Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2018: Ngành xã hội vẫn lên ngôi

Tuệ Nhi
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Số liệu đăng ký xét tuyển của kỳ thi THPT quốc gia 2018 cho thấy, khối ngành VII (Nhân văn, Khoa học xã hội và hành vi, Báo chí và thông tin, Dịch vụ xã hội, Khách sạn - du lịch - thể thao và dịch vụ cá nhân, Dịch vụ vận tải, Môi trường và bảo vệ môi trường, An ninh quốc phòng) có tỷ lệ chọi cao nhất là 7,88.

 Sinh viên Đại học KHXH&NV Hà Nội trên giảng đường. Ảnh: Công Hùng 
Tỷ lệ chọi cao
Qua thống kê từ các điểm thu nhận hồ sơ, năm nay có 925.961 thí sinh (TS) đăng ký dự thi, tăng 6,9% so với năm 2017. Trong đó, số lượng đăng ký xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ sư phạm chỉ có 688.641 TS, trường hợp chỉ đăng ký thi để xét tốt nghiệp là 237.320 TS. Tổng số nguyện vọng đã đăng ký là 2.750.444 vào 7 khối ngành.

Một số khối ngành được đánh giá có nhu cầu lớn về nhân lực trong tương lai thu hút TS, có số nguyện vọng đăng ký nhiều. Trong các khối tuyển sinh, 3 khối ngành có tỷ lệ chọi cao nhất là khối VII hệ ĐH vẫn chiếm ưu thế: 783.703 nguyện vọng/99.439 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi 7,88; khối VI (Sức khoẻ) hệ ĐH: 215.173 nguyện vọng/31.331 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi 6,86; khối III (Kinh doanh và quản lý, Pháp luật) hệ ĐH: 832.684 nguyện vọng/121.183 chỉ tiêu, tỷ lệ chọi 6,87... Ba khối ngành hệ ĐH có số nguyện vọng đăng ký nhiều nhất là: Khối ngành I (Khoa học, GD&ĐT giáo viên): 131.325 nguyện vọng/37.308 chỉ tiêu, khối ngành III: 832.684 nguyện vọng/121.183 chỉ tiêu; khối ngành VII: 783.703 nguyện vọng/99.439 chỉ tiêu.
Chiều 8/5, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã ký công văn gửi Chủ tịch UBND TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo Sở GD&ĐT Hà Nội tạo điều kiện cho các trường phổ thông ngoài công lập tự chủ tuyển sinh đầu cấp theo tinh thần Thông tư số 05/2018/TT-BGDDT ngày 28/2/2018 của Bộ GD&ĐT.
Thống kê chỉ tiêu theo nhóm ngành và số lượng TS đăng ký xét tuyển theo nhóm ngành cũng cho thấy khối I về khoa học GD&ĐT giáo viên vẫn được nhiều TS lựa chọn, với 104.871 nguyện vọng bậc ĐH, 25.727 nguyện vọng bậc CĐ và 727 nguyện vọng bậc trung cấp. Trong đó, tổng nguyện vọng 1 vào khối I là 43.069. Mức độ cạnh tranh thấp hơn khi các TS đăng ký vào khối ngành V (Toán và thống kê, Máy tính và công nghệ thông tin, Công nghệ kỹ thuật, Kỹ thuật, Sản xuất và chế biến, Kiến trúc và xây dựng, Nông lâm và thủy sản, Thú y): tỷ lệ chọi 4,89; khối ngành II (Nghệ thuật): tỷ lệ chọi 4,68 và khối ngành IV (Khoa học sự sống, Khoa học tự nhiên) tỷ lệ chọi là 3,11.

Tổ hợp “lạ” không thể “cứu” trường yếu

Bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH cho biết, năm 2018, quy chế tuyển sinh cho phép các trường được bổ sung thêm các tổ hợp bài thi, môn thi mới để xét tuyển và quy định "các bài thi, môn thi đưa vào tổ hợp để xét tuyển phải gắn với yêu cầu của ngành đào tạo". Về lý thuyết, có 9 môn thi và một số môn thi năng khiếu có thể thiết kế tới hơn 400 tổ hợp. Tuy nhiên, kết quả thống kê cho thấy, số TS đăng ký xét tuyển chọn các tổ hợp mới được bổ sung rất ít - có hơn 100 tổ hợp chỉ có dưới 10 TS chọn và có khoảng 100 tổ hợp không có trường hoặc TS nào chọn. Về cơ bản các trường và TS vẫn sử dụng tổ hợp truyền thống để xét tuyển.

Tương tự như năm 2017, năm nay tổ hợp có lượng TS chọn đăng ký nhiều nhất là: A00 (Toán - Vật lí - Hóa) 848.444 nguyện vọng đạt 30,83%; D01 (Ngữ văn - Tiếng Anh - Toán) 743.246 nguyện vọng đạt 27,01%; A01 (Toán - Vật lí - Tiếng Anh) 352.149 nguyện vọng đạt 12,8%; C00: (Ngữ văn - Lịch sử - Địa lí) 279.742 nguyện vọng đạt 10,17%; B00 (Toán - Hóa học – Sinh học) 259 nguyện vọng đạt 9,42%. Các tổ hợp còn lại chỉ đạt 10,49%. “Bộ GDĐT đã thường xuyên giám sát, nhắc nhở các trường có thông báo xét tuyển tổ hợp các môn thi chưa phù hợp với ngành đào tạo và yêu cầu thực hiện đúng quy định” - bà Phụng cho hay.

Đối với các trường tuyển sinh những tổ hợp chưa gắn với yêu cầu của ngành đào tạo, Bộ GD&ĐT sẽ tham vấn chuyên gia, trao đổi và yêu cầu nhà trường giải trình những nội dung trên. Nếu không có căn cứ thuyết phục, Bộ sẽ giám sát chặt công tác tuyển sinh của trường, cũng như việc đảm bảo chuẩn đầu ra và việc làm của sinh viên sau tốt nghiệp...

Qua kết quả đăng ký thực tế, TS không “mặn mà” với các tổ hợp mới. Trong hai năm gần đây, 5 tổ hợp truyền thống thường chiếm tới 90% tổng số nguyện vọng đăng ký dự thi của TS.
Thủ tướng Chính phủ vừa có văn bản chỉ đạo Bộ GD&ĐT xử lý nghiêm và cho dừng tuyển sinh đối với cơ sở đào tạo cố tình đưa ra những tổ hợp xét tuyển không khoa học, không phù hợp, nhằm mục đích tăng số lượng tuyển sinh, ảnh hưởng đến chất lượng đào tạo. Đại diện Bộ GD&ĐT cho biết, sẽ vào cuộc nghiêm túc nhằm “siết” đầu vào và chất lượng đầu ra của các trường. Về quy định điểm sàn, sẽ không để hiện tượng “vơ bèo vạt tép”, bất chấp năng lực, nền tảng của TS để tuyển sinh.