Tuyển sinh vào ĐH, CĐ năm 2010: Xét tuyển bằng NV2, con đường gian nan
KTĐT - Hiện các trường ĐH đã công bố điểm trúng tuyển nguyện vọng 1 (NV1) và gửi cho các thí sinh có tổng điểm thi đạt từ điểm sàn trở lên mà không trúng tuyển NV1 hai giấy chứng nhận kết quả thi.
Thí sinh sẽ dùng giấy này để nộp hồ sơ xin xét tuyển NV2 vào các trường khác. Tuy nhìn tổng thể, năm nay cơ hội xét tuyển NV2 của thí sinh tương đối nhiều, nhưng để đỗ được bằng NV2 không hề dễ dàng. Còn nhiều trường, mặc dù đã đưa ra mức điểm tuyển chỉ bằng điểm sàn, song nguy cơ hụt chỉ tiêu vẫn là vấn đề đáng lo ngại.
Nhiều cơ hội chưa chắc dễ đỗ
Theo thống kê của Vụ Giáo dục ĐH (BộGD&ĐT), vẫn còn gần 69.000 cơ hội cho các thí sinh vào ĐH theo NV2. Trong đó, khối A còn 37.497 chỉ tiêu, khối B còn 5.939, khối C còn 6.552, khối D còn 18.923 chỉ tiêu. Đây được coi là cơ hội lớn cho thí sinh trượt NV1.
Năm 2010 cũng như các năm trước, đa số trường được xếp vào tốp đầu đều có mức điểm chuẩn trên 20 điểm và không thông báo tuyển NV2. Một số trường xác định ngay từ khi chưa công bố điểm chuẩn là chỉ tuyển NV1. Vì với sựphân tầng rất rõ về điểm thi giữa các trường, theo giải thích của đại diện một số trường thì những trường có mức điểm tuyển từ 25 điểm trở lên sẽ rất ít thí sinh xin xét tuyển NV2. Để giải quyết thực tế có những thí sinh chỉ thiếu 0,5 - 1 điểm vào một ngành nào đó của trường mà vẫn trượt, trong khi nếu đăng ký ngành khác cùng trường thì thừa điểm đỗ, một vài trường có điểm chuẩn theo ngành đã mở ra cơ hội cho thí sinh đạt điểm cao bằng cách cho phép thí sinh chuyển sang ngành khác cùng trường.
Các trường thành viên của ĐH Quốc gia vẫn được xem là nơi dành nhiều chỉ tiêu cho NV2 nhất như ĐH KHTN còn đến 610 chỉ tiêu NV2, ĐH KHXH&NV cũng dành 310 chỉ tiêu tuyển NV2 khối C và khối D, ĐH Ngoại ngữ có 209 chỉ tiêu NV2... Đặc biệt, ĐH Bách khoa Hà Nội cũng dành 500 chỉ tiêu ĐH và 200 chỉ tiêu CĐ cho NV2 với mức điểm sàn cao nhất là 17 điểm. Năm nay, một số trường tốp giữa cũng dành khá nhiều chỉ tiêu tuyển NV2 cho những ngành đang cần cung cấp nguồn nhân lực nhưng ít thí sinh dự thi như Học viện Báo chí và Tuyên truyền, ĐH Giao thông vận tải, ĐH Sư phạm Hà Nội, ĐH Thương mại, Học viện Ngân hàng... với mức điểm sàn không cao, dao động từ 15 - 18 điểm, thậm chí có những trường như ĐH Lâm nghiệp, ĐH Nông nghiệp mức điểm tuyển bằng điểm sàn của Bộ.
Tuy bức tranh NV2 cóvẻ nhiều cơ hội là vậy, nhưng theo lãnh đạo Bộ GD&ĐT thì không dễ trúng tuyển vì tổng số thí sinh đạt điểm trên sàn rất lớn. Hơn 191.959 thí sinh có điểm thi trên điểm sàn so với 68.911 chỉ tiêu NV2, như vậy tỷ lệ “chọi” vào NV2 là hơn 2,78. Quan trọng nhất, mỗi khối thi thí sinh chỉ được phép xét tuyển duy nhất một NV2. Sự lựa chọn NV2 đối với các thí sinh không hề dễ bởi nếu đạt trên điểm sàn thì trúng xét tuyển hệ CĐ của nhà trường (nếu có) là đương nhiên. Nhưng nếu tham gia xét tuyển NV2 các trường ĐH khác sẽ phải đối mặt với tỉ lệ “chọi” tương đối cao.
Trường dân lập và đại họcvù ng lại lo
Trong khi thí sinh băn khoăn đỗ hay trượt, không ít trường lại lo lắng nguy cơ thiếu hụt chỉ tiêu, đặc biệt là các trường ĐH dân lập, ĐH vùng, trường không tổ chức thi. Bởi tuy số lượng thí sinh tham gia xét tuyển NV2 đông nhưng các trường ĐH công lập tham gia rất nhiều, điểm xét tuyển lại không cao, nên khả năng thí sinh chọn những trường này để nộp đơn là đương nhiên. Khi đó đồng nghĩa với việc các trường ngoài công lập, trường ít thí sinh dự thi hoặc các trường không tổ chức thi không đủthí sinh nộp đơn xét tuyển, dù mức điểm tuyển cũng chỉ bằng điểm sàn của Bộ GD&ĐT.
Dựa trên lượng hồ sơ đã đăng ký dự thi vào trường, một số trường công lập đã biết lượng thí sinh đạt điểm sàn rất thấp so với chỉ tiêu. Như trường ĐH Hùng Vương, hiện số thí sinh đủ điểm sàn ở hệ ĐH của trường chỉ khoảng 10% chỉ tiêu, nhưng đó mới chỉ là con số xét tuyển, thực tế số thí sinh đến nhập học còn thấp hơn nhiều. Mặc dù đến ngày 25/8, các trường mới bắt đầu nhận hồ sơ xét tuyển NV2 và ngày 30/9 mới nhận hồ sơ xét tuyển NV3 nhưng trước tình hình không mấy sáng sủa, nhiều trường không tổ chức thi tuyển đã lên phương án tạm thời đóng cửa các ngành được xem là không hấp dẫn đối với sinh viên trong những năm gần đây. Trước mắt, các trường chọn phương án nâng chỉ tiêu tuyển sinh ở những ngành thu hút nhiều thí sinh đăng ký.
Không thể trông chờ vào việc hạđiểm sàn của Bộ, bởi đây là cái ngưỡng đảm bảo chất lượng, cũng không thể phá rào vì vi phạm quy chế, nhiều trường chỉ con biết trông chờ vào việc xét tuyển NV3. Bởi lúc này các trường ĐH công lập không xét tuyển NV2 nữa và “cửa” cho các trường sẽ rộng mở hơn.