Tuyển sinh ĐH 2022: Trượt nguyện vọng yêu thích vì mắc lỗi chủ quan

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Kỳ tuyển sinh ĐH năm 2022 đang dần đi về đích. Qua công tác hướng dẫn, xác nhận nhập học; quá trình tiếp nhận, giải quyết một số vấn đề thí sinh phản ánh đã cho thấy nhiều trường hợp trượt đáng tiếc do lỗi chủ quan của chính các em.

Kỳ tuyển sinh ĐH 2022 đang ở giai đoạn cuối
Kỳ tuyển sinh ĐH 2022 đang ở giai đoạn cuối

Là năm đầu tiên triển khai đăng ký xét tuyển và thanh toán lệ phí xét tuyển trực tuyến, Bộ GD&ĐT đã luôn song hành, theo sát thí sinh ở từng giai đoạn thông qua việc ban hành các văn bản hướng dẫn và tuyên truyền rộng rãi bằng nhiều phương thức để đông đảo thí sinh, phụ huynh, nhà trường nắm rõ. Trong suốt quá trình đó, nguyên tắc xuyên suốt được Bộ GD&ĐT đề ra và thực hiện là "Luôn đặt quyền lợi của thí sinh lên cao nhất".

Từ ngày 22/7, thí sinh cả nước bắt đầu đăng ký nguyện vọng xét tuyển vào các trường đại học trên hệ thống quản lý của Bộ GD&ĐT. Việc điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần, hạn cuối đến 17 giờ ngày 20/8/2022. Bộ GD&ĐT lưu ý: “Các nguyện vọng của thí sinh đăng ký xét tuyển vào các ngành, phương thức ở mọi trường đại học được xếp thứ tự từ một đến hết, trong đó nguyện vọng 1 là cao nhất. Mỗi em sẽ chỉ trúng tuyển một nguyện vọng cao nhất trong số nguyện vọng đã đăng ký”.

Trước và trong thời hạn này, các thông tin, thông điệp thường xuyên được gửi đến thí sinh, nhắc thí sinh nghiên cứu thận trọng, đặc biệt mục “phương thức xét tuyển” để tránh sơ suất, sai sót đáng tiếc.

Tiếp sau giai đoạn đăng ký nguyện vọng là đến phần nộp lệ phí xét tuyển. Bộ đã phân luồng theo nhóm tỉnh thành, đưa ra các mốc thời gian rất cụ thể cùng hướng dẫn thao tác cho thí sinh thực hiện. Và mặc dù đã nhắc rất kỹ, rất nhiều lần về việc thí sinh phải đóng phí đúng hạn nhưng không ít thí sinh bỏ ngoài tai hoặc vì lí do nào đó không tuân thủ đúng. 

Việc nộp lệ phí sau đó đã được gia hạn, điều chỉnh nhiều lần để tạo điều kiện cho một số thí. Theo nguyên tắc là khi chưa hoàn thành lệ phí, thí sinh sẽ không được xét tuyển nhưng Bộ đã tạo điều kiện xét tuyển tất cả thí sinh đã đăng ký bằng cách tạo cơ chế xét tuyển trước, nộp phí sau.

Khi các trường ĐH công bố điểm chuẩn và ra thông báo kết quả xét tuyển, một số thí sinh ngã ngửa khi mình thừa điểm nhưng lại trượt nguyện vọng 1. Có em cho rằng mình đăng ký đúng phương thức nhưng hệ thống “tự đổi” phương thức của em.

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn:
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết: Tại phần mềm xét tuyển năm nay, hệ thống mới chỉ ghi nhận một lỗi hiển thị thông tin. Với lỗi này, Bộ đã yêu cầu đơn vị chức năng khắc phục được ngay và lỗi hiển thị không ảnh hướng đến kết quả xét tuyển của thí sinh.

Với phản ánh “Hệ thống tự thay đổi phương thức xét tuyển”, dù về mặt lý thuyết là không thể có chuyện đó nhưng Bộ cũng cho tiến hành xác minh. Nếu là lỗi của Bộ thì sẽ khắc phục theo hướng đảm bảo quyền lợi hợp pháp cho em. Còn nếu lỗi của thí sinh thì phải tùy xem tính chất của lỗi. Việc xác định tính chất lỗi này sẽ dựa vào tính logic của quá trình đăng ký - điều chỉnh nguyện vọng của thí sinh. Giả sử em chọn sai phương thức xét tuyển mà bị trượt thì không ai giúp được em cả”- Thứ trưởng Hoàng Minh Sơn khẳng định.

Ngoài lỗi chủ quan đăng ký nhầm phương thức xét tuyển, một số thí sinh lại đỗ nguyện vọng 1 trong... tiếc nuối, thậm chí mong trượt do không tìm hiểu kỹ ngành trước khi đăng ký. Những lỗi này hoàn toàn do thái độ chủ quan của thí sinh. Có nhiều em rơi vào trường hợp kể trên đã quyết định không xác nhận nhập học mà nộp hồ sơ xét bổ sung vào trường khác phù hợp với năng lực, sở trường của mình.

Thực tế kể trên là lời nhắc nhở các thí sinh, học sinh cần nghiêm túc, trách nhiệm hơn trong từng khâu đăng ký xét tuyển để tránh các trường hợp đáng tiếc tương tự xảy ra.

Liên quan tới việc giải quyết đơn thư khiếu nại, Bộ GD&ĐT đã yêu cầu các cơ sở đào tạo chủ động xem xét giải quyết hoặc phối hợp với các trường có liên quan theo quy định bảo đảm quyền lợi của thí sinh. Đối với thí sinh trúng tuyển theo phương thức xét tuyển sớm nhưng sơ suất không đăng ký thành công trên hệ thống, trường có thể xét tuyển bổ sung ngay như đối tượng đã đăng ký xét bổ sung.