Theo đánh giá của UBND TP Hà Nội về kết quả triển khai thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức PCCC trên địa bàn TP, giai đoạn 2019-2021, trong giai đoạn này, Công an TP Hà Nội đã triển khai kế hoạch thực hiện đợt cao điểm về tuyên tuyền, kiểm tra an toàn PCCC đối với khu dân cư, hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn TP.
Qua đó, 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh trên địa bàn Hà Nội được rà soát, lập danh sách thống kê số liệu, tình hình chấp hành quy định về PCCC; hướng đến 100% các hộ gia đình, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh qua công tác kiểm tra phát hiện tồn tại, vi phạm về PCCC&CNCH, ký cam kết khắc phục và ký cam kết đảm bảo an toàn về PCCC.
Lực lượng chức năng hướng dẫn người dân các thao tác cơ bản xử lý sự cố cháy thường gặp tại khu dân cư phường Thanh Xuân Trung (quận Thanh Xuân) tháng 4/2021 |
Cùng đó, chủ động xây dựng các nội dung tuyên truyền PCCC&CNCH sâu rộng tới các tầng lớp nhân dân theo từng chuyên đề, như: Mùa mưa bão, mùa nắng nóng, mùa hanh khô; tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động; tháng cao điểm đảm bảo an toàn PCCC; dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội trong năm; hưởng ứng ngày toàn dân PCCC 4/10, để phát thanh tuyên truyền tại 55 điểm nút giao thông trọng điểm trên địa bàn Hà Nội 2 buổi/ngày.
Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH Hà Nội đã phối hợp với các sở, ban, ngành TP triển khai thực hiện tốt công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC đến từng công chức, viên chức và lao động. Công an TP tập trung chỉ đạo xây dựng các mô hình điển hình tiên tiến về PCCC. Các mô hình liên kết hoạt động ngày càng có hiệu quả, đã chủ động phòng ngừa các sự cố cháy, nổ xảy ra. Trong 2 năm qua, đã có 616 đơn vị, cơ sở được công nhận đơn vị điển hình tiên tiến về PCCC. Đến nay, các cơ sở, đơn vị này đã có nhiều hoạt động nổi bật và tích cực để phấn đấu đạt được các tiêu chí về đơn vị điển hình tiên tiến trong công tác PCCC.
Bên cạnh đó, Bộ Tư lệnh Thủ đô đã tổ chức 80 buổi tọa đàm, hội thảo, trao đổi với 19.650 lượt người tham dự, 128 giờ giáo dục, tuyên truyền về đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác PCCC; vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác PCCC&CNCH; nghĩa vụ, trách nhiệm của cán bộ, chiến sĩ, lực lượng dân quân tự vệ trong Bộ Tư lệnh Thủ đô. Cùng với đó, tổ chức hội thao cứu nạn, cứu hộ với 4.010 đồng chí tham gia. Tổ chức các lớp tập huấn về nguyên tắc, trách nhiệm, yêu cầu công tác PCCC cho cán bộ, chỉ huy các đơn vị chủ lực và dân quân tự vệ với quân số trên 40.000 lượt. Tổ chức các hội thi tìm hiểu về luật PCCC để hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động - phòng chống cháy nổ cho trên 5.000 lượt cán bộ, chiến sĩ.
Các cơ quan thông tin báo, đài T.Ư và Hà Nội đã chủ động mở các chuyên trang, chuyên mục hướng dẫn, giải đáp thông tin về những văn bản, quy định mới liên quan đến công tác PCCC&CNCH; phối hợp Công an TP xây dựng các phóng sự chuyên đề về công tác PCCC; đưa các tin, bài về thực tập phương án chữa cháy và CNCH; hội thao PCCC; hướng dẫn các kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm cho người dân, các khuyến cáo, cảnh báo an toàn và tình hình cháy, nổ trên địa bàn Hà Nội.
UBND các quận, huyện, thị xã đã xây dựng kế hoạch của đơn vị phù hợp với đặc điểm tình hình của địa phương; tổ chức, triển khai sâu rộng tới các đơn vị, DN, cơ sở sản xuất kinh doanh, làng nghề; treo cờ, băng rôn, khẩu hiệu về PCCC trên các trục đường chính, cổng các cơ quan, đơn vị; tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác an toàn, vệ sinh lao động phòng chống cháy, nổ. Đồng thời, tuyên truyền các quy định của Luật An toàn, vệ sinh lao động và các văn bản hướng dẫn của T.Ư, TP hưởng ứng Tháng hành động về an toàn, vệ sinh lao động. Tổ chức kiểm tra, rà soát công tác PCCC đối với nhà ở hộ gia đình; nhà ở kết hợp kinh doanh, sản xuất, dịch vụ; cơ sở sản xuất, kho hàng hóa xen kẽ trong khu dân cư trên địa bàn. Tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC cho các đối tượng....
Giai đoạn 2022-2025, TP Hà Nội tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến kiến thức pháp luật về PCCC thông qua các hình thức phù hợp với thực tế của từng địa bàn, cơ sở như: phát tờ rơi, treo băng rôn, khẩu hiệu, hình ảnh về PCCC; tuyên truyền trên hệ thống loa tại khu dân cư, các điểm nút giao thông, tổ chức ký cam kết về PCCC; triển khai có hiệu quả việc tuyên truyền, khuyến cáo, cảnh báo an toàn về PCCC&CNCH thông qua các mạng xã hội như Zalo, Facebook, tin nhắn SMS, báo điện tử...
Cùng đó, tổ chức tập huấn nghiệp vụ PCCC&CNCH tại các khu dân cư, tổ dân phố và tại các cơ sở trọng điểm có nguy hiểm cháy, nổ cao như: nhà cao tầng, chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, kho, xưởng sản xuất, làng nghề, cửa hàng xăng dầu, nhà để ở kết hợp sản xuất, kinh doanh. Tổ chức các cuộc thi tìm hiểu pháp luật, hội thao nghiệp vụ PCCC&CNCH; tọa đàm, giao lưu trực tuyến, giải đáp, hướng dẫn những thắc mắc của người dân về các vấn đề liên quan đến công tác PCCC&CNCH. Tổ chức thực tập phương án chữa cháy và CNCH huy động nhiều lực lượng các ngành, các cấp tham gia. Đồng thời, tuyên truyền, phổ biến pháp luật và kiến thức pháp luật về PCCC&CNCH cho công chức, viên chức, lao động hợp đồng, giáo viên, học sinh các cấp học trên địa bàn Hà Nội.