Anh (210 tấn), Sóc Sơn (178 tấn), Mê Linh (186 tấn), Gia Lâm (115 tấn) và Thanh Trì 159 tấn sẽ được lưu chứa tại địa bàn. 

Dù Sở Xây dựng đã tổ chức phân luồng rác thải cho các quận, huyện trên địa bàn TP, song do khối lượng rác phát sinh lớn nên tình trạng tồn đọng trên một số tuyến đường, khu vực vẫn diễn ra. Theo ghi nhận của phóng viên báo Kinh tế & Đô thị trong sáng ngày 3/11, tại các tuyến đường như: Nguyễn Cảnh Dị, Vũ Tông Phan (Hoàng Mai), Thương Đình, Khương Trung (quận Thanh Xuân), Thành Thái và các tuyến đường xung quanh công viên Cầu Giấy (quận Cầu Giấy)… tình trạng rác thải lưu cữu trên đường phố, xe thu gom gây cản trở giao thông, mất VSMT, mỹ quan đô thị diễn ra khá phổ biến.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần