Giảm tải nội đô, kết nối vùng
Theo quy hoạch được phê duyệt, tuyến đường Vành đai 4 dài khoảng 98km đi qua địa phận TP Hà Nội (56,5km), Hưng Yên (20,3km), Bắc Ninh (21,2km). Riêng 2 tỉnh Vĩnh Phúc và Bắc Giang nằm ngoài phạm vi đầu tư xây dựng nhưng có vị trí tiếp giáp với điểm đầu và điểm cuối tuyến Vành đai 4.
Việc triển khai dự án đường, theo nhiều chuyên gia đánh giá, có thể giúp phân luồng giao thông từ xa theo các hướng để phương tiện giao thông liên tỉnh không phải đi xuyên tâm, giảm lưu lượng qua khu vực đô thị trung tâm của Thủ đô, giảm tải áp lực giao thông cho tuyến đường Vành đai 3 hiện tại. Đặc biệt, tuyến đường sẽ giúp tăng cường khả năng kết nối giao thông liên vùng giữa Hà Nội với các tỉnh trong khu vực Vùng Thủ đô, từng bước hoàn thiện quy hoạch giao thông các địa phương trong vùng.
Theo KTS Vũ Hoài Đức – Giảng viên Đại học Quốc gia Hà Nội, về mặt giao thông, tuyến đường Vành đai 4 nếu hình thành sớm sẽ giảm tải cho các tuyến đường trong khu vực nội đô. Toàn bộ lưu lượng giao thông ở các trục hướng tâm hướng về đô thị trung tâm Thủ đô Hà Nội, hướng về khu vực lõi sẽ được giải tỏa ở vành đai kề cận nhất với vùng đô thị trung tâm. Và từ đó giảm tải cho vùng, các tuyến đường vành đai mà hiện nay đang phải đối mặt với tình trạng tắc nghẽn. Như Vành đai 3, cầu Thanh Trì hiện nay, Hà Nội đã phải cho phép phương tiện thô sơ đi trên cầu bởi vì áp lực về giao thông rất là lớn. Tuyến đường được thiết kế với chất lượng là đường cao tốc đô thị nhưng hiện nay không đạt được tốc độ về đường cao tốc đô thị vì lưu lượng quá lớn. Do đó, việc hình thành Vành đai 4 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, giảm tải lưu lượng giao thông cho đô thị trung tâm.
“Ở giai đoạn này, vấn đề xây dựng tuyến Vành đai 4 được đề cập là thời điểm hết sức đúng đắn. Khu vực đó có quy mô đầu tư hợp lý bởi giá đất không cao, không phải giải phóng mặt bằng nhiều, thuận lợi cho nguồn lực đầu tư. Các địa phương cùng nhau thực hiện dự án này sẽ gợi lên một hình dung rõ hơn về mối quan hệ vùng, mối quan hệ giữa các địa phương, cùng làm, cùng phát triển” – KTS Vũ Hoài Đức khẳng định.
TS Đỗ Mười - chuyên gia giao thông phân tích, chức năng các tuyến Vành đai 3, 4, 5 đã được xác định rõ ràng trong Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô theo Quyết định 1259 của Thủ tướng Chính phủ từ năm 2011 và được cụ thể trong Quyết định 519 về Quy hoạch giao thông vận tải của Hà Nội. Ví dụ như, Vành đai 3 khi làm xong thì ách tắc của khu vực trong nội đô đã được giảm đáng kể. Nhưng do mật độ giao thông tăng trưởng nhanh, đặc biệt với kinh tế phát triển thì Vành đai 3 đã không đáp ứng được. Đối với Vành đai 4, thực ra đã quy hoạch được khoảng 10 năm, do nguồn lực và do những yếu tố khách quan mang dẫn đến chưa có nguồn lực để triển khai. Thời điểm hiện nay đã chín muồi cả về điều kiện cũng như nguồn lực nên việc triển khai xây dựng đường Vành đai 4 càng nhanh càng tốt.
Thời điểm thuận lợi để khởi công dự án
Đường Vành đai 4 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch từ năm 2011. Sau 10 năm, đến thời điểm hiện tại, mới chỉ có TP Hà Nội lập đề xuất đầu tư các dự án thành phần nhưng chưa phê duyệt đề xuất đầu tư, các đoạn tuyến qua tỉnh Hưng Yên, tỉnh Bắc Ninh chưa lập đề xuất đầu tư dự án. Nguyên nhân dự án chậm trễ chủ yếu do tuyến đường Vành đai 4 được tách thành dự án độc lập theo từng địa phương. Quy mô tuyến đường khá lớn, trải dài qua nhiều địa bàn, tổng mức đầu tư lớn nên ngân sách địa phương không đủ khả năng cân đối thực hiện; kêu gọi đầu tư gặp nhiều khó khăn.
Việc đề cử TP Hà Nội giữ vai trò chủ trì lập quy hoạch, nghiên cứu, đầu tư toàn tuyến, đồng thời là cơ quan đầu mối thay mặt cho các địa phương lựa chọn, ký kết hợp đồng với nhà đầu tư đủ năng lực, kinh nghiệm sẽ góp phần thúc đẩy dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô được triển khai sớm, đồng bộ.
TS Đỗ Mười nêu: "Hưởng lợi thì chúng ta hưởng lợi rất nhiều, nhất là khu vực Hà Nội sẽ đỡ ách tắc hơn tại khu vực Vành đai 3. Các tỉnh mà Vành đai 4 đi qua sẽ dễ dàng kêu gọi thu hút đầu tư, sẽ phát triển quỹ đất, các trung tâm đô thị dọc theo vành đai sẽ được phát triển. Và như thế, chúng ta sẽ thấy 5 tỉnh, thành đương nhiên trở thành đô thị vệ tinh của Hà Nội mà đã là đô thị vệ tinh của Vùng thủ đô sẽ phát triển rất tốt, đặc biệt là khai thác tiềm năng lợi thế của từng tỉnh mà có đường Vành đai 4 đi qua".
Nhiều chuyên gia đồng tình nhìn nhận, với sự quyết tâm của Chính phủ, các địa phương như hiện nay, đây là thời điểm thuận lợi để khởi công dự án và tổ chức thi công ngay. Tất cả những điểm thiên thời địa lợi đã có. Cái đang vấp phải hiện nay là GPMB và nguồn nguyên vật liệu, phải lường trước để làm sao nếu được khởi công thì dự án chạy đúng tiến độ.
"Xét về quy mô và vị trí với Vành đai 4 thì thực ra chúng ta đã quy hoạch được khoảng 10 năm. Tuy nhiên do nguồn lực và do những yếu tố khách quan mang lại dẫn đến là chúng ta chưa có nguồn lực để triển khai. Đến thời điểm hiện nay đã chín muồi cả về điều kiện cũng như nguồn lực nên việc triển khai và càng triển khai nhanh càng tốt dự án đường Vành đai 4." - Chuyên gia giao thông, TS Đỗ Mười |