Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tuyển sinh ĐH 2024: đa dạng nguyện vọng đăng ký để tăng cơ hội trúng tuyển

Nam Du
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi – Khi đăng ký xét tuyển đại học, thí sinh được đăng ký không giới hạn nguyện vọng xét tuyển. Do đó, các chuyên gia tuyển sinh khuyên các em nên tận dụng nguyên tắc này để tăng cơ hội trúng tuyển.

Khó dự đoán điểm chuẩn

Sau khi Bộ GD&ĐT công bố điểm thi tốt nghiệp THPT 2024, nhiều cơ sở đào tạo đã thông tin về điểm sàn xét tuyển năm 2024. Các chuyên gia cũng đưa ra nhận định, dự báo về điểm chuẩn năm 2024 theo các tổ hợp, trường và ngành xét tuyển và cho biết, các dự đoạn chỉ mang tính chất tham khảo và hỗ trợ thí sinh.

Tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: HUST).
Tân sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội (Ảnh: HUST).

Ban Tuyển sinh - hướng nghiệp, ĐH Bách khoa Hà Nội dự báo điểm chuẩn vào các ngành, khoa, đơn vị của trường năm 2024 theo phương thức xét kết quả của kỳ thi đánh giá tư duy và kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2024. Theo đó, điểm cao nhất dựa vào kết quả thi tốt nghiệp THPT dự báo thuộc về lĩnh vực Công nghệ thông tin với mức điểm từ 28 trở lên; điểm chuẩn thấp nhất trong khoảng 20 - 22,75 điểm sẽ rơi vào các ngành Kỹ thuật Môi trường, Quản lý Tài nguyên và Môi trường, Công nghệ dệt may…

Khi đăng ký nguyện vọng vào ĐH Bách khoa Hà Nội, thí sinh nên nhớ các nguyên tắc: sắp xếp thứ tự nguyện vọng theo mức độ yêu thích và phù hợp của bản thân; tham khảo mức điểm chuẩn dự báo do trường đưa ra để lựa chọn nguyện vọng theo các mức điểm chuẩn khác nhau; liên hệ đến các kênh tuyển sinh của nhà trường để có thông tin đầy đủ nhất.

PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Ngoại thương cho rằng, điểm chuẩn năm nay có thể tăng nhẹ nhưng không phải tăng ở tất cả các tổ hợp; chi tăng ở các tổ hợp như A00, D01, còn tổ hợp A01 không tăng hoặc nếu tăng cũng không nhiều.

Trưởng phòng Quản lý đào tạo, trường ĐH Ngoại thương thông tin: mùa tuyển sinh năm 2024, phương án tuyển sinh của nhà trường có một điểm mới là tất cả thí sinh, bao gồm các thí sinh đã trúng tuyển sớm vẫn phải đáp ứng việc có tổng điểm các môn thi tốt nghiệp THPT năm 2024 của ít nhất một trong các tổ hợp môn xét tuyển của trường đạt từ 24 điểm trở lên. Thí sinh cần lưu ý việc đăng ký trên nguyện vọng trên hệ thống để nhà trường xác định điều kiện cuối cùng nói trên, trước khi xác định các em trúng tuyển chính thức vào một chương trình.

Phân tích điểm chuẩn trúng tuyển phụ thuộc nhiều yếu tố như nguyện vọng của thí sinh đăng ký vào trường, vào ngành; phổ điểm của năm nay so với năm trước, đặc biệt là phổ điểm của các thí sinh đăng ký vào trường; TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng đưa ra dự đoán: điểm chuẩn vào Học viện Ngân hàng năm nay có thể giữ ổn định hoặc tăng nhẹ so với năm trước.

Dựa vào phân tích phổ điểm các tổ hợp chính mà nhà trường đang sử dụng để xét tuyển, PGS.TS Nguyễn Thanh Chương, Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải cho rằng, điểm chuẩn có thể sẽ tăng ở những ngành lấy từ ngưỡng 25 điểm trở lên. Với những ngành còn lại, điểm chuẩn có thể không tăng hoặc tăng không đáng kể.

Nghiên cứu kỹ về trường, ngành đăng ký

Đối với những thí sinh xét tuyển theo phương thức xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ và điểm thi tốt nghiệp THPT hay xét tuyển chỉ dựa trên điểm thi tốt nghiệp THPT, PGS.TS Vũ Thị Hiền, Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường ĐH Ngoại thương vẫn khuyên thí sinh nên có sự phân tích về ngưỡng điểm trúng tuyển qua các năm của chương trình mình yêu thích để nhìn nhận xu hướng tăng hay giảm điểm chuẩn. Từ đó, đưa ra phán đoán phù hợp khi đặt nguyện vọng xét tuyển trên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT.

Thí sinh nên có sự phân tích về ngưỡng điểm trúng tuyển qua các năm để nhìn nhận xu hướng tăng hay giảm điểm chuẩn. Ảnh: FTU
Thí sinh nên có sự phân tích về ngưỡng điểm trúng tuyển qua các năm để nhìn nhận xu hướng tăng hay giảm điểm chuẩn. Ảnh: FTU

“Ngoài căn cứ điểm chuẩn các năm trước, thí sinh cũng cần dựa theo sở trường và niềm yêu thích của bản thân với ngành nghề, trường mình sẽ chọn. Giả sử, với thí sinh muốn học Học viện Ngân hàng, yêu thích các chương trình đào tạo của trường, các em nên mạnh dạn đăng ký. Nguyên tắc là càng đa dạng hóa nguyện vọng thì cơ hội trúng tuyển càng cao. Tuy vậy, đa dạng không có nghĩa là đăng ký tràn lan; các nguyện vọng đăng ký đều cần phù hợp năng lực...”, TS Trần Mạnh Hà, Trưởng phòng Đào tạo, Học viện Ngân hàng nói.

TS Nguyễn Mạnh Hà cũng lưu ý thí sinh khi đăng ký xét tuyển nên tìm hiểu, nghiên cứu kỹ về trường, đặc biệt là về các ngành, các chương trình đào tạo. Hiện nay, các trường đều có rất nhiều chương trình đào tạo để thí sinh lựa chọn. Thí sinh nên chọn những ngành phù hợp với chuyên môn, năng lực, sở thích của bản thân; tránh những lựa chọn không phù hợp sẽ ảnh hưởng lớn đến việc học tập sau này của bản thân.

PGS.TS Nguyễn Thanh Chương - Phó Hiệu trưởng trường ĐH Giao thông vận tải khuyên thí sinh có thể căn cứ vào kết quả thi, so sánh với điểm chuẩn trong những năm gần đây để chọn những ngành có điểm gần tương tương hoặc cao hơn điểm chuẩn năm trước.

Còn TS Trần Khắc Thạc, Trưởng phòng Đào tạo, trường ĐH Thủy lợi đưa ra lời nhắc: “Dù đủ điều kiện trúng tuyển sớm nhưng từ 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng lên cổng Bộ GD&ĐT mới được công nhận kết quả. Ngoài ra, theo nguyên tắc xét tuyển nguyện vọng, các em yêu thích ngành học nào thì nên để ở nguyện vọng đầu tiên và tuyệt đối phải thực hiện hết quy trình đăng ký xét tuyển theo hướng dẫn”.

 

Các mốc thời gian cần nhớ

Từ ngày 18/7 đến 17 giờ ngày 30/7, thí sinh đăng ký, điều chỉnh, bổ sung nguyện vọng xét tuyển không giới hạn số lần trên Hệ thống xét tuyển chung của Bộ GD&ĐT.

Từ ngày 22/7 đến 17 giờ ngày 31/7, đối tượng thí sinh diện xét tuyển thẳng xác nhận nhập học trên Hệ thống (nếu có).

Từ ngày 31/7 đến 17 giờ ngày 6/8, thí sinh nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng xét tuyển bằng hình thức trực tuyến, theo hướng dẫn của Bộ GD&ĐT.

Trước 17 giờ ngày 19/8, các cơ sở đào tạo thông báo thí sinh trúng tuyển đợt 1.

Trước 17 giờ ngày 27/8, thí sinh xác nhận nhập học trực tuvến đợt 1 trên hệ thống.