Tuyên truyền đa dạng, tạo không khí phấn khởi cho cuộc bầu cử

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chiều nay (28/4), Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng đã làm việc với phường Quán Thánh (quận Ba Đình) về công tác chuẩn bị bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 - 2021.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra điểm tại một điểm niêm yết danh sách cử tri của phường Quán Thánh, quận Ba Đình.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng kiểm tra điểm tại một điểm niêm yết danh sách cử tri của phường Quán Thánh, quận Ba Đình.
Qua kiểm tra thực tế một số điểm niêm yết danh sách cử tri và nghe báo cáo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng đánh giá cao sự chủ động, nghiêm túc, triển khai thực hiện công tác bầu cử đảm bảo phát huy dân chủ, đúng quy trình, đúng luật của Ủy ban bầu cử phường Quán Thánh.

Phường đã thành lập 13 khu vực bỏ phiếu đã được quận phê chuẩn theo đúng quy định, trong đó có 8 khu vực bỏ phiếu thuộc địa bàn dân cư, 5 khu vực của lực lượng vũ trang. Việc niêm yết danh sách và tiểu sử tóm tắt những người ứng cử đảm bảo trang trọng, thuận lợi, đúng mục đích tuyên truyền nhiệm vụ chính trị. Công tác tuyên truyền, chuẩn bị cơ sở vật chất cũng đã được chuẩn bị chu đáo, trước mắt là đảm bảo phục vụ tốt nhất cho các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp.

Cùng với các quận Tây Hồ và Hoàn Kiếm, Ba Đình là đơn vị bầu cử số 1 của cả nước, là trung tâm chính trị, nơi có các cơ quan T.Ư và đồng chí Tổng Bí thư tái ứng cử tại đây, do đó, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu phường Quán Thánh, quận Ba Đình cần phát huy kết quả đó, triển khai toàn diện công tác bầu cử, tập trung cao độ với quyết tâm chính trị cao, tạo sự đồng thuận, để đây thực sự là ngày hội toàn dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy lưu ý việc thường xuyên rà soát danh sách cử tri, tránh trùng lắp hay bỏ sót; sắp xếp khoa học lịch tổ chức hội nghị tiếp xúc cử tri với ứng cử viên 4 cấp, đảm bảo công khai minh bạch, công bằng đối với các ứng cử viên. Tạo điều kiện tối đa để cử tri tham gia các hội nghị tiếp xúc, tránh tình trạng cử tri “chuyên nghiệp”.

Bên cạnh đó, đa dạng hóa các kênh tuyên truyền bằng nhiều nội dung phong phú, từ cổ động trực quan, tuyên truyền trên hệ thống phát thanh đến các buổi mạn đàm về tiểu sử các ứng viên để cử tri hiểu, nô nức đi bỏ phiếu chứ không phải đợi đến khi được gọi loa. Cùng với đó, quận và phường phải chú trọng tập huấn tỉ mỉ đến từng chi tiết cho các tổ bầu cử; nắm chắc tình hình, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho cuộc bầu cử.