Tuyển sinh 2023: Chấm dứt tình trạng đạt trên 30 điểm vẫn trượt nguyện vọng

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Khi kỳ tuyển sinh đại học 2023 đến gần, vấn đề cộng điểm ưu tiên theo quy chế mới nhận được sự quan tâm nhiều hơn. Theo Bộ GD&ĐT, cách tính điểm ưu tiên mới sẽ không còn tình trạng thí sinh có điểm xét tuyển trên ngưỡng tuyệt đối hoặc đạt hơn 30 điễm vẫn trượt nguyện vọng.

Đạt trên 30 điểm do có điểm ưu tiên

Tại kỳ tuyển sinh năm 2021, nhiều ngành ghi nhận điểm chuẩn đạt mốc 30 điểm mới có thể trúng tuyển. Cá biệt, có những ngành giữ mức điểm chuẩn vượt mốc 30 điểm (tính cả điểm thi và cộng điểm ưu tiên).

Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022
Thí sinh tham dự Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022

Cụ thể, ngành Hàn Quốc học, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn (ĐH Quốc gia Hà Nội) có điểm chuẩn lên tới 30 điểm với tổ hợp C00 (Văn, Sử, Địa). Học viện Chính trị Công an Nhân dân, điểm chuẩn ngành Xây dựng lực lượng Công an Nhân dân với nữ là 30,34 điểm (tổ hợp C00); Trường ĐH Hồng Đức, ngành Sư phạm Ngữ văn (chất lượng cao) có mức điểm chuẩn là 30,5.

Với mức điểm chuẩn trên, có thí sinh không được cộng điểm ưu tiên thì đạt 3 điểm 10 cũng sẽ mất cơ hội vào những ngành mình yêu thích. Đây được cho là hiện tượng cực đoan, bất thường trong tuyển sinh đại học.

Năm 2022, tổng số thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT của Trường ĐH Y Hà Nội là  1.163, trong đó có 20 thí sinh tổng điểm xét tuyển trên 30 điểm/tổ hợp (Tổ hợp B00 Toán- Hóa- Sinh). Với 20 thí sinh này, ngoài các em được cộng điểm khuyến khích do có giải cao thì cũng có thí sinh được cộng đến 2,75 điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng. Toàn trường chỉ có 154/1.163 thí sinh không có điểm cộng ưu tiên khi xét tuyển (chiếm 13,24%).

Từ năm 2023, Bộ GD&ĐT áp dụng cách tính điểm ưu tiên mới. Đó là, điểm ưu tiên đối với thí sinh đạt tổng điểm từ 22,5 trở lên (thang điểm 10 và tổng điểm 3 môn tối đa là 30) sẽ giảm dần; đồng nghĩa với học sinh đạt điểm càng cao thì mức điểm ưu tiên càng thấp.

Cụ thể theo công thức: Mức điểm ưu tiên thí sinh được hưởng = [(30 - Tổng điểm đạt được của thí sinh)/7,5] x Tổng điểm ưu tiên được xác định thông thường. Điểm ưu tiên tính theo quy chế sẽ được giảm tỷ lệ với tổng điểm đạt được của thí sinh tại các mức điểm, được làm tròn đến 0,01 điểm.

Đảm bảo công bằng hơn

Bộ GD&ĐT phân tích phổ điểm kết quả xét tuyển các năm vừa qua và nhận thấy: Điểm xét tuyển của thí sinh trước và sau khi được cộng điểm ưu tiên có sự thay đổi rõ rệt, đặc biệt là từ mức điểm lớn hơn 22,5 điểm (tương đương với 7,5 điểm nếu quy ra mức thang điểm 10).

Quy định mới về cộng điểm ưu tiên sẽ đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh trong xét tuyển đại học
Quy định mới về cộng điểm ưu tiên sẽ đảm bảo công bằng hơn cho thí sinh trong xét tuyển đại học

Khi chưa được cộng điểm ưu tiên thì nhóm thí sinh ở KV1, KV2, KV2-NT có điểm trung bình thấp hơn nhóm không được cộng điểm ưu tiên (KV3), nhưng khi được cộng điểm ưu tiên thì điểm trung bình của nhóm được cộng điểm ưu tiên lại lớn hơn (thậm chí tỷ lệ lớn gấp nhiều lần) so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên.

Kết quả phân tích quá trình học tập của 2 nhóm thí sinh này trong trường đại học chỉ ra rằng: Nhóm sinh viên trúng tuyển do được cộng điểm ưu tiên có kết quả học tập thấp hơn so với nhóm không được cộng điểm ưu tiên. Ở đây, nhóm thí sinh bị yếu thế, bất lợi, không được hưởng sự công bằng chính là nhóm ở KV3, khi xét tuyển vào các trường và ngành hàng đầu.

Thống kê cũng cho thấy, ở nhiều ngành có mức độ cạnh tranh cao thì tỉ lệ thí sinh không được cộng ưu tiên trúng tuyển rất thấp, trong khi nhóm này có thực lực học tốt hơn nhóm được cộng điểm ưu tiên.

Như vậy, cách tính điểm ưu tiên theo quy chế mới sẽ góp phần khắc phục sự bất hợp lý nêu trên, đảm bảo sự công bằng trong toàn hệ thống.

Theo cách tính này, những thí sinh đạt điểm thi, điểm xét học bạ hoặc điểm khác quy đổi về thang điểm 10 cho từng môn với tổng điểm là 30 thì với các em đạt tới tổng điểm 22,5 không có gì thay đổi trong điểm ưu tiên khu vực và ưu tiên đối tượng.

Đối với các em đạt từ 22,5 trở lên, điểm ưu tiên của các em sẽ được giảm dần đều cho đến khi điểm thi là 30 điểm thì điểm ưu tiên bằng 0.

Với công thức xác định trong Quy chế, các em đạt điểm càng cao điểm ưu tiên càng giảm, tránh được hiện tượng như những năm trước, có thí sinh đạt điểm xét tuyển cao hơn 30 điểm, hoặc trường hợp những thí sinh ở KV3 có điểm thi rất cao nhưng vẫn không trúng tuyển do sự cạnh tranh ở những ngành có điểm trúng tuyển cao là rất lớn.

"Áp dụng chính sách ưu tiên nhằm giúp tăng tiếp cận giáo dục và đào tạo bậc cao đối với các thí sinh ở vùng khó khăn và thuộc đối tượng yếu thế. Việc áp dụng chính sách xã hội là cần thiết, tuy nhiên cũng cần đảm bảo sự công bằng, tránh để sự hỗ trợ này lại làm cho nhóm thí sinh khác bị rơi vào bất lợi và yếu thế..."- Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết.

 

Bày tỏ quan điểm về vấn đề trên, Trần Cao Sơn, sinh viên ngành Khoa học máy tính- ĐH Bách khoa Hà Nội, từng là Thủ khoa toàn quốc khối A1 năm 2020 với 29,55 điểm cho rằng, cách tính điểm ưu tiên này khá hợp lý và thực sự có giá trị với các thí sinh đạt từ 27 điểm trở lên.

Theo Trần Cao Sơn, để đạt được từ 27 điểm trở lên, các thí sinh đều có học lực tốt và phải thực sự cố gắng, chắt chiu từng điểm số; việc thêm được 0,1 điểm đã là rất khó.

Cách tính điểm ưu tiên áp dụng từ năm 2023, phổ điểm từ 22,5 trở lên sẽ giảm dần điểm ưu tiên. Điều đó tạo công bằng hơn cho các thí sinh, nhất là thí sinh giỏi khi xét tuyển vào các trường đại học tốp đầu.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần