Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Những nỗ lực để Hà Nội đẹp hơn

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chắc không ai có thể thấu hiểu nỗi khổ sở bằng người dân sống ở khu vực xung quanh tuyến phố Lê Trọng Tấn trước khi trở thành tuyến phố kiểu mẫu như bây giờ, khi ngày ngày vào giờ cao điểm chuyện ùn tắc hàng tiếng đồng hồ xảy ra là chuyện bình thường, đến nỗi, cánh taxi đã nhắc nhau “Tan tầm, nhớ mà chối khách Định Công, Trọng Tấn”.

Dự án thông tuyến Lê Trọng Tấn đoạn từ đường Tôn Thất Tùng kéo dài đến sông Lừ là một trong số ít dự án trọng điểm của TP Hà Nội. Cuối năm 2015, TP Hà Nội đã tập trung các nguồn vốn ưu tiên để đầu tư các dự án giao thông cấp bách, có tính khả thi cao nhằm giảm ùn tắc giao thông trong giai đoạn 2016-2020.

Rất nhanh chóng, ngày 9/1/2016, dự án mở rộng đường Lê Trọng Tấn với số vốn đầu tư gần 225 tỷ đồng chính thức được khởi công.

Tuyến đường Lê Trọng Tấn trước khi được mở rộng có chiều dài hơn 1,5 km có mặt cắt từ 11m đến 12m. Phát biểu tại lễ khởi công dự án, ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội thể hiện rõ quyết tâm, sau khi hoàn thành tuyến đường sẽ góp phần quan trọng, giải quyết ách tắc giao thông tại các khu vực lân cận, giảm áp lực giao thông cho QL6, đường Giải Phóng, đường Trường Chinh hiện đang quá tải, tăng cường kết nối giao thông khu vực Định Công và Linh Đàm, từng bước hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông khung của Thủ đô theo quy hoạch. Để việc đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn hoàn thành đúng tiến độ, thời điểm đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung đã đề nghị các đơn vị thi công đúng tiến độ, đảm bảo chất lượng và an toàn, đặc biệt lưu ý đến đảm bảo tổ chức giao thông thông suốt trong quá trình thực hiện triển khai dự án.
Tuyến phố Lê Trọng Tấn hiện đại, thông thoáng, tiện ích cho người tham gia giao thông.
Tuyến phố Lê Trọng Tấn hiện đại, thông thoáng, tiện ích cho người tham gia giao thông.
Sau đúng 110 ngày thi công (một thời gian nhanh kỷ lục so với nhiều dự án khác), đường Lê Trọng Tấn được đưa vào sử dụng với mặt cắt đường mở rộng gấp ba lần so với tuyến cũ, gồm bốn làn xe, giải quyết triệt để tình trạng ùn tắc giao thông trên tuyến đường này. Điểm mới của dự án là việc cải tạo, thi công được thực hiện theo phương thức Nhà nước và nhân dân cùng làm. Ngoài những phần việc được TP đầu tư kinh phí, điều khác biệt và đặc biệt nhất để đưa tuyến phố Lê Trọng Tấn trở nên khang trang, sạch đẹp là chính quyền sở tại đã vận động các hộ dân sống ở hai bên tuyến phố cùng tham gia chỉnh trang đô thị bằng những việc làm cụ thể như tháo dỡ mái che, mái vẩy và biển hiệu quảng cáo được lắp đặt tự phát, không đồng bộ về kích thước, kiểu dáng; lắp đặt lại các thiết bị để điều hòa, bồn nước, đường ống nước không phù hợp gây mất mỹ quan. Vỉa hè rộng 7,5m được lát đá xanh tự nhiên, toàn bộ cây xanh cũng được thay thế và trồng mới đồng bộ, lối lên xuống phù hợp nhằm phục vụ người đi bộ, người khuyết tật và xe đạp. Khi chúng tôi làm khảo sát nhanh trên tuyến đường này, nhiều người dân tỏ ra rất phấn khởi vì đã lâu lắm rồi, họ mới có chỗ vui chơi, đi lại thoải mái trên vỉa hè thay vì trước kia, chỗ đi bộ còn phải len lỏi, thậm chí đi cả xuống lòng đường vừa nguy hiểm vửa phải hít đủ thứ khói bụi, xăng xe…
Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Những nỗ lực để Hà Nội đẹp hơn - Ảnh 1
Giờ đây, các cửa hàng quy củ ngăn nắp, không còn cảnh nhếch nhác, cái thò ra cái thụt vào, xe máy được xếp gọn gàng, đúng nơi quy định, dành một phần vỉa hè cho người đi bộ. Toàn bộ hệ thống đường dây, cáp điện, thông tin liên lạc, viễn thông… được hạ ngầm, tạo không gian thoáng đãng, rộng rãi dọc tuyến phố. Hệ thống đèn chiếu sáng của tuyến phố lần đầu tiên áp dụng công nghệ chiếu sáng bằng đèn led ánh sáng vàng nhằm tiết kiệm điện năng nhưng vẫn đảm bảo cường độ chiếu sáng. Người dân sinh sống ở đây đã thoát khỏi cảnh giờ tan tầm ngồi trên xe nhích từng chút một tới hàng tiếng đồng hồ mới về được tới nhà.
Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Những nỗ lực để Hà Nội đẹp hơn - Ảnh 2
Điểm đáng chú ý trên tuyến đường này là hệ thống biển hiệu, đèn quảng cáo của các hộ kinh doanh được UBND TP hỗ trợ kinh phí, đầu tư đồng bộ. Các tấm biển quảng cáo được lắp đặt đồng bộ về kích thước, kiểu dáng với hai màu chủ đạo xanh – đỏ. Khi cả tuyến phố treo biển giống nhau sẽ tránh được tình trạng nhếch nhác, nhà treo biển to, nhà dựng biển nhỏ. Cũng có một số ý kiến người dân và dư luận cho rằng, với hai màu chủ đạo là xanh đỏ sẽ gây khó khăn trong việc nhận diện thương hiệu của doanh nghiệp và khách hàng sẽ khó mà tìm được đúng cửa hàng mình cần.
Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Những nỗ lực để Hà Nội đẹp hơn - Ảnh 3
Trước những phản ánh của người dân và dư luận xã hội, UBND quận Thanh Xuân và Sở VH&TT Hà Nội khẳng định sẽ tiếp tục lắng nghe ý kiến nhân dân để điều chỉnh cho phù hợp, sau đó nhân rộng ra các tuyến phố khác của TP. Được biết, trước khi thực hiện, quận Thanh Xuân có đưa ra hai màu sắc (xanh – đỏ) và làm công tác tuyên truyền, vận động để người dân lựa chọn. Người dân đồng tình lựa chọn thì quận mới làm, chứ không hề có chuyện áp đặt về màu sắc. Tuy nhiên, quận Thanh Xuân cũng thừa nhận, việc đưa ra hai màu để lựa chọn là hơi ít, không thể bao quát hết cũng như nhận diện thương hiệu của rất nhiều DN kinh doanh trên tuyến. Phía quận cũng khẳng định, nếu thương hiệu của DN có đặc trưng nhận diện về màu sắc khác thì quận cũng sẽ xem xét để cân nhắc, tính toán đưa thêm màu sắc biển hiệu để người kinh doanh lựa chọn cho phù hợp.
Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Những nỗ lực để Hà Nội đẹp hơn - Ảnh 4
Còn nhớ từ nhiều năm nay, các cơ quan báo chí, dư luận và người dân đã bức xúc rất nhiều về tình trạng lộn xộn trong hoạt động quảng cáo trên địa bàn Hà Nội, bộ mặt đô thị lem nhem một cách đáng báo động. Xin nhắc lại một lần nữa, việc vận động người dân làm biển quảng cáo theo kích cỡ, màu sắc đồng bộ tại đường Lê Trọng Tấn đang trong quá trình thí điểm. TP, quận Thanh Xuân và Sở VH&TT vẫn tiếp tục lắng nghe ý kiến đóng góp để hoàn thiện dần trước khi áp dụng sang các tuyến phố khác. Người viết bài này khá tâm đắc với ý kiến của GS Ngô Bảo Châu chia sẻ trên trang cá nhân của ông: “Các bạn mình thi nhau chê phong cách của dãy phố buôn bán mới. Cá nhân tôi rất hoan nghênh cố gắng của Hà Nội. Bước đầu trông nó sẽ hơi ngồ ngộ, quê quê. Nhưng ít ra nó cũng có vẻ gọn gàng, cũng có vẻ có chút năng lượng. Người dân và chính quyền ít nhất cũng tỏ ra có cố gắng cho một đô thị ngăn nắp. Đi dọc phố phường Hà Nội, cả phố cũ và phố mới, chỉ thấy người người, nhà nhà làm biển quảng cáo mỗi ngày một to hơn, biển mới đè lên biển cũ, biển cũ rách rồi cũng chẳng ai buồn tháo đi. Phố Huế yêu quý của tôi ngày một giống phố quê luộm thuộm mà con người ở đó chỉ còn biết chép miệng với cuộc sống ngày một xập xệ. Một điều căn bản trong công cuộc chỉnh trang bộ mặt đô thị là quy định kích cỡ, gam màu, mẫu chữ cho biển báo ở từng khu phố buôn bán. Dường như Hà Nội đã bắt đầu quan tâm đến việc này. Có muộn còn hơn là không làm. Tất nhiên có nhiều gam màu khác nhau, không nhất thiết cứ phải cơ bản như thế này".
Tuyến phố kiểu mẫu Lê Trọng Tấn: Những nỗ lực để Hà Nội đẹp hơn - Ảnh 5
Chúng ta hãy nhìn vào những nỗ lực cố gắng của TP Hà Nội với mục đích chỉnh trang bộ mặt đô thị sạch đẹp, khang trang hơn. Việc thống nhất được biển hiệu quảng cáo trên một khu phố sao cho đồng bộ, khoa học, văn minh, hiện đại không phải là việc dễ dàng. Nhưng đây là bước đầu tiên trong quá trình thí điểm để tiến tới mục tiêu trên. Sau khi nhận được những phản hồi, góp ý của các chuyên gia và người dân thì chắc chắn TP sẽ có những tiếp thu để có những bước triển khai tiếp theo một cách khoa học hơn.