Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyến phố Lê Trọng Tấn: Dấu ấn của công trình kiểu mẫu

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tuyến đường Lê Trọng Tấn (quận Thanh Xuân) vừa được hoàn thành và đưa vào sử dụng trong những ngày tháng 5 lịch sử.

Nó vừa là một công trình giao thông giá trị lại vừa mang ý nghĩa chính trị - xã hội đặc biệt, mang đậm những dấu ấn đầu tiên của vị “Tổng công trình sư” - Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung.

Những cái nhất

Ngày 7/5 vừa qua, tuyến đường Lê Trọng Tấn, đoạn từ phố Tôn Thất Tùng kéo dài đến phía Đông sông Lừ (quận Thanh Xuân) đã chính thức được thông xe, đưa vào sử dụng. Ít ai biết rằng, ngoài vẻ đẹp “lạ lẫm”, tươi sáng, tuyến đường này còn rất nhiều cái nhất, cái đầu tiên của Hà Nội.
Tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn.  	Ảnh:  Thanh Hải
Tuyến đường kiểu mẫu Lê Trọng Tấn. Ảnh: Thanh Hải
Tuyến đường có tổng chiều dài 1,5km, mặt đường rộng 15m, vỉa hè rộng từ 12 - 15m; là công trình đầu tiên trong “Chương trình mục tiêu giai đoạn 2016 - 2020” của Hà Nội. Đây còn là tuyến đường đầu tiên có vỉa hè đáp ứng được 3 tiêu chí: phần đường dành cho người khuyết tật; có lối đi cho xe đạp trên hè phố; không làm hố ga dưới mặt hè. Trên mép vỉa hè dọc hai bên tuyến đường, có rất nhiều bồn hoa thấp, xây gạch nối tiếp nhau, thoáng qua trông như để điểm xuyết thêm vẻ mỹ quan cho tuyến phố. Nhưng thực tế, chính những bồn hoa đó lại là dải phân cách cứng, bảo vệ vỉa hè khỏi các phương tiện cơ giới, nhằm duy trì tuổi thọ lâu dài và hỗ trợ đắc lực cho việc tổ chức giao thông. Ngoài ra, toàn tuyến được trồng 149 cây Lát hoa, loại cây khi trưởng thành sẽ có thân thẳng, tán gọn, đường kính tối thiểu 25cm. Đặc biệt hơn, các cây này được ươm trong vườn cho đến khi trổ lá xanh, có tán nhỏ mới được đưa ra trồng trên đường Lê Trọng Tấn để ngay lập tức đem lại màu xanh cho đường phố.

Trong quan điểm của nhiều người, đây là tuyến đường đầu tiên của Hà Nội không mất chi phí GPMB, nhưng ý nghĩa thực sự của nó còn hơn thế. Tuyến đường có 2,5ha đất hiện đang nằm trong sự quản lý của Bộ Tư lệnh Phòng không Không quân và được bàn giao nhanh chóng cho đơn vị thi công, phía Bộ Tư lệnh thậm chí còn chủ động hỗ trợ chủ đầu tư di dời cơ sở, thiết bị quân sự, xây dựng hàng rào. Điều đó thể hiện sự nhất quán trong tư tưởng, ý chí của UBND TP, Quân chủng Phòng không Không quân và Nhân dân khu vực, tạo động lực cho công trình nhanh chóng cán đích trước thời hạn 3 tháng.

Rút ngắn thời gian thi công

Tâm sự với chúng tôi về quá trình xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn, Giám đốc Ban quản lý Dự án Giao thông đô thị, Sở GTVT Hà Nội Nguyễn Chí Cường phấn khởi nói: “Theo kế hoạch phải 6 tháng mới hoàn tất thi công tuyến đường và cây cầu sông Lừ. Nhưng chỉ 118 ngày, với cường độ làm việc 3 ca/ngày, chúng tôi đã kịp khánh thành và đưa công trình vào sử dụng”. Ông Cường chia sẻ, chạy đua với thời gian không phải vì thành tích mà do thực tế đặc thù của công việc đòi hỏi, thôi thúc. Lê Trọng Tấn là một trong những tuyến đường nội đô có vai trò quan trọng trong mạng lưới giao thông đô thị Hà Nội. Mật độ phương tiện qua lại hàng ngày trên tuyến đường rất lớn, nhu cầu đi lại của người dân không thể đứt quãng. Do đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã trực tiếp chỉ đạo Sở GTVT và đơn vị thi công phải có phương án, vừa làm vừa đảm bảo lưu thông, gấp rút hoàn thành tuyến đường để giảm tải áp lực giao thông trên tuyến.

Quá trình thi công đường Lê Trọng Tấn có 4 cái khó: vẫn phải đảm bảo lưu thông; vừa xây dựng vừa hạ ngầm dây, cáp; di chuyển nhanh gọn các thiết bị, công trình quân sự nhưng vẫn phải đảm bảo sức chiến đấu của Quân chủng Phòng không Không quân; đáp ứng các tiêu chí của một tuyến đường phố văn minh đô thị. Ông Cường cho biết: “Khó khăn, áp lực là vậy nhưng dưới sự chỉ đạo, giám sát liên tục, quyết liệt của Chủ tịch UBND TP, cùng với những nỗ lực không ngừng nghỉ của tất cả các ban, ngành, đơn vị liên quan, chúng tôi đã hoàn thành một trong những công trình toàn diện nhất, hiện đại nhất của Thủ đô”.

Những chuyến thăm đột xuất

Ít ai biết rằng, vị “Tổng công trình sư”, người tâm huyết nhất, theo sát quá trình xây dựng tuyến đường Lê Trọng Tấn nhất chính là Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Những người công nhân xây dựng công trường còn nhớ rất rõ, trong hơn 3 tháng xây dựng, Chủ tịch UBND TP đã một mình “vi hành” đến công trình hàng chục lần. Một người kể: “Có lần vào khoảng 22 giờ đêm, anh em đang giữa ca 3, bỗng nhiên thấy Chủ tịch Nguyễn Đức Chung một mình lái xe đến. Xuống xe, dạo bộ vòng quanh công trình rồi Chủ tịch vào hỏi han, động viên khiến anh em công nhân vô cùng phấn khởi”. Ngày Quốc tế Lao động 1/5, giữa trời nắng gắt, Chủ tịch UBND TP lại một mình đến kiểm tra tiến độ khâu hoàn thiện cuối cùng trước lễ thông xe tuyến đường.

Một người dân còn thuật lại, khi trồng cây Lát hoa trên vỉa hè trước cửa số nhà 174 đường Lê Trọng Tấn, anh em công nhân sơ ý đặt cây không cân đối giữa 2 ngôi nhà cạnh nhau. Chủ nhà nhắn tin vào điện thoại cầm tay của Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung, ngay lập tức, Chủ tịch UBND TP chỉ đạo anh em phải đến đo đạc, dịch chuyển lại vị trí cây để cả 2 hộ đều sẽ được hưởng bóng mát về sau.

Có thể nói, tuyến đường Lê Trọng Tấn là dấu ấn đầu tiên nhưng rất sâu đậm trong lĩnh vực giao thông, trật tự, văn minh đô thị của Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung. Tuyến đường là biểu trưng cho tư duy: “Làm tốt ngay từ đầu”; đường phố được quy hoạch, xây dựng khoa học; đảm bảo về giao thông, nổi bật về mỹ quan đô thị; thu hút được sự quan tâm, ý thức trân trọng giữ gìn, bảo vệ của người dân. Quan trọng nhất là Chủ tịch UBND TP đã tự mình giám sát chặt quá trình thi công, điều chỉnh kịp thời các vấn đề nảy sinh, hiện thực hóa quyết tâm thay đổi diện mạo giao thông - đô thị của Thủ đô Hà Nội.