Tuyên truyền đối ngoại - vũ khí “mềm” trước và sau đại dịch

Liên Hà
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin, tuyên truyền đối ngoại là một cầu nối giúp tăng cường hiểu biết lẫn nhau giữa Việt Nam và các đối tác, là lực lượng quan trọng quảng bá và nâng cao uy tín, vị thế Việt Nam, góp phần thu hút các nguồn lực để phát triển đất nước.

Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn ra suốt 2 năm vừa qua, công tác tuyên truyền đối ngoại cũng đóng vai trò quan trọng, gắn bó với “mục tiêu kép” nhằm chống dịch, đồng thời phục hồi phát triển kinh tế.

“Tấm đệm” của ngoại giao vaccine, phòng chống dịch

Cho đến nay, ngoại giao vaccine đã mang về cho đất nước hơn 200 triệu liều vaccine và nhiều trang thiết bị y tế, thuốc men từ các đối tác song phương, đa phương cũng như kiều bào ta ở nước ngoài.

Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp nhận tượng trưng 1,5 triệu liều vaccine Pfizer của Chính phủ Mỹ hỗ trợ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam tiếp nhận tượng trưng 1,5 triệu liều vaccine Pfizer của Chính phủ Mỹ hỗ trợ.

Chiến dịch “ngoại giao vaccine” cũng được triển khai quyết liệt và hiệu quả, trong đó vận động vaccine, thuốc điều trị và trang thiết bị y tế, chuyển giao công nghệ phục vụ phòng chống dịch được xác định là ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động đối ngoại cấp cao.

Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính phủ, Quốc hội đã có nhiều cuộc điện đàm, gặp gỡ, tiếp xúc với lãnh đạo các nước, tổ chức các quốc tế, các DN lớn về dược phẩm/ y tế. Chính phủ cũng đã thành lập Tổ công tác về ngoại giao vaccine. Trong đó, công tác tuyên truyền đối ngoại đã đóng vai trò không nhỏ, thường xuyên cập nhật thông tin về tình hình chuyển giao vaccine, các quyết sách về vaccine, hộ chiếu vaccine, bên cạnh đó là các thay đổi và điều chỉnh chính sách xuất nhập cảnh trong bối cảnh đại dịch.

Hơn 800 chuyến bay đã được tổ chức để đón hơn 200.000 công dân Việt Nam ở nước ngoài về Việt Nam và hỗ trợ các công dân bị “kẹt” ở nước ngoài. Những thành quả này đều có đóng góp của công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại thông suốt, liên tục, đầy đủ - một nỗ lực không hề nhỏ trong bối cảnh đại dịch.

Chia sẻ về những biến chuyển trong công tác thông tin đối ngoại thời đại dịch, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao - Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Vụ trưởng Vụ Thông tin báo chí Lê Thị Thu Hằng cho biết, đổi mới là phải duy trì các hình thức thông tin, từ họp báo trực tuyến, chủ động gửi thông cáo báo chí. Các cuộc họp chuyên môn hay trao đổi với các đối tác là Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao các nước cũng được tiến hành trực tuyến.

Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ.
Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng tại buổi họp báo thường kỳ.

Trong gần 2 năm qua, hàm lượng nội dung về Covid-19 luôn chiếm 1/3 số câu hỏi đối với Người Phát ngôn, liên quan đến bảo hộ công dân, chính sách xuất nhập cảnh, chính sách đối với người nước ngoài hay vấn đề vận động ngoại giao vaccine.

Minh bạch thông tin - nâng tầm vị thế

Trong bối cảnh hai năm đại dịch đã duy trì họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao với 50 cuộc họp báo thường kỳ, trong đó 24 cuộc họp báo được tổ chức dưới hình thức trực tuyến, trả lời hơn 950 câu hỏi phóng viên; cung cấp thông tin cho báo chí với gần 3.000 tin phát đối nội, đối ngoại về các hoạt động đối ngoại, bảo hộ công dân...

Từng bài báo, từng bản tin đối ngoại trong đại dịch đều góp phần truyền tải những thông điệp về một Việt Nam an toàn, đoàn kết và có trách nhiệm, bất chấp những tác động to lớn từ Covid-19.

Thứ nhất, đó là thông điệp về một quốc gia minh bạch, an toàn. Trước diễn biến phức tạp và trong thời điểm làn sóng dịch bệnh phủ khắp toàn cầu, truyền thông đối ngoại Việt Nam đã tập trung làm rõ tính minh bạch của diễn biến dịch bệnh thông qua việc cập nhật liên tục các bản tin về tình hình ca mắc mới mỗi ngày.

Thứ hai, thông điệp về một quốc gia với tinh thần đoàn kết, nhân văn, “không để ai bị bỏ lại phía sau”. Đây là một trong những thông điệp ngoại giao tạo nên ấn tượng mạnh mẽ đối với bạn bè quốc tế. Thông điệp ấy đã được truyền thông đối ngoại lan tỏa mạnh mẽ như một lời nhắn nhủ đến bạn bè quốc tế rằng, Việt Nam luôn sẵn lòng hỗ trợ bất cứ ai, dù mang bất kỳ quốc tịch nào, luôn lấy con người làm gốc trong mọi chính sách.

Thứ ba, thông điệp về một quốc gia với tinh thần trách nhiệm, hữu nghị với bạn bè quốc tế. Mặc dù gặp nhiều thách thức trong công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 và ổn định nền kinh tế - xã hội, Việt Nam vẫn thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm quốc tế cao.

Truyền thông đối ngoại đã kịp thời đưa tin về những hành động thiết thực của Việt Nam trong việc hỗ trợ và giúp đỡ bạn bè quốc tế, “tương thân, tương ái”, sẵn sàng hỗ trợ, chia sẻ với các nước ngay từ những ngày đầu chống dịch bệnh Covid-19.

Hỗ trợ phục hồi và phát triển

Đại dịch Covid-19 đã gây ra những tổn thất đối với nền kinh tế Việt Nam. GDP 6 tháng đầu năm 2020 chỉ tăng 1,81%, là mức tăng thấp nhất của 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 - 2020. Bước vào năm 2022, năm tạo đà cho phục hồi phát triển sau đại dịch, công tác tuyên truyền đối ngoại đã góp phần quan trọng vào nhiệm vụ giữ vững ổn định chính trị, xã hội, tạo lập môi trường hòa bình để tiến hành công cuộc đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng, được Nhân dân cả nước và cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao.
Trong bối cảnh “bình thường mới” phục hồi và phát triển, việc thông tin tuyên truyền đối ngoại cũng có những nhiệm vụ mới , đặc biệt trong lĩnh vực ngoại giao kinh tế.

Nhằm thúc đẩy công tác ngoại giao kinh tế trong năm 2022, công tác tuyên truyền đối ngoại tập trung vào thông tin những cơ hội đầu tư, tạo lập quan hệ hữu nghị sâu rộng với hợp tác trên nhiều lĩnh vực, thông qua đó tận dụng các khuôn khổ quan hệ để tiếp tục thúc đẩy, làm sâu sắc hợp tác kinh tế - thương mại - đầu tư giữa nước ta với các đối tác chủ chốt.

Công tác tuyên truyền thông tin đối ngoại cũng thông tin về các động lực tăng trưởng bền vững, tận dụng tối đa những thành tựu của chuyển đổi số, trong đó bao gồm ngoại giao công nghệ, ngoại giao biến đổi khí hậu, ngoại giao nguồn nhân lực chất lượng cao, ngoại giao tập đoàn, ngoại giao y tế…

Những thông tin về xúc tiến thương mại, đầu tư, du lịch, xuất khẩu lao động là một trong những trọng tâm, theo đó hỗ trợ tận dụng lợi ích của các FTA thế hệ mới và khuôn khổ, diễn đàn hợp tác kinh tế mà Việt Nam là thành viên.

Đối mặt với những thách thức, công tác thông tin, tuyên truyền đối ngoại âm thầm đóng góp cho bước chuyển chiến lược từ “Zero Covid” sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh", đưa kim ngạch xuất, nhập khẩu của Việt Nam năm 2020 vẫn đạt trên 545 tỷ USD; năm 2021 lập kỷ lục mới gần 670 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm 20 nền kinh tế hàng đầu về thương mại quốc tế; vốn đầu tư nước ngoài đã ký từ khi bắt đầu công cuộc Đổi mới đến nay đạt khoảng 400 tỷ USD.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần