Thanh niên công an TP Hà Nội tuyên truyền cho học sinh về phòng chống ma túy cho sinh viên trên địa bàn. Ảnh: Thành Đoàn |
Theo Bộ Tư pháp, các địa phương đã lựa chọn nội dung phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) dựa trên nhu cầu của từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên, tập trung vào các luật, văn bản hướng dẫn thi hành liên quan trực tiếp đến quyền, nghĩa vụ của thanh niên như: An toàn giao thông đường bộ; hôn nhân và gia đình; phòng, chống tệ nạn xã hội về ma túy, mại dâm, cờ bạc; lao động, việc làm, bạo lực học đường…
Các hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên được tổ chức triển khai thực hiện thông qua nhiều hình thức, mô hình khác nhau, khá đa dạng. Qua thực tiễn triển khai Đề án, tại các địa phương đã xuất hiện những mô hình PBGDPL có hiệu quả cho thanh, thiếu niên như: Mô hình “Quán cà phê pháp luật” (Sở Tư pháp TP Cần Thơ, Hậu Giang); Ngày Pháp luật hàng tháng; mô hình “Đồng hành cùng phát triển (Sở Tư pháp Hà Nam)... Bên cạnh đó, mỗi ngành còn có mô hình tuyên truyền khác nhau như: Ngành Giáo dục và Đào tạo có mô hình Hội thi “Rung chuông vàng tìm hiểu kiến thức pháp luật”; lực lượng Công an Nhân dân có mô hình “Đội dân phòng cơ động”, Bến Tre có “5 tự quản”…Bên cạnh những kết quả đạt được, việc thực hiện Đề án vẫn còn có một số tồn tại. Công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên theo mục tiêu và nhiệm vụ của Đề án chưa đồng đều trong cả nước. Hoạt động phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức trong thực hiện Đề án chưa thường xuyên, chưa gắn kết, chủ yếu do cơ quan chủ trì thực hiện Đề án tổ chức thực hiện.Công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên nói chung, thực hiện Đề án nói riêng chủ yếu tập trung vào đối tượng thanh, thiếu niên là học sinh, sinh viên trong trường học; thanh, thiếu niên ở đô thị; thanh niên là công chức, viên chức, người lao động trong cơ quan Nhà nước, chiến sĩ lực lượng vũ trang mà chưa có nhiều hoạt động PBGDPL cho đối tượng thanh, thiếu niên đặc thù theo Luật PBGDPL; thanh, thiếu niên tự do, cư trú không ổn định, chưa có việc làm; thanh, thiếu niên thuộc đối tượng có nguy cơ vi phạm pháp luật cao. Hoạt động PBGDPL cho thanh, thiếu niên ở một số địa phương còn mang tính phong trào, chưa khắc phục được triệt để tính hình thức. Hình thức, mô hình PBGDPL chậm đổi mới, chưa thực sự phù hợp với trình độ hiểu biết và tâm sinh lý và lứa tuổi, hiệu quả chưa cao. Kinh phí thực hiện Đề án từ ngân sách Nhà nước ở nhiều địa phương còn hạn hẹp, chưa tương xứng với mục tiêu, nhiệm vụ của Đề án. Việc huy động nguồn lực trong xã hội tham gia, hỗ trợ công tác PBGDPL cho thanh, thiếu niên còn hạn chế. Theo Vụ trưởng Vụ Phổ biến pháp luật Lê Vệ Quốc, cần rà soát, xác định cụ thể nhiệm vụ trọng tâm, các giải pháp thực hiện Đề án. Gắn kết thực hiện nhiệm vụ của Đề án với các chương trình, đề án về PBGDPL có liên quan và tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác PBGDPL nhằm tiết kiệm, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Đặc biệt, chú trọng khảo sát nhu cầu thực tế của đối tượng về nội dung, hình thức PBGDPL trước khi tổ chức các hoạt động PBGDPL, nhất là tại cơ sở để phù hợp với đối tượng, địa bàn và nhu cầu của từng nhóm đối tượng thanh, thiếu niên; đồng thời bố trí kinh phí ngân sách Nhà nước bảo đảm thực hiện có hiệu quả Đề án, huy động các tổ chức hành nghề về pháp luật, tổ chức xã hội nghề nghiệp về pháp luật, cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia và hỗ trợ kinh phí PBGDPL cho thanh, thiếu niên...